Giúp người dân thay đổi tập quán từ phá rừng sang trồng, giữ rừng
Ngày 9/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2020 (Nghị định 75). Theo Nghị định 75, hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thì được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực, tối đa không quá 7 năm...
Có thể nói, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là nơi chủ yếu đồng bào DTTS sinh sống, nơi có địa hình phức tạp, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, năng suất lao động thấp. Vì vậy, kinh tế của đồng bào còn khó khăn, đa số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tình trạng thiếu lương thực xảy ra quanh năm. Việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giải quyết ngay được tình trạng thiếu lương thực, bảo đảm ổn định đời sống và giúp người dân yên tâm sản xuất. Người dân vùng cao được hỗ trợ gạo đã làm thay đổi tập quán từ khai thác gỗ, phá rừng sang trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên...
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trước Nghị định 75, việc hỗ trợ gạo các hộ nghèo để chăm sóc, bảo vệ rừng là hoạt động triển khai Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào DTTS tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy. Sau khi có Nghị định 75, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đã có Thông tư liên tịch số 93 năm 2016 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP....
Cũng theo Bộ NN&PTNT, từ những chính sách này, Chính phủ đã phê duyệt hơn 170 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các hộ nghèo thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị Quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Đối tượng được trợ cấp, gồm: hộ nghèo thuộc xã khu vực II, khu vực III tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực; hộ nghèo thuộc huyện 30a nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, được giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; đồng bào DTTS tại chỗ miền núi đang cư trú hợp pháp tại địa phương tự nguyện trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy. Mức trợ cấp, 15kg gạo/khẩu/tháng thời gian tối đa không quá 7 năm...
Ưu tiên và mở rộng đối tượng được hỗ trợ gạo
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được cũng có nhiều bất cập, hạn chế như việc hỗ trợ gạo bị chậm, khó thực hiện do hạn chế số lượng gạo xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia, các địa phương vẫn chưa quan tâm bố trí vốn để thực hiện (theo quy định của Nghị định 75 đối với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương hỗ trợ 100%; các địa phương tự cân đối được thì sử dụng ngân sách địa phương để triển khai).
Đơn cử như báo cáo về kết quả giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 75 của HĐND tỉnh Lạng Sơn vào năm 2019 cho thấy thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75 nhiều hộ gia đình DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo, cộng đồng dân cư thôn... đã được hưởng lợi. Tuy nhiên, tại thời điểm báo cáo vào năm 2019, cũng cho thấy vấn đề tồn tại là việc thực hiện chính sách trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy. Vì nguyên nhân nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương hạn chế nên nội dung trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn tỉnh tạm thời chưa triển khai thực hiện.
Tháng 9/2018, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về đề xuất xin Nhà nước cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao nơi còn khó khăn, nghèo đói để đồng bào không phải di dân tự phát, để họ yên tâm giữ rừng, giữ nước bảo vệ biên cương. Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 6492/BKHĐT-TH trả lời chất vấn của đại biểu nêu rõ việc ĐBQH đề nghị cấp gạo miễn phí cho đồng bào vùng cao thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có thực hiện một trong các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng là phù hợp với quy định tại Điều 7 Nghị định số 75.
Tháng 7/2019, tại Hội thảo tham vấn sáng kiến Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2015 - 2018, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt hỗ trợ 139.749 tấn gạo cho 6 tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam. Nhưng do số lượng gạo đã xuất cấp hạn chế nên hiện mới chỉ có 106.626 lượt hộ nghèo ở 4 tỉnh được hỗ trợ gạo theo Nghị định 75. Trong khi đó, ở các xã khu vực II, khu vực III thuộc 51 tỉnh vùng DTTS và miền núi đang có hàng triệu hộ cần được hỗ trợ để trồng rừng.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, chính sách hỗ trợ gạo là rất thiết thực, góp phần giải quyết an ninh lương thực cho hộ nghèo khi tham gia bảo vệ, phát triển rừng, do đó Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để triển khai chính sách. Mặt khác cũng cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ gạo phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc rừng. Bởi việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho công tác bảo vệ và chăm sóc rừng đã đã làm thay đổi tập quán từ khai thác gỗ, phá rừng sang trồng, giữ rừng, sử dụng sản phẩm từ rừng trồng để thay thế cây rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng.
Qua đó, thu hút được các hộ gia đình trên địa bàn tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, hạn chế tình trạng di dân, di cư bất hợp pháp, bảo đảm an sinh xã hội; giảm bớt áp lực do người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Đồng thời, gián tiếp thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia là phòng ngừa hậu quả thiên tai. Việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đã làm tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường làm hạn chế lũ lụt, sạt lở, thông qua đó nhằm thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia là: phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh, phục vụ an ninh, quốc phòng...
(Theo PLVN)