Một thoáng Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Hoàng Trung Năng dành một buổi đưa chúng tôi lên Suối Giàng. Xe đi êm như ru trên con đường nhựa phẳng lỳ, nắng xuân sánh vàng như có thể xắt ra được, gió mơn man, mây trắng bồng bềnh đùa giỡn. Thật hay, đúng dịp chuẩn bị Tết của người Mông.

Bên cây chè cổ thụ Suối Giàng.
(Ảnh:Phong Sơn)
Bên cây chè cổ thụ Suối Giàng. (Ảnh:Phong Sơn)

Qua Bản Mới, đã thấy những chàng trai Mông đi mô tô nối đuôi nhau chở đầy ắp hàng Tết lên bản. Đầu chái, mấy cô gái má đỏ như cà chua chín, tay thêu như múa trên những chiếc khăn màu. Tôi bỗng nhớ tới Giàng Thị Ca - cô gái có đôi mắt đẹp mê hồn quê ở Suối Giàng. Hỏi Giàng A Đằng - Chủ tịch UBND xã, anh lắc lắc tay tôi: “Nó là con gái Giàng A Tếnh - Bí thư  Đảng ủy đấy, nó gọi mình bằng chú. Con bé ngoan lắm mà”. Mươi năm trước, tôi lên Suối Giàng, khi ấy cái sự học ở đây còn mờ mịt lắm. Trường tiểu học Nhà nước đầu tư lèo tèo vài chục học sinh, có năm tới lớp 3 là đi đâu hết, thầy cô lại lặn lội lên núi tìm trò, nhiều khi vô vọng... Chủ tịch Đằng và tôi cứ thế nắm tay nhau đi bộ vào luôn Pang Cáng.

Con đường đất nhỏ hẹp, gập ghềnh, ngày xưa chỉ người ngựa đi, bây giờ đã được mở rộng, xe máy các loại đi lại ngon lành. Anh Đằng giới thiệu: “Đường huy động sức dân đấy, Nhà nước chỉ hỗ trợ xây một cống thoát nước, còn lại gần hai cây số người Mông làm cả mà!”. Chuyện người Mông làm đường đã trở thành kỳ tích sánh ngang những công trình thế kỷ ruộng bậc thang trên núi. Tôi đã chứng kiến công trường làm đường giao thông lên Chế Tạo, Mù Cang Chải: hàng ngàn người, trai, gái, già, trẻ tay xà beng, tay cuốc, vần đá, vác đất mở ra những con đường mới. "Thế mới biết sức dân mạnh thế nào, anh nhỉ!" - tôi quay sang Chủ tịch Đằng. Anh cười hiền hậu: "Thế mà, cái người Mông mình làm đường giỏi lắm mà".  Qua một con dốc, lên một con dốc nữa, lại xuống một con dốc, tôi đã nghe tiếng trẻ trong như nước nguồn Giàng Cao vẳng ra từ trường mẫu giáo. Cô giáo Yến chạy ra mở toang cổng trường, dẫn chúng tôi vào thăm lớp. Chú bé tên Trang A Lầu nhà ở thôn Tập Lăng quàng trên cổ chiếc khăn len to sụ, xung phong đọc bài, đọc lưu loát bằng cả hai thứ tiếng: “Có cô rong xanh/ Đẹp như tơ nhuộm/ Giữa hồ nước trong/ Nhẹ nhàng uốn lượn...”. Tôi nghe chú bé đọc mà nhớ về những em nhỏ người Mông thất học, đầu tóc khét mùi nắng, như sắn như khoai lăn mình trên nương trên rẫy mà tôi gặp những năm nào xa tít tắp.

Suối Giàng hôm nay đã có sức lo cho sự nghiệp trồng người. Trường tiểu học, THCS, trường mầm non được xây dựng bằng vốn đầu tư của Nhà nước và sức dân. “Tất cả con em người Mông đều được học cái chữ, hiện giờ Suối Giàng có 30 cháu học THPT này, 2 cháu học cao đẳng này, 2 cháu học đại học này” - Chủ tịch Đằng nói vậy. Qua Pang Cáng với những mái nhà trắng lấp loáng trong nắng non tươi, chúng tôi sang khu rừng chè tuyết Shan cổ thụ. Ôi trời, những thân chè mốc thếch, tán xoè rộng cả chục mét, gốc to dễ mấy vòng tay lực lưỡng, như những con gấu rừng, lừng lững một dải từ Giàng Cao, Giàng A tới Giàng B, Pang Cáng. Yên Bái, tỉnh có diện tích chè lớn nhất phía bắc Việt Nam, nếu so cả nước chỉ đứng sau Lâm Đồng. Còn nhiều tỉnh khác cũng có chè và chè ngon nổi tiếng như Phú Thọ, Thái Nguyên... nhưng chỉ duy nhất Yên Bái-Văn Chấn-Suối Giàng mới có những rừng chè tuyết Shan cổ thụ, một món quà quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng, vừa đủ, không ít cũng không nhiều. Chè cổ thụ Suối Giàng sinh trưởng tự nhiên, búp chè to, mập, đâm tua tủa như những ngọn măng sặt trên núi. Những cô gái Mông khi hái cõng nhau trèo lên cây, hái một lát mà búp tươi đã đầy tràn lù cở. Những búp chè ấy, được đem về sao trên bếp lửa, khi pha, nước xanh màu mật ong, uống thấy đủ “bát thập vị” của trà, cảm giác như uống được tinh chất của đất trời vậy.

Người già ở Giàng Cao - nơi đầu tiên người Mông về định cư ở Suối Giàng kể: khi lớn lên đã thấy những gốc chè cổ thụ, bao thế hệ người Mông đã gắn bó với cây chè, một cách tự nhiên, máu thịt từ bao đời, trải qua bao gió sương, dạn dày qua mưa nắng. Những gốc chè cổ thụ cứ thế vươn cao, tỏa xòe bóng mát cho những đôi trai gái tự tình. Chính những rừng chè cổ thụ đã nâng đỡ người Mông, tạo cho họ cuộc sống ổn định nhờ thu hái những búp chè tinh khiết, quý giá. Tôi được biết, mỗi năm người dân thu hái từ 350-400 tấn chè búp tươi, thu về cả tỷ đồng từ chè cổ thụ. Có năm, sản lượng chè tươi của xã trên 450 tấn, đời sống người Mông nhờ thế có phần no đủ. Chè tuyết Shan cổ thụ quý như thế nên những năm gần đây, huyện Văn Chấn đã chủ động quy hoạch, giữ gìn những rừng chè cổ thụ và nhân giống chè này ra ở các thôn trong xã, tập trung chủ yếu ở Pang Cáng, Giàng A, Giàng B. Trồng một cách tự nhiên, không cần chăm sóc mà cây vẫn lớn cứ như thể đất này là dành riêng cây chè vậy.

Suối Giàng nổi tiếng về những cây chè cổ thụ với môi trường sinh thái lý tưởng nhưng còn đậm đà hơn bởi bản sắc riêng của cộng đồng dân tộc Mông đã sinh sống và định cư ở đây từ nhiều đời. Cuộc sống của người Mông Suối Giàng đã có nhiều thay đổi, từ cung cách làm ăn tới tiếp cận và thụ hưởng các phương tiện, dịch vụ của cuộc sống văn minh: gần 53% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 20% có ti vi, rađio, xe máy... nhưng những nét đẹp rất riêng của văn hoá dân tộc thì vẫn thấm đẫm từng mái nhà và mỗi dòng họ. Đó là một thứ tài nguyên mà có lẽ chỉ Suối Giàng mới có chăng?... Chuông điện thoại bỗng reo. Một điệu khèn Mông theo lời nhạc bài hát “Người Mèo ơn Đảng” của nhạc sỹ Thanh Phúc! Ô, trên cao ngất này đã có sóng di động rồi! Chủ tịch Đằng bấm máy “bíp” một cái: “A lô, mình đang bận đi Pang Cáng có tý việc đã nhé, có các anh nhà báo lên thăm Suối Giàng mà”. Anh Hoàng Trung Năng nhìn cái vẻ “thộn” của tôi mà cười: “Ngạc nhiên thế cơ à? Không có sóng điện thoại thì làm sao có thể làm du lịch được!”.  À nhỉ, Dự án quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Suối Giàng đã được Sở Thương mại - Du lịch và huyện Văn Chấn xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt. Thuyết minh Dự án có nêu: “Suối Giàng cách huyện lỵ Văn Chấn 12 km, nằm ở độ cao trung bình 1.000-1.300 m so với mực nước biển, nhiều điểm cao trên 1.400m, không khí trong lành, khí hậu quanh năm mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên hấp dẫn. Suối Giàng có những đồi chè tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có những cánh rừng thông, pơ mu xanh tốt, là tài nguyên du lịch quý giá. Dân cư 98% là người Mông, còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán và nét đẹp văn hoá mang bản sắc riêng biệt...”.

Theo tính toán của các nhà quản lý, sẽ xây dựng vùng du lịch sinh thái trên cơ sở xác định ba tính chất, đó là: trung tâm nghỉ mát mang tính chất sinh thái văn hoá cộng đồng, du lịch mạo hiểm có tính bền vững của khu vực; trung tâm hành chính và kinh tế của xã; trung tâm giao lưu kinh tế xã hội và môi trường của vùng kinh tế phía Tây tỉnh Yên Bái. Để làm được điều này, huyện Văn Chấn và tỉnh Yên Bái đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào khu du lịch sinh thái Suối Giàng. Đêm về, Suối Giàng toả sáng như một vì sao lớn ẩn chứa bao điều kỳ diệu thôi thúc người ta khám phá. Mấy năm nay, các chương trình dự án vốn ngân sách, vốn vay, vốn nước ngoài đã đầu tư cho xã hàng chục tỷ đồng để phát triển kinh tế – xã hội. Vùng chè cổ thụ đã được quy hoạch, bảo vệ để làm trung tâm cho vùng du lịch sinh thái, các thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng, đã có nhiều đoàn khách quốc tế và nhà đầu tư trong nước đang “để mắt” tới Suối Giàng như là một phát hiện mới, một cơ hội mới...

Trước khi chia tay, chúng tôi thưởng trà ở ngay Nhà bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông. Trong ngôi nhà gỗ ngay ven rừng chè tuyết Shan cổ thụ, những chén trà sóng sánh được pha chắt bởi bàn tay em gái Mông toả thơm khắp gian nhà, chưa uống đã thấy lâng lâng, người nhẹ nhàng thanh thoát. Trong cái lâng lâng ấy, đã nghe đâu đây leng keng tiếng nhạc ngựa, réo rắt điệu khèn của chàng trai Mông chân liêu xiêu, lừng thơm men rượu lá. Em gái Mông má ửng hồng, e lệ, lòng rộn rã. Mùa xuân dường như đến sớm trên cao nguyên này...

Tuấn Anh

Các tin khác

YBĐT - Quan tâm và yêu quý trẻ thơ là một đạo lý truyền thống vô cùng tốt đẹp của người Việt Nam. Chính vì đạo lý ấy mà những gì ngon nhất, quần áo đẹp nhất...luôn được người lớn dành cho trẻ nhỏ. Có cả tết cho trẻ nhỏ, đó là rằm Trung Thu. Ở nông thôn cách đây vài chục năm khi mà nông dân còn làm ruộng chung và ăn chia theo công điểm, người ta còn dành những phần ruộng để làm quỹ thiếu nhi.

Cầu treo vào Trường THPT Văn Chấn xã Cát Thịnh mới được xây dựng lại.

YBĐT - Hơn một năm không phải là thời gian dài cho mảnh đất này có thể chữa lành mọi vết thương. Nhưng đang hồi sinh và trở lại nhịp đời là điều dễ nhận thấy ở vùng tang thương sau trận lũ kinh hoàng ngày 27/9/2005.

Nhà văn hóa phố Hồng Phú (phường Hồng Hà, TP Yên Bái) vừa được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

YBĐT - Là một tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều dân tộc anh em chung sống. Bản sắc văn hoá các dân tộc phong phú, đa dạng và bên cạnh phong tục, tập quán tốt cũng còn những bất cập không phù hợp với nếp sống văn hoá mới. Tuy vậy, phong trào thi đua xây dựng bản làng, gia đình, cơ quan trường học có đời sống văn hoá đã và đang khắc phục dần những tồn tại ấy.

Việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

YBĐT - Ông Phùng Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết: “Từ kinh nghiệm của năm 2005, công tác xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã năm 2006 được thực hiện bài bản và chặt chẽ hơn. Như vậy, chất lượng các xã đạt chuẩn cũng cao hơn. Theo đánh giá sẽ có 30 xã tiếp tục đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 61 xã”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục