Để trẻ có hè vui, bổ ích!

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/6/2024 | 7:32:38 AM

YênBái - Năm học 2023-2024 đã kết thúc, các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè mong ước của tuổi thơ, được vui chơi, theo đuổi đam mê, phát triển bản thân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã tạo ra nhiều thách thức trong việc quản lý con em vùng đô thị và cũng đặt ra câu hỏi "chơi gì" cho trẻ em nông thôn.

Kỳ nghỉ hè trẻ có nhiều thời gian rảnh, nếu không có phương pháp quản lý khoa học dễ dẫn đến chỉ vùi đầu vào tivi, máy tính, điện thoại... (Ảnh: minh họa)
Kỳ nghỉ hè trẻ có nhiều thời gian rảnh, nếu không có phương pháp quản lý khoa học dễ dẫn đến chỉ vùi đầu vào tivi, máy tính, điện thoại... (Ảnh: minh họa)

Việc kiểm soát như thế nào để đảm bảo chặt chẽ thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ số mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và thể chất của trẻ, đồng thời giúp trẻ phát triển các kỹ năng và hành vi lành mạnh khác đang là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. 

Loay hoay lên các phương án nghỉ hè cho con 

Anh Nguyễn Xuân Thắng, tổ 4, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái có 2 cậu con trai 13 và 15 tuổi. Hàng ngày vợ chồng anh đi làm từ sáng đến tối, để quản lý con từ xa, anh chị đã lên phương án phù hợp và quan sát các con qua camera. 

 Anh Thắng bộc bạch: "Ở cái tuổi nửa người lớn nửa trẻ con, các cháu rất bướng bỉnh và thích khám phá. Do vậy, cấm các cháu chơi điện thoại, máy tính thì không thể vì bất kỳ đứa trẻ nào trong thời đại số này cũng đều không chịu ngồi yên... Vợ chồng tôi cùng thống nhất với các con xây dựng lịch trình cụ thể về thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ số. Chẳng hạn như vào buổi sáng khi bố mẹ ra khỏi nhà, các cháu sẽ ăn sáng, rửa bát đĩa, lau nhà, phơi quần áo, sẽ có 1 giờ để được ngồi vào máy tính hoặc cầm điện thoại. Buổi chiều, sau giờ ngủ trưa, các con sẽ thu và gấp quần áo, cắm cơm, được chơi thể thao với các bạn cùng xóm và vào buổi tối sẽ tiếp tục 1 giờ được chơi điện thoại, máy tính. Tôi khuyến khích các con sử dụng các ứng dụng tương tác giao lưu với gia đình, trò chơi, video có nội dung giáo dục, phát triển kỹ năng sáng tạo và tư duy logic trên mạng Internet". 

Cùng quan điểm với anh Thắng, chị Trần Thị Thu Hiền, ở tổ 6, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi đều đi làm thuê từ sáng đến tối, khả năng tài chính để cho các con tham gia các khóa "Học kỳ trong quân đội", bơi lội, nhạc, họa là quá sức. Nhà không có vườn hay buôn bán gì. Để các con ở nhà trông nhau, có hứng thú làm việc nhà giúp bố mẹ, chúng tôi đã lắp mạng Internet nối với ti vi để các cháu cùng xem phim, ca nhạc và định hướng các con tìm hiểu những điều bổ ích trong các chương trình truyền hình, tránh xa các hình ảnh bạo lực, nội dung xấu độc ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách con người". 

Có điều kiện hơn anh Thắng, chị Hiền, gia đình anh Trần Đức Toàn, tổ 3, phường Yên Thịnh đã chủ động lên lịch cho các con trong những ngày hè cụ thể. Anh Toàn cho biết: "Vì không muốn các con "nghiện” công nghệ, nên ngay sau khi kết thúc năm học, tôi chủ động đăng ký cho 2 cháu tham gia lớp trải nghiệm "Học kỳ trong quân đội” do Tỉnh đoàn tổ chức, sau đó, cho các con về quê với ông bà chục ngày, cả gia đình đi du lịch chục ngày và sau đó sẽ cho các cháu học vẽ, học bơi tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh cho đến khi bước vào năm học mới”.

Tuy nhiên khi không có điều kiện, phải quản lý con bằng các phương tiện công nghệ, anh Nguyễn Xuân Thắng cũng mong muốn: "Các tổ chức Đoàn, Hội, Đội nên có nhiều hình thức đổi mới trong sinh hoạt hè để các cháu được tham gia nhiều hoạt động tập thể như: bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng đá” -.

Nỗi lo này cũng không nằm ngoài ý nghĩ của chị Trần Thị Thu Hiền: "Tôi cũng băn khoăn vì trong thế giới mạng bao la ấy, các con sẽ học được những điều hay tốt đẹp không, lo nhất là vào những trang web có nội dung xấu. Do vậy, tôi mong nhà trường, chính quyền địa phương có những hoạt động phù hợp để các cháu được tham gia mà vẫn an toàn”.

Đó là những suy nghĩ, cách làm của những bậc cha mẹ đang có con vùng thành phố, thị trấn bước vào kỳ nghỉ hè số.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội 

Nắm bắt được nỗi lo của các bậc phụ huynh và tình trạng trẻ em suốt ngày hè cắm mặt vào tivi, máy tính, điện thoại, mê mải với trò chơi điện tử, những trang web có nội dung không phù hợp, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái đã sớm xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động "học kỳ 3", đặc biệt là các lớp năng khiếu hè cho thiếu nhi.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Để chào đón các em thiếu nhi trong dịp hè 2024, cán bộ, giáo viên Trung tâm đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học chuyên dùng cho từng môn học. Cùng đó, các giáo viên cũng chuẩn bị kỹ lưỡng giáo án, giáo trình các môn năng khiếu theo lứa tuổi”.

Một trong các hoạt động duy trì nhiều năm nay là Trung tâm đã phối hợp với Trung đoàn 121, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức chương trình "Học kỳ trong quân đội” (sau 4 năm gián đoạn do dịch Covid-19) nhằm tăng cường công tác giáo dục kiến thức quốc phòng cho thế hệ trẻ trong tình hình mới, giáo dục thể chất, ý thức tự giác, ý thức kỷ luật thông qua môi trường quân đội. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh làm quen với đời sống chiến sỹ, biết khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách trong học tập, công tác và cuộc sống và quan trọng là rèn luyện nhân cách, biết chia sẻ, yêu thương. Năm 2024, chương trình "Học kỳ trong quân đội” tổ chức  khóa 1 từ ngày 9/6 -18/6 và khóa 2 từ ngày 23/6 đến 2/7 tại địa điểm Trung đoàn 121, mỗi lớp 120 "chiến sỹ” độ tuổi từ 9 -14 tuổi. Đến thời điểm 1/6, số lượng 240 học sinh đăng ký đã lấp kín quân số.

"Cháu rất hào hứng được tham gia "Học kỳ trong quân đội" trong dịp hè này vì mong muốn trở thành "chiến sỹ” như trong sách báo, phim, chuyện. Ở đó cháu sẽ được gặp gỡ bạn bè, anh chị ở các nơi. Cháu sẽ được cùng ăn, cùng ở, cùng học và trải nghiệm ở môi trường mới lạ, sẽ được tự lập và thực hiện các kỹ năng sống khi không ở cùng bố mẹ” - cháu Hoàng Thị Thùy Linh, tổ 5, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái vui vẻ cho biết.

Được biết, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái cũng tổ chức nhiều lớp năng khiếu như tổ chức các cuộc thi thể thao hoặc vui chơi ngoài trời như bóng chuyền, bóng đá, bơi lội; đưa trẻ đi dạo hoặc đạp xe để tăng cường sức khỏe kết hợp với tuyên truyền sử dụng công nghệ số một cách có kiểm soát như sử dụng máy tính, điện thoại thông minh trong thời gian hợp lý, trong đó khuyến khích trẻ sử dụng các ứng dụng học tập, sáng tạo trên mạng internet thay vì chỉ chơi game. 

Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức các buổi làm thủ công, vẽ tranh hoặc học nấu ăn, các lớp học về kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo. Đồng thời tổ chức cho các tham gia các lớp năng khiếu ở Trung tâm như đi dã ngoại, khám phá các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tham quan bảo tàng hoặc các hoạt động trải nghiệm khác…

Tất cả những hoạt động này sẽ góp phần nào làm giảm đi những băn khoăn về kỳ nghỉ hè số của con trẻ cũng như các bậc phụ huynh.

Cháu Nguyễn Trần Gia Bách, thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo tâm sự: "Cháu chỉ mong đến hè để được tham gia các lớp năng khiếu. Năm nay cháu rất vui được bố mẹ cho cháu học lớp năng khiếu bơi và đàn ghi - ta. Ở lớp năng khiếu, cháu cùng các bạn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa rất bổ ích. Cháu mong có nhiều hoạt như thế diễn ra trong cả năm học để chúng cháu vừa học vừa vui chơi giảm bớt áp lực trong học tập cũng như không phải chơi điện thoại nhiều”. 


Hiện, đã có nhiều lớp năng khiếu và các hoạt động trải nghiệm trên địa bàn thành phố Yên Bái, các bậc phụ huynh có thể cho con theo học để nâng cao thể chất và tinh thần cho trẻ. Trong ảnh: Một lớp học bóng rổ tại Trường THPT Nguyễn Huệ và trải nghiệm thực tế của chương trình Học kỳ trong quân đội tại chùa Minh Pháp,.

Cùng đó, Thành đoàn Yên Bái cũng lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động hè cho các em học sinh trong 3 tháng hè. 

"Thành đoàn yêu cầu từ năm nay sẽ siết chặt quản lý đoàn viên ở các trường THPT trên địa bàn thành phố về sinh hoạt tại địa phương. Đây sẽ là cơ sở cho nhiều sáng kiến, làm mới các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ và trong sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh mọi lứa tuổi, hoàn cảnh cùng tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ lồng ghép các buổi truyền thông giúp trẻ em biết cách sử dụng các thiết bị công nghệ số một cách lành mạnh và có ích cũng như những tác hại của công nghệ số về sức khỏe, tinh thần, từ đó giảm thời gian các em tiếp xúc với các thiết bị công nghệ thông minh, góp phần nâng cao thể chất và tinh thần đoàn kết, hoạt động chung của lứa tuổi thiếu nhi” - chị Cù Thanh Lam - Phó Bí thư Thành đoàn Yên Bái cho biết.

"Học kỳ 3" cho trẻ em nông thôn 

Không riêng gì thành phố, kết thúc năm học, hầu hết các tổ chức Đoàn địa phương đều đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận và triển khai các hoạt động hè cho học sinh. Nhưng có một nghịch lý, học sinh ở đô thị - nơi đất chật người đông - lại có nhiều chỗ để triển khai các hoạt động "học kỳ 3” bổ ích và lý thú còn trẻ em nông thôn chơi gì ở nơi vốn rộng rãi về không gian vẫn còn là câu hỏi dành cho chính quyền địa phương và các tổ chức Đoàn, Hội.

Có những gợi ý như vài năm gần đây, hoạt động sinh viên tình nguyện của hệ thống trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã phát huy tác dụng rất hữu ích trong các phong trào tình nguyện về các vùng nông thôn. Các địa phương, ban, ngành có thể phối, kết hợp với lực lượng sinh viên này để giúp các em học sinh nhỏ hướng vào những hoạt động vui chơi lành mạnh hoặc tham gia vào các hoạt động cộng đồng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi….

Cùng đó là việc phát huy tác dụng của điểm bưu điện văn hoá phục vụ nhu cầu đọc, giải trí của trẻ em nông thôn trong dịp hè, địa phương bớt ra quỹ đất và tổ chức Đoàn thực hiện phần việc tạo sân chơi cho các em thiếu nhi như đã làm trong các chiến dịch hè tình nguyện là vô cùng thiết thực. Tuy nhiên, duy trì hoạt động thế nào để trẻ em nông thôn cũng cảm nhận được "học kỳ 3" bổ ích là trách nhiệm của toàn xã hội, không riêng gì tổ chức Đoàn. Điều đó cần sự cộng lực bởi trẻ em nông thôn nói chung, vùng cao nói riêng còn rất nhiều thiệt thòi và thiếu thốn về vật chất, tinh thần, phụ thuộc vào cả nhận thức của cha mẹ khi luôn nghĩ con nghỉ hè là có thêm một lao động giúp việc nhà, việc nương rẫy, đồng áng!

Hè đã về và những mong ước của trẻ về một kỳ nghỉ hè bổ ích còn đang ở phía trước. Hy vọng với những cách kết hợp hài hòa giữa công nghệ số và các hoạt động truyền thống, các bậc phụ huynh, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội cùng  quan tâm, nghiên cứu, có thêm nhiều hình thức tổ chức hoạt động  và hỗ trợ hoạt động phong phú để trẻ em có một mùa hè vui, bổ ích đúng nghĩa .

Thủy Thanh

Tags Yên Bái nghỉ hè học sinh công nghệ

Các tin khác
Hội viên Hội LHPN xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái vệ sinh đường nông thôn.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến nhờ đẩy mạnh các phong trào thi đua.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Ngày 2/6, thủ đô Hà Nội ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại khoảng 8.000 đến 10.000 tỷ đồng tại Việt Nam theo thống kê chưa đầy đủ.

Các cuộc tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến đang tăng theo cấp số nhân, với mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp do có sự “hỗ trợ” của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, deepfake…

Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh

Liên đoàn lao động thị xã Nghĩa Lộ vừa tổ chức Hội thi cán bộ nữ công giỏi năm 2024 với 42 thí sinh tham gia là cán bộ nữ phụ trách công tác nữ công, trưởng ban nữ công quần chúng thuộc các công đoàn cơ sở trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục