Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch LHPN xã cho biết: "Với 728 hội viên sinh hoạt ở 8 chi hội, những năm qua, hội viên phụ nữ xã luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội cấp trên và địa phương phát động như: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” , "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, "Phụ nữ Hán Đà với môi trường xanh - sạch - đẹp”… Hội viên đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, là tấm gương sáng để nhiều gia đình học tập làm theo”.
Chiếm trên 60% lao động tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp, để tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, hằng năm, Hội đã vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vào kinh tế hộ, thông qua việc mở các lớp tập huấn KHKT, tăng diện tích cây trồng vụ 3 trên đất 2 vụ lúa... Được tập huấn, hội viên đã đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy ở 105 ha lúa/năm, năng suất đạt 55 tạ/ha/vụ.
Tận dụng đất vườn, đất soi bãi, hội viên còn trồng gần 40 ha ngô, 10 ha lạc, 75 ha rau màu đậu đỗ các loại, 152 ha bưởi, 169 ha chè… góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 500 lượt lao động với thu nhập trung bình từ 4 triệu đồng đến trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Để tạo điều kiện cho gia đình hội viên phát triển kinh tế, Hội đã thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho 137 hội viên vay vốn với số tiền gần 4 tỷ đồng để phát triển kinh tế; vận động hội viên tham gia nhóm tiết kiệm từ 5.000 đến 10.000 đồng/tháng với 630 hội viên tham gia, được tổng số tiền trên 230 triệu đồng cho 20 hội viên nghèo vay không tính lãi… Để hỗ trợ hội viên sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, các chi hội còn áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng bưởi, chè theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện, xã có 169 ha chè kinh doanh với trên 400 hộ hội viên phát triển kinh tế từ trồng chè. Nhiều giống chè trung du đã được hội viên dần thay thế bằng các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2 được thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung nhiều ở các thôn: Hán Đà 1, Hán Đà 2, Trác Đà, Phúc Hòa.
Trung bình mỗi năm sản lượng chè búp tươi đạt trên 2.000 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Toàn Hội có 121 hộ được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; trong đó, gần 100 mô hình có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm; 18 mô hình thu nhập từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm và 8 mô hình đạt thu nhập từ 300 triệu đồng đến trên 500 triệu đồng/năm.
Điển hình như gia đình các hội viên: Trần Thị Kim, Hoàng Thị Lý, Phạm Thị Hằng - thôn Phúc Hòa; Đỗ Thị Thơm, Nguyễn Thị Sửu, Nguyễn Thị Thập, thôn An Lạc; Trần Thị Ca, Nguyễn Thị Liệu, thôn Hồng Quân…
Cùng với tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Hiện nay, 8/8 chi hội đã thành lập được đội văn nghệ, thu hút gần 200 hội viên tham gia; thành lập 8 đội bóng chuyền hơi với 90 hội viên tham gia. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giao lưu giữa các thôn và xã giáp ranh thường xuyên được tổ chức, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, HPN xã Hán Đà tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo đến quyền lợi thiết thực của hội viên, xây dựng Hội vững mạnh, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Thái Hưng