Yên Bái tập trung khắc phục sạt lở, tiếp tục di dời dân

  • Cập nhật: Chủ nhật, 8/9/2024 | 3:21:32 PM

YênBái - Do ảnh hưởng bão số 3, trong 3 ngày qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có mưa to và rất to, làm thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân về nhà ở, diện tíchsản xuất; đặc biệt làm sạt lở nghiêm trọng nhiều tuyến giao thông.

Gia đình ông Lò Văn Yên ở thôn Nậm Tọ, xã Thanh Lương (thị xã Nghĩa Lộ) nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nghiêm trọng đã được chính quyền địa phương và các lực lượng đến hỗ trợ di nhà và tài sản đến nơi an toàn.
Gia đình ông Lò Văn Yên ở thôn Nậm Tọ, xã Thanh Lương (thị xã Nghĩa Lộ) nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nghiêm trọng đã được chính quyền địa phương và các lực lượng đến hỗ trợ di nhà và tài sản đến nơi an toàn.


Sáng nay, gia đình ông Lò Văn Yên ở thôn Nậm Tọ, xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nghiêm trọng đã được chính quyền địa phương và các lực lượng đến hỗ trợ di dời nhà và tài sản đến nơi an toàn.

"Qua theo dõi, sự tàn phá của siêu bão số 3 là quá khủng khiếp. Từ hôm qua đến nay ở đây có mưa to, nguy cơ sạt lở do lũ đầu nguồn suối Thia chảy về rất lớn, nên được chính quyền địa phương và bà con trong thôn hỗ trợ, gia đình tôi đã quyết định di dời đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản”, ông Lò Văn Yên chia sẻ. 

Trước diễn biến phức tập của hoàn lưu bão số 3, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, qua rà roát, thị xã Nghĩa Lộ đã di dời 139 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ Đỗ Thị Thanh Nga cho biết: "Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều tối và đêm ngày 7/9 đến sáng ngày 8/9, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã có mưa to kèm theo giông lốc, cục bộ có nơi mưa rất to. Chúng tôi đã thành lập 14 tổ kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 năm 2024 tại 14 xã, phường. Qua đó đã di dời 138 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Đồng thời, thị xã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã, phường huy động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng phương án "Bốn tại chỗ”, giúp nhân dân ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết; triển khai khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổng hợp thống kê thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân”. 

Huyện vùng cao Trạm Tấu là địa phương bị thiệt hại nhiều do ảnh hưởng của bão số 3 với 13 nhà bị sạt taluy; 138 nhà phải sơ tán, di dời đến nơi an toàn, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm người dân. Trong sáng nay, địa phương đã di chuyển hàng trăm hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Anh Sùng A Sua, thôn Mảnh Tào, xã Bàn Mù chia sẻ: "Mưa liên tục cả đêm qua. Nhận thấy nguy hiểm và không an toàn, gia đình tôi đã kịp thời vận chuyển tài sản và người đến nơi an toàn trước khi nước lũ dâng cao”.

Còn anh Mùa A Thái cùng thôn đến giờ vẫn không thể tin nổi nhà mình bị ngập nhanh đến vậy: "Mưa hơn 12 giờ liên tục, lượng mưa lớn, nước lũ từ các khe suối đổ về cuồn cuộn. May được chính quyền địa phương cảnh báo và tuyên truyền hỗ trợ gia đình di chuyển các tài sản có giá trị đến nơi an toàn, nếu không bây giờ đã trắng tay”. 

Ông Giàng Trang - Chủ tịch xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho biết: Qua kiểm tra sơ bộ, đến 11h sáng 8/9 trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ bị thiệt hại nhà do mưa lũ, trong đó, thôn Mảnh Tào có 7 nhà ngập tới nóc. 100% là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn, vì vậy chính quyền và ngành chức năng đã huy động lực lượng ứng trực, hỗ trợ giúp dân, với phương châm đảm bảo an toàn cho dân.

Chủ động, dự báo và ứng phó với bão số 3, nhất là hoàn lưu cơn bão số sẽ gây mưa to và rất to trên địa bàn toàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng chống thiên tai theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của các bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành công văn yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 và chỉ đạo các ngành liên quan như: quân đội, công an, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp… tăng cường lực lượng, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, rà soát đánh giá thiệt hại, vệ sinh môi trường và hỗ trợ kịp thời giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.

Nhờ vậy, trong 3 ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã di dời khẩn cấp 269 nhà và tài sản để đảm bảo an toàn. Theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, 269 nhà phải di dời khẩn cấp đã được bố trí chỗ ở tạm thời tại các nhà văn hóa, trụ sở Ủy ban nhân dân xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.

Tập trung khắc phục sạt lở

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến nay, mưa lũ do ảnh hưởng bão số 3 đã làm 1 người chết, thiệt hại tăng lên 439 nhà, trên 600 ha cây trồng và sạt lở nghiêm trọng nhiều tuyến giao thông. Tỉnh lộ 174 (Văn Chấn - Trạm Tấu) tại Km 26, Km 29 sạt lở khối lượng hàng trăm mét khối và tại nhiều điểm.

Huyện Trạm Tấu đang là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất về hạ tầng giao thông. Xã Tà Xi Láng xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại các thôn Tà Cao, Chống Chùa, Tà Đằng; sạt lở nhiều điểm tại đường đi UBND xã. Xã Bản Mù, khu vực thôn Mảnh Tào bị ngập lụt (do nước lũ lớn) ảnh hưởng 7 hộ dân. Xã Làng Nhì sạt lở đất đá tại đường lên xã hướng Phình Hồ - Làng Nhì và hướng Bản Mù - Làng Nhì; cuốn trôi 01 cầu tạm từ Bản Cại đi thôn Tà Chơ và Chống Tầu; sạt lở đường của 02 thôn Chống Tầu, Tà Chơ khiến giao thông bị chia cắt. 

Thị trấn Trạm Tấu sạt đường đi hướng thị trấn đến 2 thôn Bản Công, Sán Trá, xã Bản Công (tuyến đường độc đạo của thôn Bản Công). Xã Pá Hu, cầu Gái Bản nối liền Chống Tầu sang Pá Hu bị trôi 2 mố cầu không lưu thông được.


Sạt taluy dương làm thiệt hại nặng nề về tài sản tại Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu  

Đặc biệt, tại Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu, ông Giàng A Dì - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin: "Mưa lớn đã làm sạt lở đất gây lấp toàn bộ lò đốt rác, lấp kín phòng giặt, hấp sấy dụng cụ; vùi lấp không hoàn toàn 2 phòng đầu khu nhà Đại thể (Nhà xác); dãy nhà 3 tầng số 06 gẫy các cột trụ ở góc tầng 1 phía bên phải; khu vực nhà vệ sinh tại tầng 1. Hiện Trung tâm đã di dời các bệnh nhân và các phòng làm việc của cán bộ đến nơi toàn. Cùng với khắc phục mưa lũ, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân vẫn được tiến hành thường xuyên, liên tục”. 

Ông Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Ngay sau khi xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông, huyện đã chỉ đạo lực lượng "4 tại chỗ", tham gia  ứng trực tại các điểm sạt lở, hướng dẫn phân luồng giao thông, không để các phương tiện qua lại để tránh thiệt hại về người và tài sản”. 

Ngoài ra, mưa lớn trên địa bàn các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ khiến một số tuyến đường bị sạt lở, cầu cống bị trôi... Ông Bùi Quốc Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I  Yên Bái cho biết, mưa lớn đã làm nhiều điểm sạt lở bởi nhiều khối đất đá từ trên đồi cao đổ xuống, gây ách tắc hoàn toàn giao thông, nhất là tuyến tỉnh lộ 174, quốc lộ 32... Đây là đoạn đường thường xảy ra sạt lở khi có mưa to kéo dài. Từ sáng nay, Công ty đã huy động 100% phương tiện, máy móc, nhân lực để nhanh chóng triển khai khắc phục. Tuy nhiên, hiện vẫn có mưa to nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi khuyến cáo người dân và các phương tiện hạn chế lưu thông khi trời đang mưa to”. 

Đến nay, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lũ đã làm 1 người chết; thiệt hại, ảnh hưởng 439 nhà, 610,48 ha cây trồng...

Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3) nên từ hôm nay đến hết ngày 10/9, các khu vực trong tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm (có nơi trên 450mm). 

Vì vậy cùng với việc tập trung khắc phục mưa lũ, tỉnh Yên Bái tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn; chỉ đạo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố; các xã, thị trấn cùng với nhân dân khẩn trương tìm quỹ đất xây dựng nhà mới cho số hộ dân bị mất nhà cửa, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các công trình giao thông, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn; thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa; nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tuyên truyền, vận động nhân dân không đi lại, xúc cá, vớt củi khi có mưa lũ.  

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai; khẩn trương khắc phục các công trình giao thông đảm bảo thông suốt, các công trình thủy lợi đảm bảo cho sản xuất, các công trình điện, nước sạch, đảm bảo đời sống nhân dân...

Văn Tuấn

Tags Mưa lũ bão số 3 di dời tài sản ứng phó phòng chống sạt lở

Các tin khác
Các lực lượng giúp dân sơ tán tài sản đến nơi an toàn trước bão số 3

Để tránh thiệt hại về người do hoàn lưu bão số 3, thị xã Nghĩa Lộ đã di dời khẩn cấp 139 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Tiến hành di dời cây đổ để thông tuyến đường sắt sau bão số 3.

Ngành đường sắt đã giải tỏa nhiều vị trí cây đổ chắn ngang hạ tầng ray tàu chạy nhằm bảo đảm thông tuyến một cách nhanh nhất sau bão số 3.

Rất nhiều người dân tới khách sạn của chị Loan để tránh trú bão.

Những căn hộ, khách sạn cho người cần tránh bão ăn ở miễn phí, ô tô chắn gió cho xe máy qua cầu hay chở người dưng về tận nhà là câu chuyện ấm lòng trong bão số 3

Các lực lượng hỗ trợ hộ dân tại thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên di dời do tốc mái.

Huyện Trấn Yên huy động lực lượng khắc phục xong 41/43 nhà bị tốc mái; các địa phương di dời khẩn cấp 38 nhà trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đến nơi an toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục