Trước đây, khi đến các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải… không khó để bắt gặp hình ảnh những cô bé đang ở độ tuổi 14, 15 đã phải làm vợ, làm mẹ vì tảo hôn nhưng từ năm 2020 trở lại đây, khi chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về những tác hại của TH&HNCHT, tình trạng này đã giảm rõ rệt.
Em Vì Thị Hương ở bản Lìm Mông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải - một trong những trường hợp được cán bộ dân số xã vận động không tảo hôn chia sẻ: "Bố mẹ em mất sớm, em là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em. Học hết lớp 9, em có ý định lấy chồng để có điều kiện giúp các em tiếp tục học tập. Tuy nhiên, sau khi được các cô, chú cán bộ đến tuyên truyền, giải thích về tác hại của việc lấy chồng khi chưa đủ tuổi, em quyết định tạm dừng việc kết hôn sớm để tập trung đi làm nương nuôi hai em ăn học”.
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng TH&HNCHT của tỉnh là do các hủ tục vẫn còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); việc xử phạt hành chính trong vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình tại cơ sở chưa thật tốt; công tác tuyên truyền về hệ lụy của TH&HNCHT tại các trường học còn hạn chế... Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 191-KH/TU ngày 18/4/2020 thí điểm đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT tại các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.
Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng TH&HNCHT đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2020, toàn tỉnh có 272 trường hợp tảo hôn và 10 trường hợp HNCHT thì đến năm 2022 con số này đã giảm còn 57 trường hợp tảo hôn và 1 cặp HNCHT.
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Để giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền như thông qua các hội nghị, tập huấn, hội thi (sân khấu hóa), giao lưu văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền qua pano, áp phích, tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về phòng chống TH&HNCHT… Cùng với đó, các địa phương đã tranh thủ sự ảnh hưởng của người có uy tín để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân; cùng với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình điểm tại trường học về tuyên truyền giảm thiểu TH&HNCHT; tổ chức nói chuyện truyền thông cho học sinh tại các nhà trường; tổ chức sinh hoạt định kỳ các câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS”.
Trao đổi với lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh được biết: "Để đạt được kết quả tích cực trong công tác TH&HNCHT đội ngũ làm công tác dân tộc, cán bộ thôn, bản đều được tập huấn bài bản, đầy đủ hơn về kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về TH&HNCHT trong đồng bào DTTS. Việc sử dụng phim tài liệu, phim ngắn, tiểu phẩm và bộ tài liệu gồm sổ tay tuyên truyền về TH&HNCHT, tờ rơi tảo hôn, tờ rơi cận huyết thống để làm tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền về TH&HNCHT được triển khai kịp thời và hiệu ứng lan tỏa nhanh.
Để tiếp tục thực hiện tốt việc đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT, thời gian tới cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Cùng với đó có những chính sách hỗ trợ gia đình đồng bào DTTS, hộ nghèo, gia đình khó khăn nhằm nỗ lực xóa dần sự chênh lệch giữa các vùng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xóa bỏ tư tưởng, phong tục lạc hậu về vấn đề tảo hôn. Tiếp tục nhân rộng và duy trì hiệu quả các mô hình "Dân vận khéo” như: gia đình, dòng họ, thôn, bản "3 không" (không có người TH&HNCHT, không xuất cảnh trái phép).
Quang Thiều