Điểm nhấn trong các phong trào trong 5 năm qua, đó là "Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Thông qua phong trào, Hội đã vận động hội viên, nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn lao động, đất đai đầu tư cho phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế để nhân rộng.
Tiêu biểu như mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của hội viên Phạm Thế Cầu ở thôn Bình Sơn xã Văn Phú. Với suy nghĩ luôn luôn phải đi trước đón đầu, mạnh dạn phát triển cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, từ đó hướng dẫn và phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật, cung cấp cây con giống để nông dân cùng phát triển. Nhờ vậy mỗi năm gia đình ông Cầu thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Ông đã vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố tặng giấy khen và nhiều năm được Hội nông dân các cấp biểu dương khen thưởng.
Ông Cầu chia sẻ: Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, hiện nay cùng với duy trì nuôi ốc nhồi thương phẩm, gia đình tôi đang tập trung phát triển mô hình nuôi gà đen và cá chuối. Tiềm năng phát triển 2 loại sản phẩm này rất tốt, khi thành công rồi tôi tiếp tục phổ biến phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân trong và ngoài địa phương để cùng phát triển; tạo thành vùng sản xuất, chăn nuôi cung cấp cho các tỉnh, thành phố có nhu cầu.
Lãnh đạo Hội nông dân các cấp kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP của xã Tân Thịnh
Cũng qua triển khai "Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, hàng năm có trên 3 nghìn hộ hội viên đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và có 1.865 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Ông Nguyễn Hữu Thiêm - Chủ tịch Hội nông dân thành phố Yên Bái cho biết: Trong 5 năm qua, các cấp Hội nông dân thành phố đã tuyên truyền, vận động giúp đỡ 96 hộ hội viên nghèo, 60 hộ hội viên cận nghèo vươn lên thoát nghèo, giúp đỡ 18 hộ hội viên xóa nhà tạm với kinh phí gần 46 triệu đồng, hỗ trợ 655 ngày công lao động, gần 32 triệu đồng cây con giống các loại.
Đến nay số hộ SXKD giỏi có mức thu nhập bình quân đạt 255 triệu đồng/năm, tăng 79 triệu đồng so với năm 2018; nhiều hộ có mức thu nhập đạt từ 166 triệu đồng/năm trở lên.
Cùng với đó, Hội Nông dân thành phố Yên Bái còn chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền, các ban ngành đoàn thể tư vấn, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với địa phương.
Từ năm 2018 đến nay, đã thành lập 39 hợp tác xã, trong đó, có 29 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm 74,3%; phát triển 9 dự án sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và phát triển 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao và 4 sao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt trên 35triệu đồng/người/năm, đến năm 2022 đạt trên 53 triệu đồng/người/năm.
Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong 5 năm, hội viên nông dân thành phố đã hiến trên 5000 m vuông đất, đóng góp trên 12 nghìn ngày công lao động, trên 7,9 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, sửa chữa 31,8 km đường giao thông nông thôn, 53 km kênh mương nội đồng và các công trình hạ tầng nông thôn; phối hợp xây dựng mới 41 tuyến đường tự quản đảm bảo sáng xanh, sạch, đẹp; xây dựng 32 tuyến đường "Thắp sáng đường quê"; xây dựng 5 mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Với sự chung sức đồng lòng của nhân dân và cán bộ, hội viên nông dân thành phố, Năm 2019, thành phố được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đến nay có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 16 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Một dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ qua được các cấp Hội Nông dân thành phố quan tâm, đó là việc hỗ trợ nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, triển khai cho các đơn vị chủ thể sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và 22 đợt tham gia trưng bày, bán sản phẩm tại các lễ hội, hội nghị, hội chợ, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4 điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của thành phố và của các địa phương trong cả nước; phương thức này tạo điều kiện cho hội viên nông dân quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến.
Hội viên Đoàn Anh Dũng - thôn Thanh niên xã Minh Bảo đã duy trì và phát triển mô hình trồng nấm Linh chi với quy mô 2 vạn bịch, sản phẩm nấm Linh Chi được đưa lên sàn thương mại điện tử đã được nhiều người biết đến, khâu sản xuất và tiêu thụ bền vững hơn.
Anh Dũng chia sẻ: Trước kia sản phẩm nấm Linh Chi của gia đình tôi chủ yếu được giới thiệu bán qua sự quen biết, hoặc qua trang Facebook cá nhân, nhưng những lần được tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ và giới thiệu bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, sản phẩm của gia đình tôi được nhiều người biết đến và tìm mua nhiều hơn.
Hội nông dân thành phố Yên Bái trao số tiền hỗ trợ cho gia đình hội viên phát triển chăn nuôi gà thả vườn
Bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp, nông dân thành phố vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa quy mô còn nhỏ, chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Hoạt động thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đa số hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, chất lượng hoạt động chưa cao.
Điều đó, đòi hỏi các cấp Hội nông dân thành phố cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả hoạt động và các phong trào thi đua vững tin quyết tâm trên chặng đường mới hướng tới xây dựng "thành phố xanh”, "nông nghiệp sinh thái” "nông thôn hiện đại” "nông dân văn minh”.
Trước nhiệm kỳ đại hội, ông Đỗ Đức Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng: Hội nông dân thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước đến cán bộ, hội viên và nông dân gắn với tăng cường tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận tốt hơn với những kinh nghiệm, kiến thức mới trong sản xuất, để xây dựng đội ngũ nông dân thành phố thực sự có trình độ.
Đẩy mạnh nâng cao hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước trong xây dựng nông thôn mới, quan tâm chú trọng xây dựng các mô hình thực sự hiệu quả để triển khai nhân rộng, nhất là các mô hình về phát triển sản phẩm OCOP, sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số trong nông nghiệp; các mô hình về giảm nghèo bền vững.
Tăng cường củng cố tổ chức Hội, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội, tích cực tham mưu với Ban Thường vụ Thành uỷ các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn thành phố, bảo đảm xây dựng nông thôn mới được thực chất, bền vững, hiệu quả.
Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội nông dân thành phố Yên Bái phấn đấu mỗi năm kết nạp từ 200 hội viên mới trở lên, đến năm 2028 tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 85%. Hàng năm, có từ 70% số hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 60% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chí của Trung ương Hội; 60% tổ chức cơ sở hội xây dựng được mô hình kinh tế tập thể, chi hội, tổ hội nghề nghiệp liên kết trong sản xuất kinh doanh; 100% cơ sở hội phối hợp tổ chức và thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ cho hội viên, nông dân.
|
Lê Hương - Thanh Nghị