Trường nghề cần nâng cấp đáp ứng nhu cầu người học

  • Cập nhật: Chủ nhật, 17/9/2023 | 8:42:40 AM

TP.HCM hiện có hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở này đã tuyển sinh được hơn 150.000 học viên, đạt hơn 50% kế hoạch. Tuy vậy, các cơ sở đào tạo nghề hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, nhất là về thiết bị, cơ sở vật chất trong thực hành.

Sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.
Sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

Xu hướng học nghề gia tăng

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, năm 2022 có hơn 370.000 người tham gia học nghề, trong đó trình độ cao đẳng là hơn 177.000 người học, còn lại là trung cấp và sơ cấp đào tạo thường xuyên. Tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề cũng cao so với năm 2020 với các ngành được lựa chọn nhiều là: Cơ khí, Điện tử- Công nghệ thông tin, Chế biến tinh lương thực thực phẩm, Hóa dược - Cao su.

Ca Lê Thắng, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức cho biết, Thắng lựa chọn học cao đẳng ngay từ khi tốt nghiệp cấp 3, ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá. Thắng nhận thấy đây là ngành có khả năng phát triển trong tương lai, thời gian thực hành cũng chiếm phần lớn thời gian học nên đây cũng là ưu điểm để lựa chọn ngành.

 "Em chọn hệ cao đẳng bởi học hệ này sẽ giúp cho em có tay nghề tốt hơn so với đại học và cũng phù hợp với mong muốn của em, nên em chọn hệ này”, Thắng nói.

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, những năm gần đây, xu hướng chọn học nghề có tăng nhẹ. Năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là hơn 3.800 và đã tuyển sinh vượt 8%. Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kỹ thuật ô tô, logistics, thiết kế đồ hoạ, Marketing được rất nhiều thí sinh lựa chọn.

"Việc đạt được chỉ tiêu tuyển sinh mà nhà trường đặt ra chứng minh được xu hướng chọn trường, chọn ngành nghề của thí sinh, phụ huynh cũng có sự thay đổi”, ông Phạm Quang Tuấn cho biết.

Thiết bị đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nghề

Khó khăn chung hiện nay khi tuyển sinh vào các trường nghề là phụ huynh, học sinh vẫn còn tâm lý phải học đại học. Ngoài ra, các em vẫn chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp sau này, có phần do công tác hướng nghiệp từ sớm chưa thực hiện hiệu quả.

Khó khăn tiếp theo có thể kể đến là trang thiết bị phục vụ cho việc thực hành của các trường nghề. Trong quá trình đào tạo tại các trường nghề, thời gian thực hành chiếm từ 50 - 70% nhưng đầu tư về cơ sở vật chất không phải lúc nào cũng theo kịp sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường trung cấp Đông Sài Gòn cho rằng: "Trong đào tạo nghề, thiết bị rất quan trọng, đóng góp rất lớn đến công tác đào tạo về tay nghề cho học sinh. Tuy nhiên, trường nghề lại không thể đáp ứng thiết bị phù hợp với thị trường lao động”.

Ông Nguyễn Minh Chương, Trưởng Khoa Công nghệ tự động, trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cũng cho biết, hiện tại, các thiết bị phục vụ cho việc thực hành của sinh viên trong khoa mặc dù đáp ứng đủ số lượng nhưng chất lượng lại chưa thực sự đồng đều. Ví dụ, ngành tự động hoá và cơ điện tử là một ngành rất hiện đại và thay đổi hàng năm, do đó phải thường xuyên cập nhật. Thế nhưng những thiết bị này không phải dễ dàng mua được vì cơ chế cũng như kinh phí đầu tư rất lớn.

 "Các em học ngành kỹ thuật đòi hỏi trang thiết bị hỗ trợ cho việc thực hành rất quan trọng, cho nên khoa cũng có đề xuất làm sao để trang bị thêm, ví dụ như có nhà tài trợ hoặc chính sách để đầu tư trang thiết bị”, ông Nguyễn Minh Chương cho biết thêm.

Hiện nay, không ít doanh nghiệp đã hợp tác với các trường nghề để hỗ trợ công tác đào tạo cũng như việc làm. Thế nhưng để để nhà trường và doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thực tế thì vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đề xuất: "Rất mong có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có quyền lợi trong quá trình phối hợp đào tạo. Ví dụ khuyến khích thông qua giảm thuế, chính sách khác để họ có khả năng tham gia hỗ trợ với nhà trường trong quá trình đào tạo thực tế cho sinh viên”.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, người tốt nghiệp trường nghề có kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Do đó để người học thích ứng với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ thì cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.

(Theo VOV)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Dự báo hôm nay (17/9), nhiều khu vực trên cả nước tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông đề phòng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ngoài ra, mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Hơn 22h đêm 15/9, người dân vẫn đến UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) để ủng hộ các nạn nhân vụ hỏa hoạn

Đến nay, quận Thanh Xuân đã hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các nạn nhân vụ cháy tại phố Khương Hạ 7 tỷ 50 triệu 800 nghìn đồng.

Diễn tiểu phẩm về chủ đề về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép tại sự kiện truyền thông.

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Yên Bái vừa tổ chức sự kiện truyền thông về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép cho hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Kiến trúc độc đáo tại khu Resort tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Festival Kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ IX năm 2023 dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 15/10 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục