■ Ông Nguyễn Thanh Tùng có địa chỉ Email: thanhtn@outlook.com.vn hỏi:
Bà ngoại tôi là Phạm Thị Hồng, năm nay đã 87 tuổi, cư trú tại tổ 9, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái. Hiện bà đang chơi ở nhà người thân ở Phú Thọ, bà muốn đến BVĐK tỉnh Phú Thọ để KCB có được thanh toán BHYT hay không? Nếu không thì đến cơ sở y tế nào thì được khám bệnh bằng thẻ BHYT? Và mức hưởng BHYT là bao nhiêu?
Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả lời: Bà của ông Thanh Tùng thuộc đối tượng hưu trí, KCB ban đầu tại BVĐK tỉnh Yên Bái, bà muốn đến khám tại BVĐK tỉnh Phú Thọ. Như vậy trường hợp của bà ông Thanh Tùng thuộc đối tượng khám trái tuyến.
Căn cứ vào Khoản 3, Điều 22, Luật BHYT: trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả theo mức hưởng tùy theo đối tượng tham gia BHYT với tỷ lệ như sau: Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả KCB ngoại trú và điều trị nội trú).
Đối chiếu với các quy định nêu trên, bà của ông khi đi KCB tại BVĐK tỉnh Phú Thọ mà vào điều trị nội trú sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Nếu bà của ông chỉ đến KCB ngoại trú mà không điều trị nội trú thì sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT. Để được hưởng quyền lợi khi đi KCB cả khám ngoại trú và điều trị nội trú bà có thể lựa chọn các bệnh viện tuyến huyện để KCB và sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB BHYT.
H.D
■ Ông Trần Văn Hòa có địa chỉ Email: hoavantran88@gmail.com hỏi:
Chú tôi thuộc hộ cận nghèo. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, chú tôi không còn được Nhà nước hỗ trợ 100% BHYT theo đối tượng người dân tộc thiểu số tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nữa. Do hoàn cảnh gia đình nên sau khi thẻ BHYT hết hạn chưa có đủ điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT. Tháng 9/2022, chú tôi có nguyện vọng tham gia BHYT. Theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 16 Luật BHYT (Văn bản hợp nhất số 28/VBHN-VPQH ngày 7/12/2020 của Văn phòng Quốc hội thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT). Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 8, Điều 13, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 thì đối tượng thuộc hộ cận nghèo không được nêu trong các trường hợp quy định ở mục này nên thẻ BHYT của chú tôi (thẻ hộ cận nghèo) có giá trị sử dụng từ ngày nộp tiền đóng BHYT. Vậy, tôi muốn hỏi thẻ của chú tôi có hiệu lực sau 30 ngày hay là có hiệu lực ngay sau khi mua thẻ?
BHXH tỉnh Yên Bái trả lời: Văn bản hợp nhất số 28/VBHN-VPQH ngày 07/12/2020 là văn bản Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật. Nội dung quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 16 của Văn bản hợp nhất số 28/VBHN-VPQH đã được quy định tại Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015.
Căn cứ Khoản 8, Điều 13 của NĐ số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định về thời hạn thẻ BHYT có giá trị sử dụng: "Đối với đối tượng khác, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT.
Trường hợp đối tượng quy định tại Khoản 4, Điều 4, Điều 5 và 6 Nghị định này tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có thời hạn sử dụng là 12 tháng kể từ ngày thẻ BHYT có giá trị sử dụng theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 16 của Luật BHYT”. Như vậy, thẻ BHYT của chú ông sẽ có giá trị sử dụng từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT theo quy định.
Nguyễn Hồng