Ông Lê Ngọc Phương có địa chỉ Email: Ngocphuongkt2b@gmail.com hỏi: Tôi hiện đang là cán bộ không chuyên trách cấp xã với chức danh là phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Khi thực hiện nghị quyết về sáp nhập xã năm 2024, cơ quan không sắp xếp được công việc tiếp tục cho tôi. Vậy, nếu tôi dừng đóng BHXH chức danh phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã thì tôi có được tiếp tục chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện không? Nếu tôi không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì thời gian tham gia BHXH là phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã của tôi được hưởng quyền lợi như thế nào?
BHXH tỉnh trả lời: Trường hợp của bạn Lê Ngọc Phương hiện là cán bộ không chuyên trách cấp xã, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nếu bạn dừng đóng BHXH chức danh phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã thì được chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện.
Nếu bạn không tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện thì căn cứ theo khoản 1, Điều 60, Luật BHXH năm 2014, sẽ được hưởng chế độ BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (theo quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP); lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đã đủ tuổi nghỉ hưu mà khi nghỉ việc chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 quy định về việc thực hiện chính sách hưởng chế độ BHXH một lần đối với người lao động như sau: "Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần”.
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích người lao động không nên hưởng chế độ BHXH một lần mà nên tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Ông Cao Nhật Huy có địa chỉ Email thuyvivi18tu@gmail.com hỏi: Tôi sinh tháng 12/1973. Theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế thì cách tính nghỉ hưu trước tuổi đủ ba năm thì thời gian nghỉ hưu của tôi là tháng nào, năm nào? Tôi đóng BHXH bắt buộc tới tháng 9/2023 được 29 năm 1 tháng, và công tác ở vùng kinh tế khó khăn ở khu vực có hệ số 0,7 được 19 năm, vậy tôi nghỉ hưu trước tuổi đủ ba năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu là bao nhiêu phần trăm? Tôi công tác ở vùng kinh tế khó khăn 0,7 được 19 năm, vậy khi nghỉ hưu trước tuổi ba năm có được hưởng chế độ gì không?
BHXH tỉnh trả lời: Căn cứ Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, chính sách nghỉ hưu trước tuổi được quy định cụ thể tại Điều 5, trong đó áp dụng tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP: Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II (tuổi nghỉ hưu thấp nhất) áp dụng cho lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ông sẽ được nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế sớm nhất là 57 tuổi vào tháng 01/2031, thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP.
Ông Huy có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của ông Huy theo lộ trình là 57 tuổi, nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế thấp hơn tối đa đủ 05 tuổi thì thời điểm sớm nhất vào tháng 01 năm 2026; thấp hơn tối thiểu đủ 02 tuổi thì thời điểm muộn nhất vào tháng 01 năm 2029, ông nghỉ hưu trước tuổi đủ 03 năm thì thời điểm nghỉ là tháng 01/2028.
Về tỷ lệ hưởng lương hưu: Theo khoản 1, Điều 5, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/06/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, ông Huy không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Căn cứ quy định tại Điều 7, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Ông đóng BHXH đến tháng 9/2023 được 29 năm 1 tháng, có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Nếu ông tiếp tục tham gia BHXH đến tháng 12/2027 thì thời gian công tác tham gia BHXH của ông sẽ là 33 năm 04 tháng và nghỉ hưu trước tuổi vào tháng 01/2028 (nghỉ trước tuổi đủ 03 năm) tỷ lệ hưởng lương hưu của ông sẽ được tính 20 năm đầu là 45%; 13 năm tiếp theo mỗi năm được tính thêm 2% là 26%; 4 tháng lẻ được tính thêm 1%. Như vậy tỷ lệ hưởng lương hưu của ông là 72%.
Hồng Duyên