Bản Nả Háng ở xã Chế Tạo cách trung tâm xã hơn 20 km, đường đất, nhiều dốc cao, trơn trượt và chưa có điện lưới quốc gia. Bên cạnh đường giao thông, có điện là ước mơ thứ hai của 31 hộ dân ở Nả Háng. Bởi vậy, hơn 2 tháng qua, kể từ khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện NLMT, cả bản vui lắm! Chỉ với tấm pin NLMT rộng chưa đầy 2 m2 đặt trên mái nhà đấu nối với hệ thống pin lưu trữ, các hộ dân trong bản đều có thể sử dụng được đèn điện, quạt, sạc điện thoại…
Anh Giàng A Nu - người dân bản Nả Háng chia sẻ: "Nếu trời nắng to và kéo dài thì điện sử dụng khá thoải mái. Trời mưa thì mình sẽ cố gắng dùng tiết kiệm, sau 9 giờ tối sẽ tắt các thiết bị điện nên có thể dùng thêm từ 3-5 ngày. Trước toàn dùng đèn dầu, bếp củi nên buổi tối bản mình tối tăm lắm! Chả mấy ai ra ngoài vào ban đêm. Giờ có điện, gia đình mình vui lắm! Sinh hoạt thuận lợi hơn hẳn. Bọn trẻ có đủ ánh sáng để học, bố mẹ mình có cái quạt mát mỗi tối để dễ ngủ. Mình sẽ cố gắng làm lụng, tiết kiệm mua cái ti vi để có thể học và biết thêm nhiều điều hay để phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái”.
Không chỉ ở Nả Háng, 3 bản gồm: Chống Khua, Dào Cu Nha (Lao Chải), Háng Á (Hồ Bốn) với tổng số 300 hộ dân cũng được thụ hưởng hệ thống điện này. Đây là hệ thống điện NLMT do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ thông qua Công ty cổ phần Niinuma Nhật Bản. Hệ thống này không chỉ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường mà còn dễ dàng lắp đặt - điều này rất quan trọng ở vùng cao, việc di chuyển, đi lại khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia.
Thực tế tại huyện Mù Cang Chải còn khá nhiều thôn, bản cách xa trung tâm xã, dân cư sinh sống phân tán trên địa hình đồi núi dốc cao, chưa có điện lưới quốc gia. Trong khi việc kéo điện lưới quốc gia lên những bản này đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư cao và rất khó khăn trong quá trình thi công. Bởi vậy, hệ thống điện NLMT sẽ giúp đồng bào được sử dụng điện một cách an toàn, phù hợp, thay thế cho đèn dầu, củi lửa và những chuỗi ngày mất điện thường xuyên như khi sử dụng máy phát điện chạy bằng sức nước.
Ông Giàng A Su - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mù Cang Chải cho biết: "Nhu cầu của các gia đình vùng cao chủ yếu là đèn chiếu sáng, quạt mát do vậy đối với những hộ nghèo được trang bị miễn phí hệ thống điện NLMT là khá phù hợp, không phải bỏ ra chi phí hàng tháng, việc duy tu, bảo dưỡng khá dễ dàng.
Bằng cách tích cực huy động các nguồn lực, trên địa bàn huyện đã có hơn 300 hộ dân, 2 trường học gồm: Trường Mầm non Dào Cu Nha (xã Lao Chải), Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Cao Phạ (xã Cao Phạ) đang sử dụng điện NLMT. Một số hộ dân ở thị trấn Mù Cang Chải cũng đã xã hội hóa xây dựng một tuyến đường điện chiếu sáng dài 1,5 km sử dụng nguồn năng lượng này”.
Được biết, hệ thống điện NLMT tại Trường PTDTBT Tiểu học Cao Phạ còn thực hiện việc hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Tức là, khi sử dụng, hệ thống này ưu tiên sử dụng điện NLMT; khi điện NLMT thiếu sẽ tự động kéo lưới điện quốc gia bù vào; khi điện NLMT phát dư sẽ đưa ngược lên lưới điện quốc gia và được mua lại.
Bà Hoàng Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cao Phạ cho biết: "Năm 2020, khi được các đơn vị tài trợ xây dựng lại hệ thống trường lớp, chúng tôi đã được đầu tư một hệ thống điện NLMT với 7 tấm pin đôi dài rộng mỗi tấm khoảng 2x3 mét đặt trên mái của nhà trường. Đến nay, hệ thống này đang hoạt động rất tốt, giúp giảm trừ được tiền điện hàng tháng của đơn vị. Trung bình mỗi tháng, nhà trường thu về khoảng 2,4 triệu đồng từ việc bán điện”.
Có thể thấy, việc sử dụng hệ thống điện NLMT đã phần nào giải quyết được tình trạng thiếu điện, chưa có điện ở những địa bàn khó khăn. Người dân Mù Cang Chải mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ để lắp đặt thêm những tấm pin NLMT có công suất lớn hơn, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của đồng bào.
Hoài Anh