Mô hình tổ hợp tác đan lát do chị Linh Thị Hoa, ở thôn 4, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái làm chủ, từ lâu đã trở thành địa chỉ cho nhiều chị em đến đây cùng làm các mặt hàng thủ công từ cây tre, cây giang, tạo ra các sản phẩm nón, giỏ..., phục vụ sinh hoạt và làm quà lưu niệm. Mô hình không chỉ góp phần khôi phục nghề truyền thống mà còn mang về thu nhập ổn định 200.000 đồng/một ngày công cho 6 lao động.
Chị Linh Thị Hoa cho biết: "Công việc rất phù hợp với phụ nữ có tuổi vì ở nông thôn không làm gì được, công ty không có việc, chỉ có đồi với ruộng thôi. Do đó việc làm thêm này cho thu nhập ổn định”.
Với những mô hình cụ thể, thiết thực, hàng năm số hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Mường Lai giảm dần, nhiều hộ đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Gia đình ông Nông Văn Bường là một ví dụ. Cuối năm 2022, ông Bường mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và trong năm nay đã vay vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi lợn và gia cầm.
Bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lai, huyện Lục Yên cho biết, trong năm 2023 này, xã sẽ cán đích nông thôn mới và hướng tới mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 13%:
"Xã thực hiện tập trung các giải pháp cụ thể như tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến các hộ dân, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho bà con nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế như các tổ hợp tác ở xã, các làng nghề và các mô hình phát triển kinh tế ở các tổ chức hội, mục đích là tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo bền vững”, bà Hoàng Thị Hà nói.
Ông Nông Văn Bường xin thoát nghèo và tập trung chăn nuôi nâng cao thu nhập
Cùng với dành các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh, các chính sách an sinh xã hội, nguồn xã hội hóa và hỗ trợ của các mạnh thường quân cho công tác giảm nghèo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 61 "về tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030”. Trong đó đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo...
Ông Triệu Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai, huyện Lục Yên cho biết: Nghị quyết 61 của Tỉnh ủy Yên Bái đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương nghiêm túc triển khai. Tại Đảng bộ xã Mường Lai, đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho từng năm, từ đó đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể, giải pháp phù hợp với từng đối tượng.
"Vận động nhân dân phát huy tối đa nội lực, không trông chờ ỷ lại; song song với đó thì cũng thường xuyên động viên, hỗ trợ các hộ gia đình trong việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; định hướng hỗ trợ cho nhân dân để phát triển các mô hình kinh tế về chăn nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, đặc biệt là thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi vận động xã hội hóa để làm nhà ở, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo”, ông Triệu Văn Huấn nói.
Tỉnh Yên Bái phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều trong giai đoạn 2020 - 2025. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở, mục tiêu này đang dần hoàn thành, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025.
PV