Tại Trường Mầm non Thực hành, thành phố Yên Bái, từ ngày 17 - 24/9, toàn trường có 8 trẻ và 1 cô giáo bị đau mắt đỏ. Ngay sau khi phát hiện học sinh có triệu chứng đau mắt đỏ, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh đón trẻ về nhà điều trị, tránh lây lan. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cách phòng, chống dịch đau mắt đỏ đến phụ huynh thông qua nhóm Zalo của trường, lớp; nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng tránh và các bước phòng tránh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trường cũng bố trí nhân viên y tế và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm quan sát học sinh trước khi vào lớp; hướng dẫn phụ huynh khi con có biểu hiện đau mắt đỏ phải báo cho nhà trường và cho trẻ nghỉ học.
Cô giáo Lê Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngay sau khi ghi nhận có học sinh đau mắt đỏ, chúng tôi đã thông tin đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên về tình hình dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với phụ huynh học sinh hướng dẫn các con thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, nhỏ mắt, không đưa tay dụi mắt. Khi các con có triệu chứng đau mắt thì cần đưa các con đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp với Trạm Y tế phường sử dụng dung dịch Cloramin B để tẩy rửa đồ chơi, đồ dùng học tập, khuôn viên, phòng học… quyết tâm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.
Chị Nguyễn Mỹ Hà - phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái ngay sau khi thấy con gái 9 tuổi có biểu hiện mắt đỏ, cộm chói, mi mắt sưng, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ…, chị đã đưa con đến khám ở cơ sở y tế và được bác sỹ chẩn đoán con bị đau mắt đỏ.
Chị Hà cho biết: "Bác sĩ kê đơn thuốc về nhà, tôi đã thực hiện nghiêm hướng dẫn cách rửa mắt và tra thuốc cho con nên chỉ 3 ngày sau, mắt con tôi đã đỡ nhiều”.
Từ đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái ghi nhận gần 1.100 ca bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, thành phố Yên Bái có 110 ca, Trấn Yên 191 ca, Văn Yên 122 ca, Yên Bình 62 ca, Trạm Tấu 228 ca và huyện Mù Cang Chải 287 ca...
Trước tình hình dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã có
công văn về việc tăng cường phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
Theo đó, Công văn yêu cầu Sở Y tế, các huyện, thị xã thành phố, Sở Giáo dục- Đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bản; phối hợp hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất đảm bảo công tác phòng chống dịch đau mắt đỏ.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế; khuyến cáo đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có triệu chứng đau mắt đỏ.
Người dân cần tìm hiểu về các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cần tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; các cơ sở giáo dục mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp với cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.
Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời gian trong năm, nhưng phổ biến là ở trẻ em và người trẻ. Do tác nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng. Bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch gỉ mắt của người bệnh.
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ và biến chứng nguy hiểm, bác sĩ Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Cùng với đó, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
Thanh Chi