Sống chung với cặp kính 4 năm, em Đỗ Chí Công, học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái cho biết: "Cháu bị cận thị cả 2 bên mắt. Từ khi học lớp 1, lúc ngồi học cháu nhìn lên bảng không rõ và khi xem tivi phải đứng gần mới thấy nên mẹ đưa cháu đi khám và được bác sĩ nói mắt cháu bị cận thị, phải đeo kính. Lúc đầu, khi mới đeo kính cháu cảm thấy khó chịu vì rất bất tiện nhưng đeo mãi thành quen, giờ bỏ kính ra cháu nhìn mọi thứ đều khó khăn. Lớp cháu cũng có 5 bạn đeo kính do mắc các tật khúc xạ”.
Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Kim Đồng có gần 1.000 học sinh; trong đó, có trên 150 học sinh mắc các tật khúc xạ. Để giảm thiểu tỷ lệ học sinh bị các tật khúc xạ học đường, nhà trường đã quan tâm cải thiện điều kiện về chiếu sáng trong phòng học, bảng chống lóa, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi của từng lớp học...; đồng thời, phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn khám sức khỏe tổng thể cho học sinh; trong đó, có nội dung khám các bệnh về mắt. Ngoài ra, đối với các em học sinh bị các tật khúc xạ nhà trường sắp xếp các em ngồi ở vị trí thuận lợi về ánh sáng, góc nhìn, độ gần để các em tiếp thu kiến thức trên lớp tốt nhất.
Cô Phan Thị Chinh - giáo viên chủ nhiệm lớp 4D, Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: "Cùng với việc giảng dạy, chúng tôi luôn quan tâm rèn luyện nền nếp học tập cho học sinh; trong đó, chú trọng hướng dẫn tư thế ngồi đúng với khoảng cách đọc sách và viết. Đồng thời, phổ biến cho các bậc phụ huynh lưu ý về tư thế ngồi học, đọc sách đúng, đủ ánh sáng của con em mình khi ở nhà để hạn chế các tật khúc xạ cho các em học sinh”.
Hiện, trên địa bàn tỉnh, các bệnh về mắt, chủ yếu là tật khúc xạ học đường là nhóm bệnh có số lượng học sinh mắc nhiều (xếp thứ ba chỉ sau bệnh răng miệng và suy dinh dưỡng) và phổ biến ở học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và phần lớn ở khu vực thành thị. Tật khúc xạ học đường gồm ba bệnh chính: cận thị, viễn thị, loạn thị; trong đó, phổ biến nhất là cận thị.
Việc suy giảm thị lực ảnh hưởng đến sự phát triển cuộc sống và học tập của trẻ. Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác, khiến ảnh hưởng của một vật sau khi đã đi lọt qua các môi trường trong suốt của mắt đáng lẽ phải nằm trên võng mạc thì lại nằm trước võng mạc. Về mặt hiện tượng, khi tật cận thị khởi phát, học sinh nhìn không rõ khi vật ở xa, không phân biệt hoặc nhầm lẫn nét số và chữ trên bảng, mỏi mắt khi đọc sách, tiến gần màn hình khi xem ti vi…
Với tật cận thị thì phương pháp điều trị hiệu quả nhất là đeo kính gọng. Bên cạnh việc đeo kính để bảo vệ mắt, phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám định kỳ, phát hiện và xử lý kịp thời các diễn biến tiếp theo.
Nguyên nhân gây nên tật khúc xạ, bao gồm bẩm sinh và mắc phải. Riêng tật khúc xạ học đường, phần lớn nguyên nhân do trẻ mắc phải trong quá trình học tập, thói quen sinh hoạt không hợp lý như ngồi sai tư thế trong thời gian dài, bàn ghế ngồi học không phù hợp; nhìn gần liên tục và học tập ở môi trường thiếu ánh sáng.
Ngoài ra, chế độ học tập quá căng thẳng, tập trung quá lâu không cho mắt nghỉ ngơi, điều tiết có thể ảnh hưởng đến mắt và gây nên các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không đủ chất, thiếu Vitamin, vi chất và lạm dụng các thiết bị điện tử sẽ khiến mắt bị suy yếu.
Để giúp trẻ phòng, chống tật khúc xạ học đường, hằng năm ngành giáo dục và đào tạo, ngành y tế đã phối hợp tổ chức khám sàng lọc tại các trường học nhằm phát hiện sớm việc gây suy giảm thị lực và các vấn đề bất thường về mắt. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tổ chức các đợt khám khám sức khỏe tổng thể cho học sinh; trong đó, có khám tật khúc xạ cho khoảng 6.000 - 7.000 em trên địa bàn.
Đồng thời, ngành giáo dục cũng chỉ đạo các nhà trường phối hợp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên, nhân viên y tế trường học những kiến thức cơ bản về một số bệnh, tật về mắt thường gặp ở học sinh để tư vấn cho phụ huynh, học sinh có biện pháp điều trị kịp thời. Trong đó, chú trọng giáo dục, tuyên truyền giúp trang bị nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc mắt, giúp chủ động điều chỉnh và khắc phục các nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ gây ra tật khúc xạ cho học sinh, góp phần nâng cao sức khỏe học đường.
Bà Mạnh Thị Thu Thêm - Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế học đường (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh):
Các tật khúc xạ tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng. Để chủ động phòng cận thị cho trẻ ở lứa tuổi học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc xây dựng góc học tập cho trẻ đúng tiêu chuẩn, đủ ánh sáng. Đồng thời, xây dựng cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế, không nằm khi học bài, xem ti vi hay điện thoại. Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính, ti vi quá nhiều. Lưu ý, sau khi học tập cần cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt hoặc nhìn về phía xa. Ngoài ra, bổ sung dinh dưỡng hợp lý cũng sẽ hạn chế việc tăng mức độ cận thị, viễn thị, loạn thị, giúp đôi mắt khỏe hơn.
|
Thu Hiền