Yên Bái: Chủ động đối phó với mưa lũ

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa mưa lũ sắp đến, người dân thành phố Yên Bái, đặc biệt là những hộ sống dọc theo suối Hào Gia, Cường Nỗ, Ngòi Xẻ, Khe Dài ven sông Hồng... lại lo lắng mỗi khi có mưa lớn.

Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến những tháng cao điểm nhất của mùa mưa lũ là lại có hàng trăm ngôi nhà bị ngập trong nước, hàng chục điểm sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp phắc phục tình trạng trên, nhưng để làm được cần có những giải pháp về quy hoạch, kinh phí và thời gian, không thể một sớm một chiều mà khắc phục được. Về phía người dân cũng cần có ý thức, chủ động cùng với chính quyền cơ sở để phòng chống.

Yên Bái là một thành phố miền núi có địa hình phức tạp, đồi núi dốc, trong khi đó hệ thống mương, cống, suối không được thường xuyên tu sửa, nạo vét; việc đào đất, xây nhà sát ta luy vẫn còn xảy ra ở nhiều xã, phường; có nơi lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở nên nhiều hộ dân đã ngang nhiên san tạo đất, lấn chiếm dòng chảy, làm nhà, cầu trên suối làm cản trở việc thoát nước, khi có mưa lớn rất dễ gây ngập úng cục bộ, sạt ta luy. Theo ông Nguyễn Trường Xuân - Trưởng phòng Kinh tế, Phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão thành phố, giảm nhẹ thiên tai của thành phố dự báo, sẽ có ba khả năng xảy ra trong cùng một thời điểm.

Thứ nhất, lũ lụt sông Hồng ở báo động số 2 (từ cốt 31 - 31,99m), sẽ có trên 100 hộ gia đình bị nước tràn vào nhà; 30 ha lúa, 12 ha rau màu, 10 ha ao cá sẽ bị ngập tại các xã: Tuy Lộc, Nam Cường, phường Nguyễn Phúc, Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Minh Tân, Yên Thịnh. Nếu nước sông Hồng tiếp tục dâng lên ở mức báo động 3 (từ cốt 32 - 32,9 m), sẽ có trên 1.500 hộ dân bị ngập nước, nhiều hộ sẽ phải di dời; 60 ha lúa, 100 ha ngô, 20 ha ao cá bị ngập. Nếu nước sông Hồng trên báo động 3, có trên 5.000 hộ gia đình bị ngập; 230 ha lúa và rau màu bị ngập, nhiều đoạn đường trong thành phố sẽ bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông... Khả năng thứ  hai, mưa lớn kéo dài, đồi núi dốc sẽ gây lũ quét, nước tại các Ngòi Cường Nỗ, Ngòi Yên, Ngòi Dài, Ngòi Tuần Quán dâng lên rất nhanh, gây ngập úng cục bộ. Khả năng thứ ba là bão lốc và mưa lớn kéo dài có thể làm tốc mái, đổ nhà, đổ cột điện, sạt lở ta luy, ách tắc giao thông và 60% số hộ dân thành phố làm nhà dưới ta luy có nguy cơ bị sạt lở.

Việc dự báo các tình huống có thể xảy ra khi có mưa lớn sẽ giúp thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động đối phó. Ví dụ, nếu khả năng thứ nhất xảy ra, nước sông Hồng dâng cao thì Ban chỉ huy phòng chống lụt bão hai xã Tuy Lộc và Nam Cường phải chỉ đạo nhân dân thu hoạch rau màu nếu đã đến hoặc sắp đến thời kỳ thu hoạch; huy động nhân dân đắp bờ be ngăn nước không cho ngập vào các diện tích còn lại. Lực lượng công an, dân quân thường xuyên tuần tra canh gác, bảo đảm an toàn trên địa bàn, không để kẻ xấu lợi dụng trộm cắp tài sản và chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng đối phó với tình huống xấu hơn. Các đơn vị xã, phường phải thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCLB thành phố. Nếu địa phương nào vượt quá khả năng, Ban chỉ huy PCLB thành phố sẽ tăng cường lực lượng và phương tiện hỗ trợ. Với tình huống khi có sạt lở đất, trước tiên phường, xã ở nơi đó phải nhanh chóng huy động phương tiện, nhân lực đào đất cứu người và tài sản. Công ty Quản lý xây dựng đường bộ 2 và Công ty Xây dựng cầu phà chuẩn bị tốt phương tiện, sẵn sàng chi viện cho các nơi khi Ban chỉ huy PCLB thành phố yêu cầu.

Để kịp thời nắm bắt tình hình mưa lũ, từ 15/5 thời điểm bắt đầu mùa mưa lũ đến hết tháng 10 là thời điểm kết thúc, Ban chỉ huy PCLB thành phố yêu cầu các đơn vị xã, phường trong những ngày có mưa lớn phải trực 24/24 giờ. Ngoài ra, thành phố cũng đã trang bị cho mỗi đơn vị một thiết bị đo mưa đơn giản để có thể xác định lượng mưa. Đến thời điểm này, thành phố đã có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với mưa lũ. Tuy nhiên, thiên tai là điều khó lường trước và khó tránh, đặc biệt là nguy cơ sạt lở đất. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, khi xảy ra sạt lở, khả năng cứu sống được người là gần như vô vọng, vì thế người dân cần chủ động đối phó, san gạt ta luy, di dời khỏi những nơi nguy hiểm nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Anh Dũng

Các tin khác
Rác thải sinh hoạt ở ngầm tràn liên hợp thuộc xã Cảm Nhân huyện Yên Bình. (Ảnh: Vương Trọng Phục)

YBĐT - Những năm qua, cùng với các cấp, các ngành và toàn xã hội, tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp và tuổi trẻ Yên Bái đã nỗ lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong thanh thiếu niên.

Nguy cơ sạt lở kênh thủy lợi rất cao.

YBĐT - Chi cục Thủy lợi vừa tiến hành rà soát và kiểm tra hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh để có phương án đề xuất với UBND tỉnh nâng cấp, sửa chữa trước mùa mưa bão năm nay.

YBĐT - Ngày 12/6, Ban công tác thanh niên Công an tỉnh Yên Bái - Cụm trưởng cụm thi đua số II gồm 11 Ban công tác thanh niên Công an các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái đã sơ kết phong trào thi đua" Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" 2 năm 2005-2007.

Ảnh minh họa.

YBĐT - Thực hiện quyết định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, ngày 8/6, Sở Y tế Yên Bái đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm thu hồi và tiêu hủy sản phẩm nước tương có hàm lượng 3 - MCPD vượt quá quy định trong trung tuần tháng 6 này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục