Đổi thay trên bản tái định cư Dế Xu Phình

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/9/2023 | 7:18:50 AM

YênBái - Bản tái định cư nằm nép mình bên những cánh rừng thông bạt ngàn, tiếng suối chảy róc rách ngân nga, hòa với tiếng chim rừng lảnh lót tạo nên một bản nhạc thơ mộng giữa đại ngàn. Khó ai có thể tưởng tượng ra nơi đây từng là một trong những điểm nóng về thiên tai gây ra lũ quét, sạt lở đất.

Con em đồng bào Mông tại các bản tái định cư xã Dế Xu Phình được tham gia học tập trong môi trường giáo dục hiện đại.
Con em đồng bào Mông tại các bản tái định cư xã Dế Xu Phình được tham gia học tập trong môi trường giáo dục hiện đại.

Cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 20km, băng qua cây cầu bê tông bắc ngang con suối Giàng thơ mộng, bản tái định cư của xã Dế Xu Phình nằm nép mình bên những cánh rừng thông bạt ngàn, tiếng suối chảy róc rách ngân nga, hòa với tiếng chim rừng lảnh lót tạo nên một bản nhạc thơ mộng giữa đại ngàn.

Đến Dế Xu Phình hôm nay, khó ai có thể tưởng tượng ra nơi đây từng là một trong những điểm nóng về thiên tai gây ra lũ quét, sạt lở đất. 

Sau trận lũ quét kinh hoàng năm 2017, sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên đã khiến hơn 70 hộ dân tại các bản: Nậm Kim, Nậm Pá, Dế Xu Phình phải di dời đến sinh sống tại bản tái định cư này. 

Giờ đây, những con đường đã được bê tông hóa 100%, chạy dài khắp xã; cuộc sống người dân đã dần ổn định trong những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, những mảnh nương mới đã mang về những bữa ăn no; ông bà, bố mẹ, vợ chồng hòa thuận cùng chung sức xây dựng bản tái định cư ngày thêm ấm no, hạnh phúc.

Bí thư Đảng bộ xã Dế Xu Phình Lê Ngọc Minh đích thân đưa chúng tôi đi thăm bản, anh kể: "Năm ấy, Dế Xu Phình là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau lũ quét. Hàng trăm người mất nhà cửa, mấy chục hộ gia đình nằm trong diện phải di dời khỏi nơi có nguy cơ bị lũ ống, sạt lở… Toàn xã có 4 bản là: Phình Hồ, Dế Xu Phình, Háng Cuốn Rùa và Ma Lừ Thàng thì cả 4 đều có những điểm sạt lở nghiêm trọng.

Được sự quan tâm của địa phương Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, tiến hành đầu tư san gạt mặt bằng cho các hộ di dời về sinh sống. Nay, các hộ dân đã ổn định cuộc sống ở nơi an toàn, được cấp diện tích đất làm nương, trồng lúa đủ ăn, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc”… 

Nằm ngay đầu bản Ma Lừ Thàng, nhà cụ Hảng Gà Cớ được làm bằng gỗ, lợp phi-bờ-rô-xi-măng chắc chắn trên mảnh đất được chính quyền xã cấp đất dựng ngôi nhà mới từ 5 năm trước. Trong nhà, ngoài những bồ thóc vẫn còn khá đầy, còn có rất nhiều ngô phơi trên bếp, treo trên gác mái… 

Vợ của cụ Hảng Gà Cớ là cụ bà Lý Thị Của - người đã gặp nạn trong cơn lũ dữ, phải cưa đứt chân phải, đang ngồi dệt vải thổ cẩm trước hiên nhà. Thấy chúng tôi đến chơi, cụ Của cười rất tươi đưa tay vẫy khách vào nhà.

Qua lời phiên dịch của đồng chí cán bộ Hội Phụ nữ xã, chúng tôi biết cụ thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước đã giúp đỡ các thành viên trong gia đình có được mái nhà kiên cố, có đất canh tác, định cư lâu dài, thỉnh thoảng lại còn được cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà… 

Được biết, thời gian đầu, cuộc sống của bà con thuộc diện phải di dời nhà cửa của xã Dế Xu Phình gặp nhiều khó khăn và nhà mới chưa được hoàn thiện, nhiều hộ dân phải ở tạm trong các nhà bạt. Tuy nhiên, với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, bà con đã dần ổn định cuộc sống. Bây giờ, những ngôi nhà mới khang trang, sạch sẽ đã thay thế cho những căn nhà lụp xụp, tạm bợ; những con đường bê tông uốn lượn dẫn vào bản, những hàng cây xanh mát mọc ven đường… Phình Hồ là một trong những cụm dân cư đầu tiên được xây dựng tại bản tái định cư, với hơn chục nóc nhà. 

Trưởng bản Hảng A Phổng đưa chúng tôi đến thăm hộ gia đình ông Hảng A Chờ - ngôi nhà gỗ khá rộng, nằm ngay cạnh con đường bê tông lên bản, ông Phổng chia sẻ: "Trước đây, nhà cửa của chúng tôi nằm ở khu vực nguy hiểm, thường xuyên lo sẽ bị lũ quét, sạt lở đất, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Sau khi được di dời đến đây, chúng tôi rất vui mừng. Nhà cửa mới được xây dựng khang trang, ruộng nương cũng được chia, cuộc sống đã ổn định hơn nhiều"… 

Không chỉ có nhà cửa, ruộng vườn, bà con nơi đây còn được hưởng các chính sách về đất đai, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ về phương tiện, phương thức sản xuất. Anh Hảng Chờ Tủa, bản Phình Hồ cho biết: "Khi di chuyển về đây, chúng tôi được hỗ trợ gần 1 ha đất sản xuất. Hiện tại, gia đình tôi đang trồng ngô, lúa, rau xanh. Nhờ đó, lương thực không những đủ ăn mà còn bán được ra ngoài, thu nhập của gia đình cũng được cải thiện đáng kể"… 

Bên cạnh việc ổn định nhà cửa, đất canh tác cho người dân, các cấp, ngành huyện Mù Cang Chải, xã Dế Xu Phình cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, đường giao thông..., giúp bà con có điều kiện thuận lợi để sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh. 

Cô giáo Nguyễn Thùy Nhung - Hiệu trưởng Trường dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng khi được đón các em học sinh từ các bản cũ đến học tập tại đây. Các em chính là những thành viên quan trọng, có những đóng góp tích cực trong đại gia đình nhà trường, cùng chung sức xây dựng thành công ngôi trường hạnh phúc"…

Sau hơn 5 năm di dời đến bản tái định cư, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay, cùng đoàn kết xây dựng đời sống mới, tạo nên một diện mạo mới, tươi sáng cho bản làng. Tin tưởng rằng, những đổi thay tích cực trên các bản tái định cư xã Dế Xu Phình sẽ là minh chứng thuyết phục cho sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây cũng như khẳng định hiệu quả từ sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đến đồng bào vùng cao, cùng hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân...

Tô Anh Hải

Tags Dế Xu Phình Mù Cang Chải ruộng bậc thang khu tái định cư nông thôn mới

Các tin khác

Tối nay - 27/9 (tức 13/8 Âm lịch), cùng với các địa phương trong tỉnh, UBND thành phố Yên Bái đã có một Đêm hội Trăng rằm tưng bừng, rực rỡ với sự tham gia của hàng trăm em thiếu nhi và người dân thành phố.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn Yên Bái trao Bằng khen của Trung ương Đoàn cho 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn trường học năm học 2022-2023.

Chiều 27/9, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức tổng kết Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2023, sơ kết Đề án “Hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025”.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa và anh Bùi Quang Huy trao chứng nhận cho đại biểu

Tại lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy đề nghị đoàn viên cần học tập Bác bằng những việc làm cụ thể; cần làm những việc thiết thực, ý nghĩa dù nhỏ nhất.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh và Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái trao hỗ trợ kinh phí xây nhà cho hộ gia đình bà Trần Thị Xuân, thôn Cát, xã Tân Lập, huyện Lục Yên.

Thực hiện Chương trình hành động số 135 và Kế hoạch 115 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2023, sáng 27/9, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp cùng Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Yên Bái đã đến thăm, trao hỗ trợ làm nhà ở cho hộ gia đình bà Trần Thị Xuân, thôn Cát, xã Tân Lập, huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục