Theo đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa nhằm góp phần thực hiện thành công Chỉ thị của Chính phủ về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Từ đó, góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và tỉnh Yên Bái nói riêng với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện với đa dạng các hình thức.
Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành các văn bản hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học; phong trào chống rác thải nhựa…; phát gần 20.000 tờ rơi bằng 2 chữ viết Việt và Mông về quản lý chất thải nhựa trong xây dựng nông thôn mới cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Các phong trào, chương trình như: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Mô hình điểm "Khu dân cư tự quản BVMT”; Chương trình "Xanh - Sạch - Đẹp”; hoạt động "Ngày thứ Bảy tình nguyện”, "Ngày Chủ nhật xanh”… tiếp tục được đẩy mạnh.
Những năm gần đây, việc tái chế rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội quan tâm triển khai thực hiện với nhiều mô hình, cách làm hay. Cơ sở sản xuất dây buộc, dây khâu từ nhựa tái chế của gia đình ông Nguyễn Hùng Cường ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái là một trong số đó.
Đi vào hoạt động từ 20 năm nay, ông Cường đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và làm chủ được một số kỹ thuật như: xử lý nguyên liệu đầu vào, điều chỉnh liều lượng, nhiệt độ nóng chảy của từng loại nhựa, pha màu... để cho ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành rẻ, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người nông dân trong tỉnh.
Ngoài các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân, việc tái chế rác thải nhựa còn lan tỏa thành phong trào được các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là hội phụ nữ các cấp nhiệt tình hưởng ứng. Những chai, lọ sử dụng đã hết trong gia đình được các mẹ, các chị sơn màu rực rỡ trở thành chiếc bình trồng hoa, trồng cây… đẹp mắt.
Ở một số địa phương, chị em phụ nữ lại tận dụng những vỏ lon, chai, lọ được thu gom từ Mô hình "Ngôi nhà xanh” để xây dựng thành các công trình trang trí cảnh quan cho khu dân cư. Trong trường học, làm đồ chơi cho trẻ từ nhựa tái chế đang trở nên phổ biến. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt là các buổi truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của hội viên trong việc giảm thiểu rác thải nhựa BVMT sống.
Chị Nguyễn Thị Đào ở thôn Đức Tiến, xã Yên Bình, huyện Yên Bình chia sẻ: "Qua thông tin, tuyên truyền tôi đã hiểu về thực trạng, tình hình và những tác động của rác thải nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Do đó, gia đình tôi đã có giải pháp cụ thể thay thế các sản phẩm nhựa, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, giúp cho công tác BVMT được thực hiện tốt hơn”.
Tỉnh Yên Bái cũng đã tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật do Trung ương ban hành và cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách, quy định sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh về: quản lý chất thải nhựa; sản xuất và tiêu thụ túi nilon khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt; sản phẩm nhựa dùng 1 lần sử dụng trong sinh hoạt như: cốc, chén, bát, thìa, bao gói nhựa, hộp đựng thực phẩm sử dụng 1 lần, màng bọc thực phẩm…
Phấn đấu đến năm 2025 tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh sử dụng 100% bao bì, túi nilon thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh tại khu vực đô thị đạt trên 90% và nông thôn đạt trên 50%; giảm dần mức sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Hồng Duyên