Hơn 200.000 căn nhà tạm được khánh thành, khởi công trên toàn quốc

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/4/2025 | 2:02:10 PM

Hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, các địa phương trên cả nước đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.

Hơn 200.000 căn nhà tạm được khánh thành, khởi công trên toàn quốc
Hơn 200.000 căn nhà tạm được khánh thành, khởi công trên toàn quốc

Theo thông tin từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến ngày 18/4/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa bỏ được 201.651 căn nhà tạm, dột nát. Trong đó, 105.968 căn đã được khánh thành và 95.683 căn đang được khởi công xây dựng.

Chương trình được chia thành ba nhóm hỗ trợ chính: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng 24.151 căn (khánh thành 9.676 căn, khởi công 14.475 căn); hỗ trợ thuộc hai Chương trình mục tiêu quốc gia 58.356 căn (khánh thành 39.669 căn, khởi công 15.687 căn); hỗ trợ thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát 119.144 căn (khánh thành 56.623 căn, khởi công 62.521 căn).

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hiện vẫn còn khoảng 34.700 căn nhà tạm, dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo cần được xóa bỏ trong năm 2025. Các địa phương đang nỗ lực cao độ để hoàn thành mục tiêu này trước ngày 31/12/2025.

Tại TP.HCM, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cùng các đơn vị liên quan đã hoàn thành sửa chữa 323/323 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 25,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, TP Thủ Đức và các tổ chức chính trị – xã hội Thành phố cũng đã xây dựng và sửa chữa 899 căn nhà, sử dụng hơn 44,8 tỷ đồng từ Quỹ "Vì người nghèo” và các nguồn vận động xã hội hóa.

Tại tỉnh Đắk Nông, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được triển khai quyết liệt, với gần 1.400 căn nhà được xây mới và gần 400 căn được sửa chữa. Tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa lên đến gần 120 tỷ đồng, chưa kể đóng góp, đối ứng của người dân. Đến nay, địa phương đã hoàn thành xây mới hơn 700 căn và đang thi công hơn 100 căn khác. Ngoài nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Đắk Nông còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” đã và đang lan tỏa sâu rộng trên toàn quốc. Đây không chỉ là hoạt động an sinh xã hội, mà còn là biểu hiện sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân, hướng đến xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Việc hoàn thành mục tiêu xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 sẽ là minh chứng cho tinh thần tương thân tương ái, là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân.

(Theo Bảo vệ công lý)

Các tin khác
Lãnh đạo xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn kiểm tra tiến độ xóa nhà dột nát cho hộ nghèo.

Trước đây, ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống cũng là lúc nhiều người nghèo lại thêm một nỗi lo mang tên “mái dột, nhà xiêu”. Năm 2025, nỗi lo ấy dần lùi xa, nhường chỗ cho niềm vui chờ đón những ngôi nhà mới vững chắc. Đó là thành quả từ Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo - một chương trình mang đậm tính nhân văn, được chính quyền và người dân địa phương đồng lòng thực hiện.

Một buổi giao lưu thể thao của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Yên.

Huyện Văn Yên hiện có 71 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông với 33.233 học sinh. Trong đó, có 25 trường mầm non công lập, 2 trường mầm non ngoài công lập, 9 nhóm trẻ độc lập, 9 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở (THCS) và 16 trường liên cấp tiểu học - THCS.

Các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái tham quan các gian trưng bày sách tại Chương trình Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Yên Bái năm 2025.

Đọc sách luôn là nét đẹp văn hóa, giúp con người mở rộng tri thức, hiểu biết trên mọi lĩnh vực, rèn luyện những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Tình yêu với sách không bao giờ là câu chuyện cũ. Thế nhưng, trước cuộc sống hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã làm thói quen đọc sách của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái thay đổi và đang dần bị mai một. Khơi dậy thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025), sáng 21/4, tại Trường THPT Nguyễn Huệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số ban, sở, ngành của tỉnh tổ chức Chương trình Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Yên Bái năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục