Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 50 tấn chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, khu vực đô thị khoảng 20 tấn; khu vực nông thôn khoảng 30 tấn. Để tăng cường năng lực xử lý CTRSH, thời gian qua, huyện Yên Bình triển khai đồng bộ từ tăng cường năng lực quản lý nhà nước cho đến năng lực xử lý CTRSH cũng như công tác tuyên truyền.
Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý CTRSH trên địa bàn. Trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị và UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với CTRSH trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, phát hiện các trường hợp vận chuyển, làm phát sinh chất thải rắn, hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật...”.
Để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, ngoài Đội vệ sinh môi trường huyện, các xã, thị trấn đều thành lập các tổ, đội và hợp tác xã vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển CTRSH đến các điểm tập kết thu gom rác.
Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện đã đầu tư cho Đội vệ sinh môi trường huyện 1 xe ô tô chuyên dùng phục vụ công tác quét đường, 80 xe đẩy rác để phục vụ công tác thu gom rác; vận động chính quyền cấp xã đầu tư các xe đẩy rác, thùng chứa rác tại các thôn, tổ dân phố. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác thu gom, xử lý CTRSH.
Tại các điểm thu gom rác, các khu vực cầu, sông suối tại một số xã, thị trấn hiện nay được lắp camera an ninh nhằm ngăn chặn và phát hiện hành vi xả CTRSH ra môi trường, từ đó có biện pháp xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Theo Quyết định của UBND tỉnh, huyện Yên Bình được đầu tư xây dựng công trình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Vĩnh Kiên và xã Cảm Nhân với công suất xử lý 1 tấn/giờ. Hai lò đang được xây dựng để sớm đưa vào sử dụng. Huyện cũng đang kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa đầu tư lò đốt CTRSH tại xã Bảo Ái.
Trên địa bàn huyện hiện nay có 4 bãi chôn lấp CTRSH tại các xã Mông Sơn, Cảm Nhân, Vĩnh Kiên và Hán Đà, dự kiến sau khi 2 lò đốt rác tại Cảm Nhân và Vĩnh Kiên đi vào hoạt động, trước mắt sẽ đóng cửa và cải tạo, khắc phục xử lý ô nhiễm đối với 3 bãi chôn lấp CTRSH tại xã Cảm Nhân, Vĩnh Kiên và Hán Đà; tiến tới đóng cửa bãi chôn lấp CTRSH tại xã Mông Sơn sau khi UBND huyện vận động được nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng lò đốt rác dự kiến đặt tại xã Bảo Ái.
Cùng với tăng cường năng lực quản lý nhà nước và năng lực xử lý CTRSH, huyện đẩy mạnh chỉ đạo cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và hướng dẫn về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý; đặc biệt là tuyên truyền tới doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ và người dân giảm thiểu sử dụng túi nilon khó phân hủy và chất thải nhựa trong sinh hoạt; đồng thời, thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.
Theo đó, với các khu vực có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung thì vận động mỗi hộ gia đình bố trí 2 thùng đựng rác để phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ, sau đó chuyển ra các thùng hoặc xe chứa rác để các tổ thu gom rác vận chuyển về nơi tập kết và đưa đi xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Thiệu ở thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng cho biết: "Gia đình đã thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn theo hướng dẫn và thấy rằng đã giảm được lượng rác thải ra môi trường cần đưa đi xử lý. Gia đình sẽ tiếp tục duy trì việc phân loại này để góp phần xây dựng môi trường sạch”.
Với các khu vực chưa có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung thì tuyên truyền, vận động người dân đào 2 hố rác tại gia đình để xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Cùng đó, huyện lựa chọn xã Tân Hương tham gia vào mô hình phân loại CTRSH tại nguồn theo quyết định của UBND tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý đối với CTRSH trên địa bàn huyện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao sự hài lòng về môi trường sống và chỉ số hạnh phúc của người dân.
Thu Hạnh