Đường lên Tà Xi Láng - đại công trường tuổi trẻ 20 năm trước

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/3/2024 | 8:53:28 AM

YênBái - Hưởng ứng lời kêu gọi "cần đường ô tô về những xã khó khăn", tuyến đường Tà Xi Láng lập tức trở thành công trình "tầm cỡ” với sự huy động lực lượng ĐVTN lớn chưa từng có. Khi ấy, với tinh thần xung kích, tình nguyện, có những cung đường trở thành "đại công trường” sôi động với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt bạn trẻ.


Lên Tà Xi Láng - xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, xa nhất của huyện Trạm Tấu chỉ toàn người Mông sinh sống giờ đây đã không còn cực khổ bởi con đường bê tông trải dài tới tận trung tâm xã. Để có được con đường ấm no ấy, 20 năm trước, hàng nghìn lượt thanh niên tình nguyện (TNTN) được huy động. Họ đều là những người trẻ tại các địa phương trong tỉnh, chưa một lần biết thế nào là phá núi, mở đường. Nhưng vì lời kêu gọi "cần đường ô tô về những xã khó khăn", họ đã tình nguyện lên rừng mở con đường huyền thoại giúp bà con người Mông ở Tà Xi Láng thoát cảnh cô lập.

20 năm trước, "Tà" là từ vừa chỉ địa danh vừa được dùng để lột tả sự nguy hiểm, gian nan khi lên Tà Xi Láng. Ngày đó, ai đi "Tà” cũng phải cơm nắm cá khô, cuốc bộ trèo đá xuyên rừng cả ngày mới đến xã.  Đường đi chỉ đủ lách thân người qua, sơ sảy là rơi xuống vực mất mạng. Chủ trương của tỉnh khi ấy là gấp rút mở mới, nâng cấp mạng lưới giao thông các tuyến liên xã, liên thôn, bản cho các vùng đặc biệt khó khăn (hay nói cách khác là những nơi chưa có đường, hoặc có đường nhưng chưa thực sự là đường). 


Hàng nghìn lượt TNTN tham gia phá núi, mở đường, làm nên công trình đường Tà Xi Láng huyền thoại.


Những cánh tay cầm bút, cầm súng bỗng chốc hóa thành ngàn "lưỡi tầm sét" khiến cho núi đá phải nghiêng mình khuất phục.

Hưởng ứng lời kêu gọi "cần đường ô tô về những xã khó khăn", tuyến đường Tà Xi Láng lập tức trở thành công trình "tầm cỡ” với sự huy động lực lượng ĐVTN lớn chưa từng có. Khi ấy, với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, 2 km chiều dài đoạn từ Km 9 đến Km 11 lên Tà Xi Láng do Tỉnh đoàn chỉ đạo và trực tiếp đảm nhận là một trong hai đoạn khó khăn nhất toàn tuyến đã từng là "đại công trường” sôi động với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt bạn trẻ.  

Những đoàn viên ưu tú khi ấy đã trở thành những "tay" nổ mìn phá đá tuy không phải "nghiệp" nhưng lại rất "chuyên". Những cánh tay cầm bút, cầm súng bỗng chốc hóa thành ngàn "lưỡi tầm sét" khiến cho núi đá phải nghiêng mình khuất phục. Sau gần 3 tháng thi công, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, hàng nghìn TNTN vẫn hăng say mở đường, tham gia đào đắp trên 100.000 m3 đất đá, vận chuyển 117 m³ gỗ các loại để san gạt 1.920 m² mặt bằng làm 50 lán trại; mở mới 3,7 km đường hậu cần… Con đường lịch sử uốn theo núi Tà đã dần thành hình. Cũng ngay tại công trường trong năm ấy đã có tới hơn 1.500 bạn trẻ vinh dự được kết nạp Đoàn, 117 đoàn viên ưu tú đọc lời tuyên thệ trở thành đảng viên. 

Để đảm bảo công trường đầy đủ điều kiện hoạt động, Ban chỉ huy công trường đã giao nhiệm vụ cho ba cô gái trẻ phụ trách và trông coi các nhu yếu phẩm, tư trang tại trạm trung chuyển được đặt tại quốc lộ 32C. Thiếu thốn đủ thứ, trạm trung chuyển khi ấy lại hoang vu, không kín đáo nhưng cũng không làm khó được tinh thần quyết tâm của họ.


Nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái Hà Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Hoàng Bình Quân, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh Trà chụp ảnh lưu niệm tại Công trường  thanh niên tình nguyện Tà Xi Láng năm 2004.


Đêm giao lưu văn nghệ tại công trường thanh niên tình nguyện Tà Xi Láng.


Cuộc hội ngộ sau 20 năm của những cựu thủ lĩnh đoàn tại công trường thanh niên tình nguyện Tà Xi Láng.


Các cựu thủ lĩnh đoàn qua các thời kỳ trở về thăm lại công trường xưa với biết bao kỷ niệm khó quên.

Giờ đây, những đoàn viên thanh niên trên công trường TNTN ngày ấy đều đã ở những vị trí công tác khác nhau, nhưng tinh thần nhiệt huyết và cảm xúc bồi hổi qua những câu chuyện họ kể vẫn vẹn nguyên như những ngày chung sức, đồng lòng phá đá mở đường của 20 năm trước. Hôm nay, khi thăm lại công trường năm xưa, qua cây cầu Tà vắt vẻo lưng trời - một trong những hình ảnh biểu tượng làm nên huyền thoại đường Tà Xi Láng đã được xây dựng kiên cố với tải trọng 13 tấn, nối liền huyết mạch toàn tuyến khiến ai cũng mừng vui. Nhờ có con đường mà vùng đất hoang vu này đã thay da đổi thịt, đời sống của người Mông ở đây ngày một khởi sắc. 

20 năm đã trôi qua nhưng tinh thần "đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” và sức trẻ của thanh niên Yên Bái vẫn luôn được phát huy trong thời đại mới với biết bao công trình, phần việc ý nghĩa mang dấu ấn của tuổi thanh xuân trong hành trình phát triển của tỉnh nhà.  Dấu ấn và tinh thần của con đường Tà huyền thoại sau 20 năm sau lại thật trùng hợp với chủ đề Tháng thanh niên 2024 "Thanh niên xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", để càng cháy ngọn lửa khát vọng, cống hiến của lớp trẻ tiếp nối.

Thu Trang - Hoài Văn


Tags hồi ức đường Tà Tà Xi Láng công trình thanh niên Yên Bái tuổi trẻ thanh niên tình nguyện

Các tin khác
Miền Bắc tiếp tục mưa nhỏ trong những ngày tới.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, miền Bắc sẽ có mưa, mưa nhỏ rải rác trong 2-3 ngày tới, nền nhiệt giảm nhẹ. Khu vực miền Trung từ chiều tối nay cũng có mưa rào rải rác. Nam Bộ tiếp tục nắng nóng kéo dài.

Huyện đoàn Lục Yên kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ làm nhà cho người dân xã Tân Lĩnh.

Cùng với tuổi trẻ cả nước, những ngày này, tuổi trẻ huyện Lục Yên đang sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Thanh niên.

Đoàn viên thanh niên huyện Trạm Tấu ra quân trồng khoai sọ tại Lễ phát động “Tháng Thanh niên” năm 2024.

Năm 2024 với chủ đề “Năm thanh niên tình nguyện”, những kết quả đã đạt được của tuổi trẻ Yên Bái là tiền đề quan trọng để cấp bộ Đoàn toàn tỉnh, đoàn viên thanh niên (ĐVTN), thanh thiếu nhi tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã đề ra.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Mù Cang Chải giúp hộ khó khăn ở xã Hồ Bốn làm nhà, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Thời gian qua, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã được huyện Mù Cang Chải triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có nhiệm vụ giảm nghèo bền vững…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục