Là thợ cắt tóc lành nghề tại huyện Văn Yên, anh H.V.D, sinh năm 1996 có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, do lối sống buông thả, bạn bè rủ rê, ban đầu chỉ là thử cho biết nhưng rồi D nghiện lúc nào không hay. Anh H.V.D chia sẻ: "Thu nhập từ cắt tóc cũng đủ nuôi vợ con. Rơi vào con đường nghiện ngập, bỏ bê công việc, dần dần tài sản trong nhà cũng không còn, vợ ôm con về nhà ngoại ở. Giờ tôi hối hận lắm!”.
Cũng rơi vào cám dỗ của ma túy, anh L.V.M sinh năm 1990, ở thị xã Nghĩa Lộ đánh mất bản thân. Học hết lớp 12, anh M ở nhà làm khung nhôm kính. Tuy biết một khi đụng đến ma túy thì sẽ rất khó bỏ nhưng với bản tính bồng bột, ham chơi nên anh M thường xuyên tụ tập theo bạn bè đi chơi lêu lổng và trong một lần như vậy, anh đã tìm đến ma túy. Lúc đầu, anh M vay tiền người cùng xưởng làm để hút, đến tháng lĩnh lương thì trả sau, đến khi nghiện nặng, M bắt đầu xin tiền của bố mẹ, trộm cắp tài sản trong gia đình để giải quyết cơn nghiện.
Đây là 2 trong nhiều trường hợp đang điều trị tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh- đơn vị thực hiện quy trình cai nghiện tại theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 41 ngày 31/12/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế Quy trình này gồm 5 giai đoạn là: tiếp nhận, phân loại; cắt cơn, giải độc; lao động trị liệu, học nghề; giáo dục thay đổi hành vi nhân cách; phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng và quản lý tại cộng đồng.
Theo thống kê, đến hết ngày 13/6/2023, Cơ sở quản lý 778 người nghiện ma túy, trong đó có 769 người cai nghiện bắt buộc, 9 người tự nguyện. Số người cai nghiện vào mới Cơ sở từ ngày 1/1/2023 đến 13/6/2023 là 206. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị thay thế bằng Methadone tại 7 cơ sở là 1.105 người.
Với số người nghiện phải quản lý, các cán bộ tại Cơ sở phải đối mặt với môi trường làm việc đầy nguy hiểm. Nhiều người nghiện còn rất trẻ, nhiều tiền án, tiền sự; một số đối tượng có lối sống buông thả dẫn đến nghiện các chất kích thích, trong người mang nhiều mầm bệnh, cũng có người bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, nhận thức của học viên còn hạn chế, manh động, bất hợp tác với đội ngũ quản lý trực tiếp và giáo dục.
Bác sĩ Lê Công Huấn - Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh cho biết: "Nhìn các bạn trẻ lên cơn vật vã, đau đớn, các bác sĩ không thể cầm lòng, chỉ mong liệu trình 15 - 20 ngày cắt cơn thành công và kết thúc, bệnh nhân hồi phục và ổn định sức khỏe để chuyển sang khu lao động trị liệu. Thời gian này, các cán bộ thường xuyên phân công túc trực cả ngày lẫn đêm ở bên học viên, động viên, chăm sóc các em như chăm sóc người thân khi bị ốm đau. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các bác sĩ là việc tư vấn trước xét nghiệm, xét nghiệm sàng lọc HIV và trả kết quả xét nghiệm. Các cán bộ phải mềm dẻo, tư vấn, trấn an tinh thần để khi tiếp nhận thông tin đối tượng không bị sốc”.
Một trong những khó khăn nữa là Cơ sở luôn đối mặt nguy cơ bỏ trốn của học viên. Để hạn chế tình trạng này, cán bộ tại Cơ sở phải luôn tận tình với học viên, coi họ như người thân. Hầu hết cán bộ ngoài việc đảm bảo chuyên môn, liệu pháp tâm lý phải đóng thêm vai người tâm tình, trò chuyện, tâm sự, sẻ chia cùng người bệnh, có thái độ cư xử tôn trọng, đúng mực đối với học viên, luôn quan tâm, theo sát từng đối tượng để biết diễn biến tâm lý, trạng thái và sức khỏe của họ để điều chỉnh, giáo dục và tư vấn, động viên học viên hoàn thành các quy định trong quá trình cai nghiện.
Không chỉ là nơi giúp học viên từ bỏ "cái chết trắng”, Cơ sở còn giúp họ lấy lại tinh thần, ổn định sức khỏe thông qua các hoạt động lao động sản xuất, tham gia thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, dạy nghề để chuẩn bị các điều kiện giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Công tác kết nối với gia đình, thân nhân cũng luôn được Cơ sở duy trì thường xuyên.
Bằng tâm huyết và tinh thần, trách nhiệm, các cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đã từng bước khắc phục để nơi đây trở thành một trong những địa chỉ tin cậy, giúp đỡ các đối tượng nghiện ma túy có cơ hội trở về với cuộc sống đời thường.
Thu Hiền