Báo in ra đời trước, thống trị trên lĩnh vực truyền thông suốt một thời gian dài. Rồi một ngày, radio ra đời với sự đột phá nhờ công nghệ truyền dẫn (cả hữu tuyến và vô tuyến) đã đáp ứng được tính thời sự (phát thanh trực tiếp, không cần phải in ấn, phát hành như báo in; sức lan tỏa rộng hơn, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của mọi đối tượng; trong đó, có cả người không biết chữ).
Tồn tại không lâu trên ngôi vị "quán quân”, đài phát thanh lập tức bị truyền hình chiếm giữ, vì đối tượng của truyền hình không chỉ được nghe mà còn được xem (tính thuyết phục đã cao hơn một bước nữa). Rồi một ngày, Internet ra đời và phát triển; trong đó, có các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tik tok… đã thay đổi "cuộc chơi” một cách chóng mặt.
Đơn cử như, mỗi người chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh đã trở thành một "nhà báo”, đã có trong tay một "cơ quan báo chí” (có những cá nhân lập một trang fanpage nhưng số lượt người đăng ký theo dõi đông hơn cả một đài truyền hình lớn và giờ đây không thiếu những đơn vị truyền thông và cá nhân người làm truyền thông không những không hưởng bất cứ một đồng ngân sách nào mà họ vẫn sống khỏe và nộp được nhiều ngân sách cho Nhà nước).
Đài truyền hình vốn thống trị lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là giải trí bỗng dưng xẹp hẳn. Trước đây, bản tin thời sự 19 giờ của VTV1 là "món ăn” không thể thiếu của rất nhiều người thì nay độ hot đã giảm xuống không biết bao nhiêu lần vì đã cập nhật liên tục tin tức trên các nền tảng khác. Đúng là Youtube, TikTok đang chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng xin hãy tin rằng, chẳng có cái gì tồn tại mãi mãi như đã nói ở trên, thịnh - suy đã trở thành một quy luật.
Trước đây, ai có thể tin truyền hình giảm sức hấp dẫn; ai có thể ngờ số người nghe phát thanh (sóng FM) lại tăng mạnh như ngày hôm nay. Ngay cả mạng xã hội, chỉ sau một thời gian ngắn bùng nổ thì nay đã bộc lộ những khiếm khuyết, những lỗ hổng chưa biết ngày nào lấp vá được; trong đó, giả mạo, độ tin cậy thấp, không kiểm chứng, đặc biệt là lừa đảo và hệ lụy của nó đối với xã hội…
Thay đổi để tồn tại, phát triển là những gì mà các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo đã thể hiện trong thời gian qua để mỗi cơ quan báo đã không đơn thuần xuất bản một tờ báo in mà đã trở thành một tờ báo đa phương tiện gồm báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Công nghệ làm báo giờ đây cũng đã thay đổi gần như hoàn toàn; trong đó, tận dụng sự ưu việt của công nghệ số (Digital) và tới đây là trí tuệ nhân tạo (AI) là xu thế không thể đảo ngược và ai không theo nổi là đồng nghĩa với đứng ngoài "cuộc chơi”.
Cách thức viết tin bài cũng khác xa với giai đoạn trước. Đơn cử như trước sự kiện "nóng” thì đưa tin tường thuật liên tục (cập nhật từng phút), sau đó thì bình luận chiều sâu, phản ánh góc nhìn đa chiều…
Như đã nói ở trên, thay đổi để tồn tại và phát triển là không thể đảo ngược. Tuy nhiên, mỗi người làm báo phải hiểu rằng, dù có thay đổi thế nào cũng không được phép thay đổi những tính chất cơ bản của báo chí cách mạng gồm: tính chân thật, tính giai cấp, tính Đảng, tính khai sáng và giải trí. Mỗi người làm báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để làm chủ công nghệ làm báo thời đại công nghệ số; đặc biệt, phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng; trách nhiệm công dân của người làm báo; tôn chỉ mục đích của tờ báo nơi mình công tác… tuyệt đối không được sai lệch, phai nhạt và ngược lại, phải được giữ gìn, bảo vệ.
Thời gian qua, nhiều tờ báo đã bị xử phạt, bị đình bản; nhiều phóng viên bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam… đó là bài học sâu sắc cho mỗi người làm báo và là lời nhắc nhở rằng, đừng ảo tưởng sức mạnh theo kiểu "cơ quan quyền lực thứ 4” để thực hiện hành vì dọa dẫm, o ép, gạ gẫm… nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Đừng "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” để rồi trở thành kẻ phản động lúc nào không hay, giống như nhiều cây viết tên tuổi đã mắc phải. Dù vậy, cũng chẳng nên thu mình, khép nép như còn rùa trong lớp mai cứng. Hãy phản ánh trung thực đời sống xã hội dưới ngòi bút và trang giấy của mình bằng cái đầu tỉnh táo và trái tìm nhiệt huyết vì sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Vinh quang chỉ thuộc về những nhà báo chân chính, giỏi nghề, yêu nghề và luôn sống có đạo đức, có trách nhiệm. Chắc chắn không thuộc về những người mang danh nhà báo nhưng làm việc hời hợt, sống vị kỷ, cá nhân, sống xu nịnh, viết bồi bút và càng không thuộc về những kẻ ảo tưởng cá nhân, ngáo quyền lực nghề nghiệp, thoái hóa, biến chất, vong nô như bè lũ phản động, thù địch nước ngoài, miệng nói vì dân, vì đất nước nhưng lòng dạ thì điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Lê Phiên