Huyện Văn Chấn hiện có 162 người có uy tín đang sinh sống trên địa bàn. Thời gian qua, huyện đã bám sát công tác phổ biến, quán triệt, triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của cơ quan Trung ương về chính sách với người có uy tín trong đồng bào DTTS nhằm thực hiệu hiệu quả, phát huy tối đa vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong đó, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người có uy tín; thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.
Cụ thể trong giai đoạn 2018 - 2023, huyện đã tổ chức được trên 30 hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin tuyên truyền cho trên 2.000 lượt người; cấp đầy đủ báo, tạp chí theo quy định cho 100% người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm cho trên 800 lượt người; thăm hỏi trên 80 lượt người có uy tín ốm đau điều trị tại các cơ sở y tế; phối hợp tổ chức cho trên 120 người có uy tín tiêu biểu đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương.
Nhờ đó, vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS đã được phát huy, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Người có uy tín đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là một trong những lực lượng nòng cốt vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường.
Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2023, người uy tín toàn huyện đã vận động nhân dân hiến đất 15.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi, trong đó, gia đình người có uy tín tự nguyện hiến trên 3.000 m2 đất để làm đường.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, người có uy tín luôn tìm những biện pháp, cách làm, khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình mới, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng.
Tiêu biểu có ông Giàng A Phử, người uy tín thôn Sài Lương 3, xã An Lương với mô hình trồng, chăm sóc cây quế, thu nhập trên 200-300 triệu đồng/năm; ông Sa Văn Hướng ở tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh với mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống ẩm thực Tây Bắc, nhà nghỉ cộng đồng kết hợp tắm suối khoáng thu nhập về trên 200 triệu đồng/năm; ông Lý Tiến Phú, người uy tín xã Suối Quyền tích cực vận động nhân dân hiến đất, làm đường, tham gia trong xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, người có uy tín tại các xã Sùng Đô, Suối Giàng, Tú Lệ đã tích cực vận động nhân dân trồng, chăm sóc, bảo vệ cây chè Shan tuyết tại xã Suối Giàng, xã Sùng Đô... gắn với khai thác sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống làm cơ sở xây dựng các làng, bản du lịch cộng đồng.
Trong hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, người có uy tín tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục các dân tộc, gồm truyền dạy các điệu múa, bài hát, nghi lễ truyền thống cho thế hệ trẻ để từ đó hình thành các đội văn nghệ dân gian ở cộng đồng, gắn việc duy trì hoạt động với du lịch cộng đồng, du lịch homestay tại địa phương. Nhờ đó, các lễ hội đặc sắc của đồng bào các DTTS tại huyện được phục dựng và duy trì đều đặn như: Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Thái, Lễ hội cầu mùa của dân tộc Khơ Mú, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Cầu đình của dân tộc Tày, Lễ hội cốm, Lễ cúng cây chè tổ tại Suối Giàng...
Những tấm gương người có uy tín điển hình trong hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc có thể kể đến như ông Triệu Đức Lâm, người có uy tín xã Minh An giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc Dao; nghệ nhân Vì Văn Sang, người có uy tín xã Nghĩa Sơn tích cực tham gia mở các lớp truyền dạy, gìn giữ văn hóa dân tộc Khơ Mú; ông Giàng A Cu, người có uy tín xã Cát Thịnh giữ gìn nét đẹp của tiếng Khèn Mông…; ông Sa Quang Hòa, người có uy tín xã Đồng Khê tình nguyện mở các lớp dạy tiếng Tày miễn phí cho con em dân tộc Tày trong vùng...
Đặc biệt, để thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, không nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn, người có uy tín đã cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng "Mô hình thôn, bản vùng đồng bào DTTS không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống và không sinh con trước khi đăng ký kết hôn” để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nội dung mô hình và quan tâm giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho thanh niên... giúp giảm dần tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện theo từng năm.
Với những giải pháp tích cực, hiệu quả, vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS tại huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục được phát huy, góp phần quan trọng vào việc xây dựng địa phương ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.
Hoài Văn