Chúng tôi cùng cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tìm đến nhà anh Mai Văn Thọ ở thôn Làng Chạng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, là hộ nghèo được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Từ ngày đi xuất khẩu lao động với mức lương tương đối cao, anh Thọ đã dành dụm được một khoản tiền để về tu sửa nhà cửa và dự định sắp tới sẽ tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Đang tất bật với công việc trên đồi, thấy chúng tôi đến, anh Thọ gác lại công việc mời khách vào căn nhà gỗ vừa được tu sửa, phấn khởi khoe: "Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, tôi được đi xuất khẩu lao động thời vụ ở Hàn Quốc trong thời gian 5 tháng. Sang đó, công việc chính là chăm sóc và nuôi bào ngư với mức lương 38 triệu đồng/tháng, trừ tiền ăn, nhà ở, mỗi tháng tôi tích lũy được 30 triệu đồng. Hết thời hạn, trở về địa phương, tôi có được số vốn 150 triệu đồng để sửa sang lại nhà cửa cho khang trang và giờ tiếp tục tìm hướng phát triển kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp bởi trước đó tôi đã học Trường Đại học Lâm nghiệp”.
Còn với anh Nguyễn Đình Nam ở thôn Đại An, xã An Thịnh, sau khi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trở về, có vốn, anh và gia đình đã xây ngôi nhà 2 tầng khang trang và mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Anh Nam chia sẻ: "Được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, tôi sang Hàn Quốc lao động làm nhiều nghề như đúc nhôm, sản xuất khung đột dập, lập trình phần mềm theo bản vẽ (EMCT). Với thu nhập bình quân từ 60 - 70 triệu đồng/tháng, được công ty hỗ trợ ăn ở nên khi trở về nước tôi tiết kiệm được món kha khá để xây nhà và mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng này. Hiện tại, cuộc sống gia đình rất ổn định”.
Đó chỉ là hai trong số nhiều lao động trên địa bàn huyện sau khi đi xuất khẩu lao động trở về địa phương với số tiền tích lũy được đã vươn lên không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả, việc làm ổn định.
Với những nỗ lực của các cấp, các ngành và sự mạnh dạn trong thay đổi tư tưởng của người lao động, Văn Yên đã trở thành một trong những điểm sáng của tỉnh trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những kết quả quan trọng đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ông Cao Văn Chỉ - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Thông qua công tác xuất khẩu lao động, ngoài việc tạo thu nhập cao cho người lao động, còn giúp cho người lao động học tập được tác phong lao động, kỷ luật lao động ở các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, qua thời gian lao động ở nước ngoài, người lao động có được một nghề nhất định. Đến nay, đa số các lao động trở về nước đều có cuộc sống tốt hơn trước, nhiều lao động tự mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh không những tạo việc làm mới cho gia đình mà còn thu hút được lao động trên địa bàn, góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.
Giai đoạn từ 2019 - 2023, toàn huyện đã đưa được 465 lao động đi làm việc theo hợp đồng lao động ở nước ngoài. Con số này tuy còn khiêm tốn, song điều quan trọng là nhận thức của người dân về việc đi xuất khẩu lao động đã dần thay đổi khi số người đi xuất khẩu lao động năm sau đã cao hơn năm trước. Nếu như năm 2019 toàn huyện mới chỉ có 25 người đi xuất khẩu lao động thì năm 2023 con số này đã là 132 lao động.
Để có được kết quả đó, ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Để việc triển khai được bài bản, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động như: vay vốn ưu đãi, khám sàng lọc sức khỏe, học tiếng…
Cùng với đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, khảo sát nhu cầu thực tế của người lao động để tư vấn, định hướng giúp người lao động lựa chọn công việc phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của họ. Đối với cấp ủy, chính quyền, các ngành từ huyện đến cơ sở phải thực sự quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị, là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình người lao động để lắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn nếu có, từ đó giải quyết kịp thời để người lao động yên tâm làm việc…”.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Yên khảo sát nhu cầu đi xuất khẩu lao động và tư vấn cho người dân xã Phong Dụ Thượng.
Kết quả là vậy, song Văn Yên cũng còn không ít khó khăn trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài như: phong tục tập quán của số ít người dân không muốn xa nhà; người lao động còn ngại học ngoại ngữ do đó số lượng tham gia xuất khẩu lao động dù hàng năm dẫn đầu tỉnh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; còn có địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Văn Yên sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận giữa huyện và quận Wando, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc, đưa lao động đi làm việc thời vụ nói riêng và triển khai Nghị quyết số 45/2024 của HĐND tỉnh và Đề án đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030 nói chung, trước mắt là phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao đưa 1.300 lao động đi nước ngoài làm việc trong giai đoạn 2024 - 2026
Để hoàn thành mục tiêu này, đồng chí Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên khẳng định: "Huyện đã bám sát Nghị quyết số 45 và Đề án của tỉnh để xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, trong đó, coi trọng công tác tuyên truyền, đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định và nhóm có việc làm ổn định nhưng thu nhập thấp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh, chỉ đạo các cơ quan, các xã hỗ trợ tốt nhất cho người lao động để hoàn thành chỉ tiêu được giao về công tác xuất khẩu lao động”.
Tin tưởng rằng, với cách làm, kinh nghiệm và những giải pháp đưa ra, trong thời gian tới công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Văn Yên sẽ thêm phần khởi sắc, góp phần đáng kể giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao trình độ và xây dựng tác phong làm việc khoa học cho người lao động, qua đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của địa phương.
Từ năm 2022 cả nước đã triển khai thực hiện đi xuất khẩu lao
động sang thị trường Hàn Quốc theo hình thức thí điểm theo Nghị quyết số
59/NQ-CP ngày 27/4/2022 của Chính phủ về việc tiếp tục thí điểm thực hiện đưa
người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các
địa phương của hai nước. Theo đó, huyện Văn Yên đã ký kết hợp tác với quận
Wando, tỉnh Jeolla Nam-do, Hàn Quốc và đã đưa được 35 lao động đi làm việc thời
vụ ở đây trong lĩnh vực nông nghiệp; thu nhập của người lao động đạt từ 37-38,5
triệu đồng/tháng. Sau thời gian làm việc tại Hàn Quốc, người lao động có thu nhập
tích lũy khoảng từ 100-120 triệu đồng. Nhiều lao động sau khi kết thúc hợp đồng
đã được tiếp tục ký hợp đồng và ở lại Hàn Quốc làm việc. |
Trần Minh