Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6:

"Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/6/2024 | 8:30:55 AM

YênBái - Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, tạo sự lan tỏa về chuẩn mực, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái càng phát triển và hạnh phúc.

Trao truyền các giá trị văn hóa. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.
Trao truyền các giá trị văn hóa. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái.

Phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái.

P.V:  Thưa ông, thiết thực kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai các hoạt động gì?  

Ông Nguyễn Lâm Tới: Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Sở VHTT&DL đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với Chủ đề "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”. Cùng với đó, là đẩy mạnh tuyên truyền về chủ đề Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình "Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương", khuyến khích phát huy các giá trị truyền thống về phong tục, tập quán tốt đẹp của gia đình như xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tôn vinh những giá trị nhân văn của gia đình Việt Nam, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội nhằm phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. 

Bên cạnh đó, Yên Bái là một trong 15 tỉnh, thành phố được Bộ VHTT&DL chọn tham gia các hoạt động Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 tại thành phố Hải Phòng. Theo đó, tỉnh Yên Bái đã tham gia triển lãm hình ảnh về thiên nhiên, con người, về gia đình các dân tộc trong tỉnh, giới thiệu các sản vật độc đáo, đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, chương trình giao lưu nghệ thuật và trình diễn nghệ thuật khèn Mông, nghệ thuật Xòe Thái của gần 30 nghệ nhân đến từ huyện Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ đã thu hút được đông đảo người dân theo dõi. Đây cũng là dịp để tỉnh Yên Bái giới thiệu về hình ảnh quê hương đến với bạn bè, du khách bốn phương. Từ đó, nêu bật truyền thống văn hóa gia đình của người dân Yên Bái, đặc biệt là gia đình người dân tộc thiểu số của tỉnh.



P.V: Với vai trò là cơ quan quản lý lĩnh vực VHTT&DL, thời gian qua, Sở VHTT&DL đã phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động gì nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc để mỗi gia đình, mỗi người dân Yên Bái trở nên hạnh phúc hơn và đóng góp nhiều hơn cho công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Tới: Nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, trong thời gian qua, ngành VHTT&DL đã tập trung tham mưu giúp tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện về lĩnh vực VHTT&DL và gia đình; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành về tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. 

Nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đáp ứng nhu cầu thưởng thức về văn hóa, thể thao cho người dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn tổ chức các lễ hội truyền thống phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc trong tỉnh; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc; tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về đời sống tinh thần.

Tham mưu, đề xuất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng các khu vui chơi, giải trí, thể thao trong cộng đồng khu dân cư, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; tăng cường xã hội hóa, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngoài công lập; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với các mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, trong đó tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa trong toàn xã hội, gắn kết chặt chẽ văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy vai trò của các yếu tố văn hóa, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. 

Đẩy mạnh các phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa”, "Gia đình hạnh phúc”; "Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc". Tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", Hội thi Gia đình hạnh phúc từ cơ sở đến cấp tỉnh và các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3.

Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân, trong đó tham mưu, đề xuất xây dựng các công trình thể thao trọng điểm và thực hiện chính sách xã hội trong lĩnh vực thể dục thể thao; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, tổ chức các dịch vụ thể thao, tạo điều kiện để mọi người dân tham gia hoạt động thể dục thể thao và trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi người dân. 

Xây dựng các giải pháp phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư bản địa; chú trọng nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân…


Để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình vừa qua Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thi "Gia đình hạnh phúc” tỉnh Yên Bái năm 2024.

P.V: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được Sở VHTT&DL triển khai cụ thể thế nào, kết quả cho đến nay để góp phân xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa ?

Ông Nguyễn Lâm Tới: Trong những năm qua, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao kịp thời của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp của các ban, sở, ngành thành viên trong BCĐ; sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. BCĐ Phong trào các cấp được kiện toàn, các nội dung của Phong trào được triển khai thực chất, đi vào chiều sâu và gắn liền với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Những kết quả đạt được của Phong trào đã góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn đáp nghĩa”... Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Các ngành thành viên BCĐ Phong trào tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đã tích cực lồng ghép triển khai thực hiện Phong trào với nhiều nội dung, phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào, điển hình như: Trong năm 2023, Sở VHTT&DL in, phát hành 11 nghìn tờ rời, tờ gấp tuyên truyền về các tiêu chí đánh giá đô thị văn minh, 5 nghìn tờ rời, tờ gấp tuyên truyền "Vì một xã hội tốt đẹp - hãy cùng nhau ngăn chặn ma túy” và 30 nghìn tờ rời, tờ gấp tuyên truyền tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình gửi cơ sở làm tài liệu tuyên truyền… 

Các tổ chức đoàn thể cũng đã phối hợp với các ngân hàng duy trì tín dụng cho các hội viên vay vốn hàng chục tỷ đồng để phát triển kinh tế… Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) Việt Nam tỉnh cũng phối hợp với các ngành thành viên viên BCĐ tỉnh và các địa phương thông qua Quỹ "Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội các cấp, đã vận động, hỗ trợ xây mới trên 55 nhà đại đoàn kết với kinh phí trên 2,4 tỷ đồng, sửa chữa trên 10 nhà với kinh phí hỗ trợ 170 triệu đồng; phân bổ từ nguồn quỹ "Vì người nghèo” hỗ trợ trên 288 triệu đồng để xây dựng trên 66 mô hình phát triển kinh tế như: mua nông cụ, hỗ trợ giống cây dược liệu khôi nhung, cây keo, chăn nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản, nuôi trâu, nuôi ốc nhồi thương phẩm… giúp các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Với những kết quả nổi bật như trên đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng gia đình, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa. Qua đó tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa tăng theo từng năm. Cụ thể: Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng từ 80% năm 2020 lên 90,31% năm 2023 (tăng 10,31%). Tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố văn hóa tăng từ 66,5% năm 2020 lên 89,79% năm 2023 (tăng 23,29%).

P.V: Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi người dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, là cơ quan quản lý trong lĩnh vực VHTT&DL ông có kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Lâm Tới: Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân hằng năm, Sở VHTT&DL rất cần sự phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân về mọi mặt trong đời sống, trong đó chú trọng các cách làm hay, các mô hình mới, sáng tạo thu hút sự tham gia của đông đảo người dân; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng... mang lại lợi ích cho người dân. Nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của nhân dân với phương châm "Cán bộ là công bộc của dân, chính quyền là để phục vụ nhân dân", làm cho nhân dân cảm thấy hài lòng với điều kiện sống về mọi mặt. Qua đó, góp phần đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Huyền 
(thực hiện)

Tags Yên Bái Ngày Gia đình Việt Nam bạo lực gia đình hạnh phúc văn hóa

Các tin khác
Trưởng thôn Sùng A Phềnh (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với cán bộ xã và giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Cát Thịnh về tình hình học tập và duy trì sĩ số học sinh trong thôn.

Từ một thôn nghèo, nhiều khó khăn, đến nay, Làng Lao, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã ổn định cuộc sống. Làng Lao mang khát vọng hướng tới xây dựng thôn mình ngày càng phát triển…

Các em học sinh trên địa bàn huyện Yên Bình được giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn chọn ngành, chọn nghề tại Ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh - việc làm” năm 2023. (ảnh minh họa)

Ngày 25/11/2023, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 188-CTr/TU (gọi tắt là Chương trình 188) về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Cùng các cấp, các ngành, địa phương, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTBXH) tỉnh đã xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ và đưa ra nhiều giải pháp triển khai với quyết tâm cao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đến nay, một số chỉ tiêu của ngành đạt trên 50% kế hoạch, nhiều chỉ tiêu đạt cao.

Đồng chí Đỗ Quang Minh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối CQ&DN tỉnh trao giấy khen cho 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024.

Chiều 27/6, Hội Cựu chiến binh (CCB) Khối cơ quan và doanh nghiệp (CQ&DN) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024.

Lao động nam trong lĩnh vực dệt may.

Chính phủ đã chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng thu hẹp chênh lệch tỷ lệ lương hưu của nam và nữ khi hạ xuống 15 năm đóng BHXH hưởng lương hưu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục