Các cơ sở giáo dục đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu xã hội... nhằm giúp nâng cao tỷ lệ học viên sau khi đào tạo có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định.
Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 20.000 người, giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động; chuyển dịch khoảng 8.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Điều đó khẳng định, công tác đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo đang đi đúng hướng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của thị trường.
Ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ chia sẻ: "Trước đây, đào tạo nghề thường theo tư duy truyền thống, cứ đào tạo lao động biết làm nghề là được. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề hiện nay đã thay đổi. Đó là phải lựa chọn đào tạo nhân lực trong những nghề thị trường cần; đào tạo gắn với ký kết hợp đồng với người sử dụng lao động ngay từ đầu nhằm tăng khả năng có việc làm cho lao động… Vì vậy, các cơ sở đào tạo nghề như chúng tôi phải thường xuyên tìm hiểu thị trường, liên kết với doanh nghiệp, người sử dụng lao động để tìm thêm cơ hội cho chính mình và học viên. Đào tạo nghề phải tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để giáo dục nghề nghiệp gắn chặt với thị trường lao động, tăng cường tính mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng”.
Thực tế cho thấy, đào tạo nghề là đáp ứng nhu cầu xã hội, mục tiêu của đào tạo nghề là cung cấp nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu xã hội hiệu quả và bền vững, yếu tố con người quyết định đến sự thành công thông qua xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức quá trình đào tạo. Nhiệm vụ chủ yếu của đào tạo nghề là cung cấp nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ này phải đáp ứng cả về chất lượng, số lượng cũng như cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ.
Kinh tế - xã hội càng phát triển, nhu cầu về lao động có kỹ năng càng tăng, khi đó đào tạo nhân lực càng có điều kiện để phát triển. Do vậy, đào tạo nhân lực phải gắn với việc làm, nếu đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội sẽ xuất hiện hiện tượng mất cân đối, vừa thừa vừa thiếu nhân lực, đòi hỏi đào tạo nghề phải linh hoạt, thích ứng…
Ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chia sẻ: "Để nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đánh giá, rà soát lại nhu cầu của người lao động, của doanh nghiệp đối với từng ngành nghề, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục kỹ năng mềm giúp học sinh, sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn còn nắm bắt những kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết tình huống; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, giúp người học sau khi đào tạo có cơ hội việc làm cao”.
Đào tạo nghề hiệu quả, theo kịp thị trường, đáp ứng nhu cầu xã hội sẽ có những "sản phẩm” tốt phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ sở đào tạo nghề không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, đặc biệt phát huy sự tương tác, tự quản lý học tập và khả năng sáng tạo của người học; tiếp tục chủ động tiếp cận doanh nghiệp, góp phần đưa mối quan hệ doanh nghiệp và cơ sở đào tạo từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học sinh, sinh viên thích ứng nhanh với thị trường lao động.
Thiên Cầm