Yên Bái tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/5/2023 | 7:31:59 AM

YênBái - Sau 2 năm thực hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 88,8%, ở khu vực nông thôn đạt trên 33,7%.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thùng đựng rác thải cho hội viên nông dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thùng đựng rác thải cho hội viên nông dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.


88,8% chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom, xử lý

Theo Đề án, Yên Bái đặt mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 sẽ đầu tư 13 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phân đều tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh bằng nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 93,4% và khu vực nông thôn đạt trên 51,2%. 

Đến nay, sau 2 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 88,8%, ở khu vực nông thôn đạt trên 33,7%; 1 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt cụm xã được đầu tư và đi vào hoạt động (tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên); đang triển khai đầu tư xây dựng 2 lò đốt CTRSH cụm xã tại huyện Yên Bình (xã Vĩnh Kiên, xã Cảm Nhân). 

Ông Vũ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thị xã Nghĩa Lộ đang thực hiện thu gom 40 tấn rác thải/ ngày. Đối với 4 phường của thị xã, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 98%. Đối với các xã còn lại đã thành lập 65 tổ thu gom rác thải thực hiện thu gom rác trên các tuyến đường thôn, xóm. 

Sau khi thu gom sẽ tập trung tại một địa điểm cố định để đơn vị thu gom vận chuyển đến bãi xử lý rác tập trung của thị xã. Đối những khu dân cư xa nơi thu gom rác thì người dân thực hiện thu gom, xử lý rác ngay tại hộ gia đình theo hình thức chôn lấp. Tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn của thị xã đạt 67%. Thị xã cũng tuyên truyền, vận động các xã xây dựng các mô hình thu gom, phân loại rác thải để giảm lượng rác thải phải xử lý chôn lấp. Tỷ lệ rác phân loại tại nguồn của thị xã đã tăng hàng năm”. 
Tại thành phố Yên Bái, sau hai năm thực hiện Đề án, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 90%, trong đó khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 80%. Trên địa bàn thành phố có 154 điểm thu gom rác thải, các khu vực công cộng đều được bố trí đầy đủ các loại thùng rác.

Ở khu vực nông thôn, thành phố đầu tư các bể thu gom rác thải, các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật và thuê các đơn vị chức năng có chuyên môn để xử lý theo quy định. Toàn bộ các hoạt động thu gom trên địa bàn thành phố được thực hiện theo hình thức đấu thầu với đơn vị cung cấp dịch vụ. 

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Trúc cho biết: "Để duy trì các hoạt động thu gom rác thải, MTTQ thành phố đã phát động các phong trào toàn dân đoàn kết thu gom rác thải cũng như xây dựng các mô hình xử lý rác thải tại nguồn để triển khai nhân rộng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện thu gom rác trên địa bàn cũng gặp khó khăn do các điểm tập kết rác ở khu vực nội thành diện tích chật hẹp cũng gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Trong thời gian tới, thành phố sẽ làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ để bố trí các địa điểm thu gom rác cho phù hợp”. 

Trong quá trình thực hiện Đề án, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, UBND tỉnh đã quyết định sáp nhập các đơn vị vệ sinh môi trường của 6/7 địa phương vào ban quản lý các dự án đầu tư của địa phương (huyện Văn Yên chưa thực hiện việc sáp nhập). 

Riêng thành phố Yên Bái và huyện Lục Yên không thực hiện sáp nhập. Tỉnh cũng đồng thời khuyến khích, nhân rộng, tăng cường thành lập các hợp tác xã, tổ tự quản thu gom, vận chuyển CTRSH tại các xã, các khu dân cư tập trung theo hình thức xã hội hóa. 

Đến nay, có khoảng 150 tổ, đội tự quản thu gom CTRSH (tăng 117 tổ, đội tự quản so với năm 2020). Ủy ban MTTQ các cấp cũng thành lập mới và duy trì hoạt động của 676 tổ tự quản về môi trường.

Khắc phục những tồn tại


Dây chuyền xử lý rác thải tại Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái.  

Bên cạnh những kết quả được, việc triển khai nhiều nội dung của Đề án còn chậm so với kế hoạch như: việc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá thu gom, xử lý, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức thu gom, xử lý rác; việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở xử lý CTRSH tập trung; đóng cửa các bãi chôn lấp. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải còn hạn chế.

Việc phân loại CTRSH tại nguồn chưa phổ biến; tình trạng vứt rác bừa bãi còn xuất hiện ở nhiều nơi; còn một lượng lớn chất thải chưa được thu gom, xử lý theo quy định (11,2% ở khu vực đô thị; 66,3% ở khu vực nông thôn). 

Lý giải về vấn đề chưa thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Trúc cho biết: "Hiện nay, phương tiện cũng như thiết bị xử lý phân loại rác thải tại nguồn của đơn vị cung cấp dịch vụ chưa được đầu tư đồng bộ, thành phố sẽ làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ để có kế hoạch mua sắm các thiết bị xử lý, phân loại rác để cung cấp cho người dân. 

Bên cạnh đó, một số ít người dân ý thức chưa cao, còn có hiện tượng đổ rác không đúng giờ cũng như vứt rác bừa bãi. Chúng tôi sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng phương án thông qua camera giám sát an ninh để có hình thức xử phạt người vi phạm. Thành phố sẽ tiếp tục phát động các phong trào để thu hút người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn”. 

Một khó khăn nữa trong quá trình thực hiện Đề án là việc xây dựng các lò đốt CTRSH. Theo kế hoạch, trong giai đoạn sẽ đầu tư 13 lò đốt, trong đó có 7 lò từ nguồn ngân sách Nhà nước, 6 lò từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc huy động mời gọi xã hội hóa khó khăn nên phải chuyển 2 lò đốt từ nguồn xã hội hóa sang đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các địa điểm xây dựng các lò đốt rác, việc lựa chọn công nghệ, phương thức xử lý và công tác quản lý, vận hành các lò đốt rác cũng gặp khó khăn. 

Ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: "Nguồn kinh phí để xây dựng các lò đốt rác hạn chế, nhiều địa phương chưa chủ động bố trí nguồn ngân sách nên đến nay mới triển khai xây dựng 1/7 lò theo Đề án. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa chủ động trong giải phóng mặt bằng, thu hút mời gọi các nhà đầu tư xử lý rác thải theo hình thức xã hội hóa và chưa có sự thống nhất chung về cơ chế quản lý, phương thức vận hành, đơn giá thu phí xử lý chất thải rắn”. 

Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 93,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đạt trên 51,2%. Để thực hiện mục tiêu này, Yên Bái xác định quản lý CTRSH là trách nhiệm chung các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn xã hội.Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tạo cơ sở pháp lý, kinh tế và kỹ thuật cho việc hoạch định các chương trình, dự án đầu tư nhằm tăng cường và nâng cao năng lực xử lý CTRSH.

Đồng thời, khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và đầu tư xây dựng các công trình, dự án xử lý CTRSH tập trung với công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. 

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; xóa bỏ toàn bộ các điểm tập kết, tồn lưu CTRSH tự phát, bảo đảm chấm dứt tình trạng xả rác không đúng quy định; nâng cấp, cải tạo hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH tự phát trên địa bàn. 

Tỉnh tập trung nhân rộng mô hình tổ, đội tự quản về vệ sinh môi trường ở các thôn, bản, tổ dân phố; vận động các gia đình, dòng họ ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định thu gom, phân loại CTRSH tự phát. Qua đó, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng môi trường sống và chỉ số hạnh phúc cho người dân.

Mạnh Cường

Tags Yên Bái tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Các tin khác

Phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó thủy chung sâu sắc Việt –Lào, năm nay là năm thứ 15 kể từ khi thiết lập mối quan hệ chính thức hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Yên Bái và 2 tỉnh Viêng Chăn, Xay Nha Bu Ly, nước bạn Lào, các hoạt động giao lưu, trao đổi, hỗ trợ nhau trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục…

Bão Mawar mang theo gió lớn ở vịnh Tumon, đảo Guam, ngày 24/5.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơ quan này đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ siêu bão Mawar ngoài khơi Philippines.

Toàn cảnh Hội nghị cấp cao về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa, diễn ra ngày 27/5 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris.

Các đại biểu tập trung thảo luận việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và sử dụng một cách bền vững các sản phẩm nhựa để tiến tới kinh tế tuần hoàn, cũng như việc quản lý hợp lý chất thải nhựa.

Ảnh minh họa.

Dự báo, từ ngày 29/5, ở khu vực Tây Bắc Bộ và vùng núi phía tây các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, có nơi hơn 36 độ C. Cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn và cháy rừng ở các khu vực trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục