Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Gia đình hạnh phúc - gắn kết yêu thương

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/6/2023 | 7:36:48 AM

YênBái - Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, là nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, giữ gìn vun đắp bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu về tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc nét văn hoá riêng có của dân tộc Việt Nam. Đảng ta cũng khẳng định: “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Nhiều năm qua, công tác gia đình đã được các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cá nhân trên toàn tỉnh quan tâm sâu sắc. 

Ngày 28/6 hằng năm đã trở thành ngày gia đình Việt Nam - một ngày đặc biệt để tôn vinh giá trị nhân văn của mái ấm gia đình Việt, ngày để mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái càng phát triển và hạnh phúc. 

Điều đó được thể hiện rõ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái đưa chỉ số hạnh trở thành phương châm hành động của hệ thống chính trị để mỗi gia đình, mỗi người dân Yên Bái trở nên hạnh phúc hơn và đóng góp nhiều hơn cho công cuộc đổi mới. 


Gia đình là nơi nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người Việt Nam.  

Đồng hành cùng hệ thống chính trị, Hội Phụ nữ tỉnh đã cụ thể hoá thành Chương trình hành động chỉ đạo thống nhất trong các cấp hội, trong đó tập trung "Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ với mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tổ chức Hội phụ nữ đã định hướng và tập trung nhiều giải pháp cho hoạt động trong đó đã thành lập 691 mô hình chi hội, câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc; CLB "gia đình toàn mỹ”… 

Từ Phong trào "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch”; xây dựng gia đình văn hóa "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” với các chủ đề: "Yêu thương và chia sẻ”, "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, "Kết nối cha mẹ và con gái”, "Cơm ngon, con khoẻ”… đã có 131.000 ông bố, bà mẹ và trên 57.700 trẻ em vị thành niên được tiếp cận với các kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới chia sẻ trách nhiệm với vợ và chồng trong việc nuôi dạy, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, phòng chống các tệ nạn xã hội; trên 108.500 hộ gia đình hội viên đạt 8 tiêu chí, bằng 68% tổng số hộ hội viên đạt tiêu chuẩn "5 không 3 sạch”, "5 có 3 sạch” là điểm tựa vững chắc, là cơ sở để xây dựng nông thôn mới xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ dân phố hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. 


Gia đình là "tế bào" của xã hội. Nhiều gia đình tốt, ấm êm thì xã hội càng văn minh, hạnh phúc. (Ảnh: Thanh Chi)

"Giữ lửa hạnh phúc” và nhân lên những gia đình văn hóa tiêu biểu là mục tiêu xuyên suốt của CLB "gia đình hạnh phúc” thôn Đại Thắng, xã Đại Phác, huyện Văn Yên. Từ mục tiêu này, các kỳ sinh hoạt của CLB thường xuyên lồng ghép các chủ đề phù hợp về gia đình, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề trong hôn nhân, nuôi dạy con cái, từ cách ứng xử giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái, mẹ chồng - nàng dâu đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và giải pháp phát triển kinh tế... 

Bằng các hoạt động thiết thực, bổ ích, Ban Chủ nhiệm CLB đã tuyên truyền, vận động thêm nhiều cặp vợ chồng tham gia. Đến nay, CLB đã thu hút được 98 thành viên tham gia. 

Chị Hoàng Thị Thu Yên - Chủ nhiệm CLB cho biết: "Từ khi tham gia CLB "gia đình hạnh phúc”, thành viên trong các gia đình đều gắn kết, yêu thương nhau, nuôi dạy con cái học hành đỗ đạt. Qua sinh hoạt CLB, nhiều chị em cũng như các anh chồng đã nhận ra vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc cùng "giữ lửa” hạnh phúc gia đình, chủ động giải quyết êm ấm những mâu thuẫn trong cuộc sống, góp phần gắn kết và nâng cao chỉ số hạnh phúc trong mỗi gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: "Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình CLB xây dựng gia đình hạnh phúc góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, thời gian tới các cấp Hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, vận động đảm bảo phù hợp với từng vùng miền, từng đối tượng, nâng cao chất lượng của các CLB "gia đình hạnh phúc”, "gia đình toàn mỹ”. 

Cùng với đó, các cấp Hội phụ nữ đẩy mạnh Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới với các phong trào "Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” duy trì xây dựng nhân rộng mô hình gia đình "5 có, 3 sạch”; mô hình CLB "Phụ nữ hạnh phúc”, "Chi hội hạnh phúc” và "làng quê, thôn bản, tổ dân phố an toàn hạnh phúc”… Từ những cách làm phù hợp, thiết thực, các CLB "Gia đình hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, từng bước góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình; phát huy, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nét đẹp gia đình nhiều thế hệ 

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ có xu hướng muốn sống riêng, nhưng không ít gia đình vẫn lựa chọn sống chung với ông bà, bố mẹ. Những tổ ấm nhiều thế hệ cùng chung sống là sự kết hợp giữa giá trị của gia đình hiện đại nhưng cũng lưu giữ những giá trị truyền thống. 


Con, cháu bà Dương Thị Hoàn ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên hiếu thảo, quan tâm, chăm sóc bà. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Quyền và bà Bùi Thị Xuyến ở thôn Đồng Quýt, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên là gia đình có nhiều thế hệ chung sống. Ông Quyền, bà Xuyến lấy nhau năm 1970, lúc bấy giờ cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy nhưng ông bà luôn dạy dỗ 8 người con biết yêu thương, chia sẻ, trân trọng tình cảm gia đình. Giờ đây, các con của ông bà đều trưởng thành. 

Hiện ông Quyền và vợ ở với người con trai cả cùng cháu nội và chắt nội trong căn nhà 2 tầng khang trang vừa làm nơi thờ cúng tổ tiên, vừa là nơi nhắc con cháu nhớ về nguồn cội. Những ngày cuối tuần, lễ tết, giỗ chạp con cháu lại về quây quần đầm ấm. 

Ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ: "Nhiều thế hệ cùng chung sống trong một nhà không tránh khỏi những mâu thuẫn, nhưng vợ chồng tôi dạy bảo con cái, mỗi khi có việc vướng mắc cả gia đình ngồi lại bên nhau, cùng tìm ra tiếng nói chung để có hướng giải quyết, sống phải có nhân nghĩa, trí, tín không làm những điều trái ngược với xã hội, với gia đình, đối với con cháu phải công bằng để giữ gìn tình đoàn kết, hòa khí trong gia đình”.

Ngoài việc phát triển kinh tế, giáo dục con cháu, gia đình ông Quyền và các con gương mẫu tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. 

Theo lời giới thiệu của ông Vũ Ngọc Anh, Trưởng thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, chúng tôi tới thăm gia đình bà Dương Thị Hoàn. Bà Hoàn nay đã 83 tuổi, ở cái tuổi "xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn minh mẫn, sống vui, sống khỏe bên con cháu. Bà Hoàn có 5 người con, 2 gái, 3 trai với 10 cháu nội, ngoại và 1 chắt nội. 

Các con, cháu của bà đã và đang công tác trong ngành y tế và ngành giáo dục, đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Hiện bà Hoàn sống cùng anh con trai thứ, đại gia đình 4 thế hệ với 9 người chung sống trong khuôn viên rộng khoảng 1 nghìn mét vuông, không khí gia đình bà luôn đầm ấm, hòa thuận. 

Ông Lê Đức Phượng - con trai bà Hoàn chia sẻ: "Dù ở chung hay riêng thì việc gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong đại gia đình vẫn luôn phải được coi trọng. Bản thân tôi luôn cố gắng tiếp cận những thông tin mới để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của con cái, từ đó tìm được hướng giáo dục hiệu quả nhất... Vợ chồng tôi cũng là cầu nối, chuyển giao giữa thế hệ của mẹ tôi và con cháu. Muốn con cháu được giáo dục tốt thì trước tiên bản thân bố mẹ phải trở thành tấm gương sáng để chúng noi theo học tập”. 

Gia đình bà Lê Thị Sương, ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên hiện có 4 thế hệ cùng sinh sống thuận hòa. Bà Lê Thị Sương cho biết: "Gia đình tôi luôn quan tâm dạy con cháu ứng xử lễ phép, có đạo hiếu với ông bà, cha mẹ. Trong gia đình luôn đối xử công bằng, không phân biệt giữa con ruột hay con dâu, mọi việc lớn nhỏ, những khúc mắc luôn được đưa ra giải quyết một cách khéo léo, ý kiến của mọi thành viên đều được tôn trọng. Đó chính là yếu tố giúp gia đình tôi luôn hạnh phúc”. 

Bà Sương đang sống cùng vợ chồng anh con trai thứ, vợ chồng cháu nội cùng chắt nội. Ở tuổi 91, không tránh khỏi đau ốm, bệnh tật nhưng bà Sương thấy mãn nguyện vì sự chăm lo chu đáo của các con. Tự hào là đến nay, 10 người con và các cháu của bà Sương đều thành đạt, xây dựng gia đình hạnh phúc; các cháu, chắt học tập tốt, ngoan ngoãn. 

Nói về gia đình bà Sương, bà Hoàn, ông Vũ Ngọc Anh - Trưởng thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cho biết: "Đây là những gia đình gương mẫu, tiêu biểu của thôn, luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; con cháu của họ sống nhân nghĩa, đều học hành có công ăn việc làm ổn định; tham gia đóng góp tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, ủng hộ thôn xây dựng nhà văn hóa, nghĩa trang, đường giao thông, xây dựng thôn, xóm xanh, sạch, đẹp. Ngoài gia đình bà Sương, bà Hoàn, hiện tại thôn Linh Đức có 151 hộ thì 100% hộ là gia đình văn hóa và 40% số hộ gia đình tại thôn có nhiều thế hệ cùng chung sống”. 

Để có một hạnh phúc là điều không đơn giản, song để có được hạnh phúc trong ngôi nhà chung sống nhiều thế hệ càng không dễ, đòi hỏi mỗi thành viên phải biết cách dung hòa lối sống, thói quen, biết tha thứ và bao dung cho nhau. Gia đình nhiều thế hệ tạo nên an sinh xã hội và là một môi trường sống chan hòa khi người già, người trẻ sống cùng nhau. Các thành viên trong gia đình chăm sóc, nương tựa lẫn nhau bằng tình thương và trách nhiệm sẽ góp phần xây dựng mái ấm gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. 

Tôn trọng, yêu thương - nền tảng hạnh phúc

Lâu nay, nhắc đến những gia đình trẻ người Mông, thường người ta nghĩ ngay tới những cặp tảo hôn, bởi hủ tục lấy chồng lấy vợ khi chưa đủ lớn của những bé trai, bé gái đã ăn sâu nhiều đời ở vùng cao. Nhưng giờ đây ở vùng cao Mù Cang Chải, những gia đình trẻ người Mông không tảo hôn ngày càng nhiều. Sự hiểu biết đi kèm với bình đẳng giới được thực hiện làm nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc nơi đây.

Thào A Su ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn lập gia đình năm 25 tuổi. Ở bản, Su được liệt vào diện những người đàn ông sắp ế vợ. Song với Su thì khi mình trưởng thành, mình chuẩn bị sẵn sàng bước vào hôn nhân thì không bao giờ là muộn. 


Gia đình Thào A Su luôn tràn ngập tiếng cười

Su chia sẻ: "Em tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên lúc 23 tuổi, về quê em nghiên cứu các cách để làm ăn, dành thời gian đi học hỏi các anh đi trước làm du lịch. Lúc đó bố mẹ em giục em cưới vợ. Bố mẹ em bảo là những bạn cùng lứa đã vợ con đuề huề rồi, em không lấy là ế vợ. Em không sợ ế vì em thấy khi còn trẻ việc học là quan trọng, ra trường phải tìm ra cách làm ăn rồi thì lấy vợ, như thế lo được cho vợ cho con”. 

Vợ của Su là Lù Thị Tàng người bản bên, khi cưới Tàng gần 19 tuổi vừa học xong lớp 12. Cưới nhau xong, vợ chồng Su tập trung xây dựng homestay của gia đình. Trong gia đình Su mọi người có quyền bình đẳng như nhau nên mọi việc làm ăn Su đều bàn với vợ. 

Sự thông minh, nhanh nhẹn cùng với việc được học hành đầy đủ của Tàng đã giúp Su rất nhiều trong việc làm ăn xây dựng kinh tế gia đình. Cưới nhau được hơn 2 năm và đã có một con gái 20 tháng tuổi, song gia đình Su hiếm khi xảy ra mâu thuẫn. 

Su chia sẻ: "Nếu trong nhà có mâu thuẫn thì em sẽ là người nhịn. Em nghĩ mình lớn tuổi hơn, trưởng thành hơn thì sẽ là người đứng ra giải quyết. Sự yên ổn giữa vợ chồng thì làm kinh tế mới vững”. 

Cũng giống như vợ chồng Su, vợ chồng Giàng A Súa và Hờ Thị BLa ở bản Màng Mủ, xã Mồ Dề cũng cưới nhau khi Súa 24 tuổi và vợ vừa học xong lớp 12. Lúc đó, BLa không nghĩ Súa già như nhiều cô gái trong bản mà nghĩ rằng lấy chồng trưởng thành hơn thì họ sẽ biết yêu thương mình hơn. 


Cuộc sống của vợ chồng Giàng A Súa ở bản Màng Mủ, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải luôn tràn ngập niềm vui

Đặc biệt, Súa luôn tôn trọng vợ nên kể cả khi cưới rồi, vợ muốn đi học thêm tiếng Anh và nhiều kỹ năng để kiếm được việc làm thì Súa vẫn tiếp tục ủng hộ. Công việc của Súa làm hướng dẫn viên du lịch thường vắng nhà nhưng BLa tuyệt đối tin tưởng chồng. 

BLa chia sẻ: "Chồng trưởng thành luôn nghĩ về gia đình. Anh ấy đi làm cũng là kiếm tiền nuôi vợ con”. Hàng ngày BLa chăm 2 con nhỏ và chăm chút cho ngôi nhà ngô của gia đình - là điểm checkin tuyệt với của những du khách đến với Mù Cang Chải. Khi có thời gian rảnh, Súa lại dành hết bên vợ con, đưa vợ đi đây đó để mở rộng tầm mắt, nâng cao hiểu biết. Súa chia sẻ: "Với em gia đình rất quan trọng. Trong gia đình vợ chồng có quyền bình đẳng như nhau”. 

Người Mông có truyền thống sống gắn bó, thủy chung. Vợ chồng con cái luôn ở bên nhau, trong nhà ngoài nương. Sự gắn bó còn được thể hiện qua việc cả gia đình chỉ có một chiếc giường, cha mẹ con cái chen chúc trên đó; bữa cơm không có chuyện kẻ trước người sau, mà cả nhà cùng ăn. Cuộc sống quây quần. Trải qua thời gian cùng sự tiến bộ trong nhận thức, thế hệ trẻ người Mông ở Mù Cang Chải đang dần xây dựng một hệ tư tưởng mới trong xây dựng gia đình hạnh phúc dựa trên những truyền thống tốt đẹp sẵn có.







Hồng Duyên - Thu Hiền - Thanh Ba

Tags ngày gia đình hạnh phúc gia đình toàn mỹ đoàn kết hôn nhân nuôi dạy con cái

Các tin khác
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Chấn phối hợp với UBND xã Nậm Búng đặt bể thu gom rác thải sinh hoạt cho các hộ dân ở thôn Nậm Cưởm.

Trước đây, người dân ở các xã, thị trấn của huyện Văn Chấn vẫn có thói quen đổ, xả lẫn lộn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nguy hại gây ra hậu quả lâu dài và nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người.

Đoàn viên thanh niên huyện Yên Bình giúp người cao tuổi cài đặt YenBai-S.

Phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”, thời gian qua, các cán bộ, hội viên người cao tuổi (NCT) huyện Yên Bình đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động, sống vui, khỏe, có ích, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đoàn viên thanh niên xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải tuyên truyền cho các bậc cha mẹ kiến thức quản lý con em trong ngày hè.

Để hạn chế thấp nhất tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em trên địa bàn huyện trong những ngày hè, Huyện đoàn Mù Cang Chải đã chỉ đạo các đoàn cơ sở phối hợp các bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân quan tâm, quản lý, chăm sóc trẻ em.

Các đội tham gia phần Khởi động tại Hội thi Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

Chiều 27/6, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Tỉnh đoàn Yên Bái, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thi Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. Đây là một phần trong chương trình Diễn đàn trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2023 và Hội thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục