Những ngày gần đây, mạng xã hội "dậy sóng" với câu chuyện một bà mẹ vì con không được nhường ghế trên xe buýt mà chụp hình, đăng bài viết "bóc phốt" một cô gái. Những tưởng cộng đồng mạng sẽ thấu hiểu, chỉ trích cô gái và tìm lại công bằng cho chủ nhân bài viết thì ngược lại, "gạch đá" bất ngờ đổ dồn vào người mẹ kia.
Nói về hành động chụp hình khi chưa được sự đồng ý của người khác, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, cho biết: "Đó là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định tại điều 32, điều 38 bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp này, người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường".
Luật sư Bình nói thêm: "Trường hợp người quay phim đăng video về người khác lên mạng xã hội, thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng cho hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử".
"Vậy mà cũng đăng lên mạng"
Bạn đọc (BĐ) Nhung Dien phân tích về câu chuyện nhường chỗ: "Đây là xe buýt trung chuyển của một khu du lịch ở P.Q (chứ không phải xe buýt công cộng), có rất nhiều chuyến từ Safari về lại khách sạn, cứ tầm 20 phút là có một chuyến, chuyến này đông mình chờ chuyến khác, không thì kêu taxi mà về. Sao nhiều người cứ muốn người khác phải nghe theo ý mình, người khác không làm thì làm um lên. Đành rằng cô gái không nhường thì cũng hơi kỳ nhưng cô gái vẫn cho bé ngồi chung thì tại sao bà mẹ lại làm um lên?".
Cùng ý kiến, BĐ Tam Le nhận định: "Chuyện có người không nhường ghế cho con mình ngồi trên xe buýt mà cũng chụp hình người ta rồi đăng lên mạng được, có đáng như vậy không? Đọc bài viết đã thấy người mẹ này sai sai rồi. Nói về cô gái như vậy, nếu như cô gái "cứng", cho luật sư nói chuyện và khởi kiện thì tính làm sao? Lúc đó xin lỗi à?". BĐ Huy viết: "Bà mẹ làm vậy có nên không? Không vừa ý cái là bêu riếu người khác lên mạng xã hội. Tôi chắc chắn là số đông không đồng tình với bà rồi. Cô gái ấy có thể đang say xe, hoặc tới tháng, hoặc đang mệt. Chứ đâu phải muốn là được, cũng phải hiểu người khác chứ...".
Đừng vi phạm vì nông nổi
Nhận xét về câu chuyện trên, BĐ Dũng Nguyễn phân tích: "Có thể cô gái đang mệt trong người. Nhường ghế cho những người có khả năng đứng được không phải là trách nhiệm, mà là sự tự nguyện ở mức độ hợp lý. Bà mẹ kia có thể đề nghị nhưng không được quyền yêu cầu người khác phải nhường ghế. Cũng không được quyền chụp hình người khác để xúc phạm như vậy".
Nói về việc nhiều người đăng bừa lên mạng xã hội, BĐ Su Long cho biết: "Nói thật, tôi thấy nhiều người có "sở thích" rất lạ: Thấy cái gì cũng chụp, cũng quay rồi hí hửng "tương" lên mạng xã hội mà không thèm suy nghĩ hậu quả sau đó là gì. Cổ nhân đã từng dạy "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói", còn bây giờ nhiều người khuyên "Chuẩn bị 7 triệu rưỡi (đóng phạt) trước khi đăng (chuyện tào lao)".
Không phải cái gì cũng đăng bừa lên mạng xã hội được. Hãy suy nghĩ thật kỹ, đăng như vậy có nên không, sẽ được gì, mất gì… Cái gì cũng có luật hết, thời công nghệ số, càng phải chịu khó tìm hiểu một chút để biết những gì nên làm và không nên làm.
Đừng vì nông nổi mà vi phạm pháp luật". BĐ Thanh Thanh thì bức xúc đề nghị: "Đã từng có nhiều người bị phạt do đăng, chia sẻ những nội dung xấu, xúc phạm người khác… trên mạng, nhưng xem ra vẫn chưa đủ răn đe. Đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, nếu nghiêm trọng thì xử lý hình sự để răn đe và làm trong sạch không gian mạng".