Mù Cang Chải nỗ lực vực lên sau lũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/8/2023 | 2:28:33 PM

YênBái - Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Vực dậy sau lũ

Cuộc sống của nhiều người dân ở bản Nả Dề Thàng, xã Khao Mang vốn bình yên, lũ trẻ nghỉ hè đi chăn trâu vẫn hồn nhiên nô đùa trên những triền núi cao gắn bó với gia đình bao đời nay. Ấy vậy mà chỉ trong chốc lát, cơn giận dữ của thiên nhiên đã cuốn phăng tất cả, phút chốc nhiều gia đình trở nên trắng tay. Đến giờ kể ngay cả trong giấc mơ, chị Sùng Thị Dê cũng không nghĩ đến một ngày nhà mình bị sập và trôi hoàn toàn trong lũ dữ. Bảy ngày trôi qua, đến giờ chị Dê và các thành viên trong gia đình đã tạm trấn tĩnh song mọi thứ vẫn còn bừa bộn, ngổn ngang…

Trong lúc rối bời, gia đình chị Dê được người thân và hàng xóm đến dọn dẹp, thu gom bùn đất; được huyện Mù Cang Chải hỗ trợ thêm 40 triệu đồng để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống, dựng lại nhà tạm. Dù vẫn còn bộn bề khó khăn nhưng chị Dê cảm thấy hạnh phúc vì trong lúc hoạn nạn đã nhận được sự quan tâm của mọi người. "Mưa lũ lớn quá làm nhà cửa hỏng hết. Toàn bộ tài sản, đồ đạc của gia đình cũng mất hết, không thể sử dụng được. Được sự quan tâm kịp thời của huyện, xã, các nhà từ thiện, gia đình cũng đỡ vất vả, khó khăn hơn rồi”, chị Dê chia sẻ. 


Hồ Bốn là rốn của tâm lũ! Sau 7 ngày cơn lũ ống đi qua, đến nay, chị Giàng Thị Khua ở bản Trống Là vẫn chưa hết bàng hoàng khi chỉ trong nháy mắt, ngôi nhà của gia đình đã băng theo dòng nước lũ, may các thành viên trong nhà còn chạy thoát thân. 

"Nhà mình bị san bằng hết giống như cái mặt phẳng này vậy - chị Khua chỉ tay vào một một bãi đá dồn lên sau lũ-  Bây giờ, trên nền nhà chỉ là một khối lớn đất, đá chồng lên nhau. Trong lúc khó khăn như không vực dậy được thì gia đình mình được chính quyền địa phương và các lực lượng đoàn viên, thanh niên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ và giúp đỡ khắc phục nên mình cũng thấy đỡ đi phần nào”, chị Khua nói.

Lũ đi qua, 10 giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH & THCS Hồ Bốn cũng bị hư hỏng nhà cửa, trôi tài sản, đồ dùng, trong đó có 4 nhà thầy cô bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Giờ đây, thầy Chinh, thầy Cha, cô Tinh và thầy Ân, ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương thì chỉ biết động viên nhau cố gắng làm lại từ đầu.  Thầy Giàng A Chinh chia sẻ: "Cơn lũ đến rất nhanh, gia đình chỉ kịp bế con chạy, còn tài sản thì mất hết, bao năm xây dựng giờ nhìn lại chỉ còn bãi đá”. 

Giờ đây, chị Dê, chị Khua và gia đình các thầy cô giáo cũng như hơn 240 hộ khác có nhà bị sập, trôi, thiệt hại và phải di dời… sẽ phải từ bàn tay trắng để làm lại.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ân cần thăm hỏi, tặng quà động viên các hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa tại xã Hồ Bốn.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ân cần thăm hỏi, tặng quà động viên các hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa tại xã Hồ Bốn.


Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải tặng quà, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.  

"Đâu khó có thanh niên"!

Mưa lũ gây nhiều thiệt nặng nề về người và tài sản! Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân bị mất nhà, mất tài sản ổn định cuộc sống vẫn là một bài toán không thể ngày một ngày hai. Những ngày qua, cùng với các lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã thì vai trò tiên phong của lực lượng đoàn viên thanh niên với phương châm "Đâu khó có thanh niên” đã phát huy kịp thời giúp các trường học, trạm y tế và nhân dân vùng lũ.

Bí thư Đoàn xã Nậm Khắt Sùng A Giàng cho biết: "Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân vùng lũ, từ ngày 8/8, chúng tôi huy động 65 đoàn viên thanh niên đến tình nguyện hỗ trợ giúp các hộ dân dọn dẹp, vận chuyển tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn”.

Lau vết bùn trên trán, đoàn viên Sùng Thị Xê đến từ xã Chế Tạo nói: "Đến xã Hồ Bốn, chúng tôi mới chứng kiến được sự ngổn ngang của đất, đá, cây cối sau lũ. Không ai bảo ai, tất cả đoàn viên thanh niên đều xắn tay hót đất bùn, rửa bàn ghế trong các phòng học, giúp dân vận chuyển tài sản đến các nơi an toàn, nơi ở mới, tu sửa đường bị sat lở”.

Thấu hiểu chuỗi ngày cơ cực, khổ sở của người dân vùng lũ, với sức trẻ, tinh thần xung kích, dấn thân, tình nguyện của hơn gần 500 đoàn viên, thanh niên trong toàn huyện Mù Cang Chải đã giúp người dân các xã thiệt hại nhanh chóng khắc phục thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Chị Cứ Thị Dà ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn rơm rớm nước mắt: "Nhà tôi bị sập hoàn toàn, may có lực lượng dân quân tự vệ và đoàn viên thanh niên hỗ trợ giúp đỡ, dọn dẹp và tìm lại những gì còn sót lại. Tôi cảm ơn họ nhiều lắm”. 

Linh động trong công tác khắc phục thiên tai

Trận mưa lũ lịch sử tối ngày 5/8 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải tính đến nay đã làm 3 người chết, 248 nhà bị thiệt hại (144 nhà bị thiệt hại nặng, 68 nhà bị sập, trôi hoàn toàn, 36 nhà phải di dời khẩn cấp); hàng trăm điểm trên quốc lộ 32 đoạn từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đi huyện Than Uyên (Lai Châu) và nhiều công trình giáo dục, y tế, thủy lợi, công nghiệp, nông nghiệp bị tàn phá, hư hỏng nặng nề; ước thiệt hại ban đầu trên 100 tỷ đồng.


 Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng lãnh đạo huyện Mù Cang Chải kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai tại Hồ Bốn

Ngay trong đêm 5/8, Thường trực Huyện uỷ Mù Cang Chải đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ làm trưởng đoàn đi cơ sở để nắm tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời các hộ dân bị ảnh hưởng và các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn không để xảy ra thiệt hại về người. 

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải - Nông Việt Yên cho biết: "Khi lũ quét xảy ra, huyện thành lập 3 các tổ công tác phụ trách các địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả. Các tổ công tác phối hợp với các xã liên quan rà soát, nắm chắc tình hình thiệt hại trên địa bàn phụ trách để kịp thời triển khai phương án khắc phục; toàn quyền điều động, bố trí, sắp xếp máy móc, lực lượng dân quân cơ động, lực lượng tình nguyên viên để dọn dẹp đất đá, lưu thông các tuyến đường trục xã, nội bản, liên bản đảm bảo hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể. Đồng thời vận chuyển lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết đến tất cả các hộ dân bị cô lập, đồng thời bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân có nhà bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, đảm bảo không để một người dân nào bị đói, bị lạnh, không có chỗ ở”. 


Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Mù Cang Chải giúp nhân dân xã Hồ Bốn dọn dẹp bùn đất  

Cùng với đó, dưới chỉ đạo của tỉnh, huyện Mù Cang Chải ngay lập tức đã huy động 10 trung đội dân quân tự vệ với 280 chiến sĩ; chỉ đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện huy động trên 300 đoàn viên thanh niên tăng cường đến 3 xã Hồ Bốn, Khao Mang, Lao Chải khắc phục nhanh các tuyến đường giao thông nông thôn, hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, thực hiện công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường ... Tính đến nay, huyện đã huy động gần 3.000 lượt người tham gia khắc phục hậu quả thiên tai; 20 máy xúc, 5 xe ô tô tập trung hót đất, đá sạt lở và cây đổ để đảm bảo thông đường...

Huyện cũng huy động mọi nguồn lực, tiếp nhận, phân bổ kịp thời nguồn hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại. Lực lượng tình nguyện viên chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị - xã hội sẵn sàng tham gia vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ bị thiệt hại, hỗ trợ công tác hậu cần tại các bản bị cô lập giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, huyện Mù Cang Chải đã thành lập Tổ công tác khẩn trương tiến hành rà soát, tìm vị trí phù hợp, đảm bảo an toàn và xây dựng phương án bố trí tái định cư tập trung hoặc xen kẹp cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng về nhà cửa, các hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. 

Huyện đã tiếp nhận trên 532 triệu đồng, 3.904 kg gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác và ứng từ nguồn quỹ dự trữ của huyện hỗ trợ các hộ bị thiệt hại với số tiền trên 5 tỉ đồng. Tất cả các hộ dân bị thiệt hại đến nay đều nhận được gạo, thùng hàng cứu trợ và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt.


Lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái trao ủng hộ 50 triệu đồng giúp huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu  quả thiên tai

Nhờ linh hoạt trong công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai nên hệ thông tin liên lạc sớm được khôi phục; các điểm sạt lở trên quốc lộ 32 và các tuyến giao thông nông thôn trên bàn  các xã Hồ Bốn, Khao Mang, Lao Chải đang thông tuyến trở lại. Tại các trường học, trạm y tế hiện đang khẩn trương huy động máy móc và nhân lực để dọn dẹp đất đá, cây cối và vệ sinh trường lớp, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/8 phục vụ tốt cho công tác chăm sóc khỏe của nhân dân và đón học sinh trở lại trường trong năm học mới.

Trong sáng nay - 11/8, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn công tác đã tới kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai và thăm hỏi, động viên, chia sẻ với người dân vùng lũ Mù Cang Chải. 

Trực tiếp thăm hỏi, tặng quà động viên và trao tiền hỗ trợ làm nhà cho 22 hộ hộ gia đình của xã Hồ Bốn và 3 hộ của xã Lao Chải có nhà bị sập trôi hoàn toàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ân cần hỏi thăm, chia sẻ với những khó khăn của người dân vùng lũ, động viên bà con cố gắng vượt lên khó khăn, mất mát với tinh thần "còn người thì còn của”. 

Qua thị sát trực tiếp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập phương án phân thửa, bố trí tái định cư mới bản Trống Là, xã Hồ Bốn để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, động viên các hộ có đất tự nguyện san sẻ, nhường đất cho các hộ bị mất nhà cửa để xây dựng khu tái định cư trong lúc khó khăn do thiên tai, bão lũ gây ra.

Dù phía trước sẽ còn nhiều gian nan song với sự quan tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hướng về Mù Cang Chải sẽ giúp đồng bào vùng lũ vực dậy, hồi sinh.
Văn Tuấn

Tags Yên Bái tâm lũ thiên tai Hồ Bốn Lao Chải Khao Mang sập nhà trôi nhà Mù Cang Chải

Các tin khác
Học sinh Trường Tiểu học - THCS Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên hào hứng với công trình nước sạch.

Ngày 10/8, Quỹ Toyota Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ bàn giao công trình nước sạch cho thầy trò Trường Tiểu học và THCS Châu Quế Thượng, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức Diễn đàn học sinh, sinh viên khởi nghiệp năm 2022.

Đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các mô hình thanh niên khởi nghiệp; hướng đến mục tiêu triển khai tích cực Cuộc vận động “Thanh niên Yên Bái giúp nhau phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình “Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp”, thời gian qua, Tỉnh đoàn Yên Bái đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả.

Thanh niên cõng gạo, nước... cùng cuốc, xẻng vào tâm lũ

Đoàn viên thanh niên ở Mù Cang Chải (Yên Bái) cõng theo gạo, mì tôm, nước... cùng cuốc, xẻng vào tâm lũ tiếp tế lương thực cũng như khắc phục hậu quả.

Công an cấp xã được quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT bắt đầu từ ngày 15-8

Công an xã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (ANTT) và quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có quy mô kinh doanh dưới 10 phòng, và nhiều ngành, nghề kinh doanh khác khi hoạt động phải đảm đủ điều kiện về ANTT khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục