Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Nhớ mãi ngày giải phóng

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/4/2025 | 6:38:56 AM

YênBái - Mỗi dịp 30/4, ông Hứa Lại Hồng ở tổ dân phố số 7, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên lại giở đọc cuốn nhật ký chiến trường mà ông đã tỉ mỉ ghi chép khi còn tại ngũ. Cuốn nhật ký đã nhuốm màu thời gian với những dòng chữ nghiêng nghiêng kể lại một thời trai trẻ hào hùng của ông cùng các đồng đội anh dũng chiến đấu tại Đại đội 3, Tiều đoàn 7, Trung đoàn 66B.

Về với cuộc sống đời thường, ông Hứa Lại Hồng tích cực bốc thuốc nam chữa bệnh giúp người.
Về với cuộc sống đời thường, ông Hứa Lại Hồng tích cực bốc thuốc nam chữa bệnh giúp người.

"Bữa nay, cháu muốn chú kể cho nghe về ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975…” - tôi mở đầu câu chuyện với ông Hồng. Chất giọng nhẹ nhàng, dễ mến của một cựu giáo chức, một thầy lang mát tay, ông Hồng đưa tôi cùng quay trở về những ngày tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ với khí thế sục sôi của đoàn quân giải phóng. 

Ông Hồng nói: "Tôi xin bắt đầu từ ngày 9/3/1975. Ngày đó, đánh đồi Độc Lập tại xã Đức Lập, huyện Đức Minh, tỉnh Quảng Đức, Tiểu đoàn 7 của chúng tôi được giao nhiệm vụ chiến đấu với đại đội tăng thiết giáp của ngụy. Trận này hay lắm, quân ta bí mật tiếp cận, gài mình chống tăng khắp các ngả đường. Nhận lệnh, cả Tiểu đoàn đã nổ súng, địch rối loạn đội hình, mấy xe tăng, xe M113 nổ máy lao ra đường thì dính mìn chống tăng, đứt xích lao vào vệ đường, quân ta hô xung phong, quân địch hò hét, gào thét. Chiến sĩ Đào Ngọc Trắc, quê ở xã Y Can, huyện Trấn Yên, đồng ngũ với tôi thuộc mũi mở đường, luồn sâu vào doanh trại địch, cướp chiếc xe tăng, anh nổ máy, tự mình nạp đạn và bắn cháy xe chỉ huy của địch, húc đổ nhiều công sự, bắn phá nhiều vị trí địch ẩn nấp… khiến địch càng hoảng loạn hơn. Trận đánh nhanh chóng kết thúc thắng lợi, đơn vị được lệnh nhanh chóng hành quân hỗ trợ các đơn vị bạn vào giải phóng Buôn Mê Thuột. Ngày 16/3, đơn vị đánh vào Sân bay Hòa Bình, tốp mở cửa sử dụng giá mìn phá tan 7 lớp hàng rào. Trận này ác liệt lắm bởi địch bố trí đông lực lượng, công sự vững chắc, hỏa lực khá mạnh, rất may đơn vị chúng tôi có xe tăng hỗ trợ nên trưa ngày 17/3 đã chiếm được toàn bộ sân bay. Tuy nhiên, trận này, chúng tôi đã mất đi Đại đội trưởng Đại đội 3 Lưu Văn Họa… 

Sau trận đánh chiếm Sân bay Hòa Bình, chúng tôi có trận đánh cực kì ác liệt với địch tại đèo Phượng Hoàng, bom đạn làm cỏ tranh trên con đèo này cháy ngùn ngụt, nhiều khuôn mặt anh em đen thui, khát nước đến cháy họng. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc, đơn vị chúng tôi tiến về Nha Trang, rồi ngược đường 14, qua Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Dù, Lái Thiêu. 

Sáng ngày 25/4, toàn đơn vị được lệnh ổn định đội ngũ, chuẩn bị vũ khí, phương tiện để sáng ngày 26/4 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Di chuyển bằng xe ô tô trên xa lộ Biên Hòa, chúng tôi cùng các cánh quân bao vây Sài Gòn trong khí thế hừng hực của đội quân cách mạng hướng tới ngày giải phóng. Những trận đấu pháo tại Hóc Môn diễn ra giữa ta và địch, pháo địch thưa dần rồi câm họng. Sáng ngày 30/4, Trung đoàn 66B của chúng tôi tiến vào Sân bay Tân Sơn Nhất trước sự chống trả yếu ớt của một số toán lính. Khi đã làm chủ hoàn toàn sân bay, chúng tôi được lệnh bảo vệ mục tiêu trọng yếu này. 

Trưa ngày 30/4, cán bộ Tiểu đoàn thông báo: "Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi”, rất nhiều anh em nghe tin đã reo vui: "Chiến thắng rồi!”, "Giải phóng rồi!”… Rồi có mệnh lệnh của Trung đoàn đưa xuống: "Phải hết sức bình tĩnh và cảnh giác, đề phòng các nhóm tàn quân Ngụy phản công, gây ra tổn thất hoặc cướp máy bay để bỏ trốn”.

Do tính chất và yêu cầu nhiệm vụ, chúng tôi không được ngắm nhìn đường phố Sài Gòn trong ngày giải phóng, không được đắm mình vào biển người, cờ hoa và lời ca, tiếng hát nhưng vô cùng vui sướng, phấn khởi... 

Bữa cơm chiều ngày 30/4/1975 rất thịnh soạn, có thực phẩm, hoa quả, đồ uống… quân ta thu được từ kho quân nhu của địch. Có điều là chắc vì vui quá nên anh em không còn thiết gì việc ăn uống mà chỉ hát hò, nói chuyện rôm rả... Tôi nhớ mãi anh Trắc nói lớn: "Giải phóng, tao về quê Y Can đánh chim ngói ven sông Hồng”.

 Anh Sơn, người ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên mong ước rằng "Cả ba cậu cháu nhà anh sẽ được về quê cùng ngày” dù cậu anh vào chiến trường năm 1965, anh cả nhập ngũ năm 1967, anh nhập ngũ cùng tôi năm 1971, rồi ba cậu cháu vô tình gặp nhau ngay cửa ngõ Sài Gòn. Tôi thì ao ước, đánh xong giặc sẽ về quê theo nghề dạy học. Mà chắc cả 11 anh em giáo viên Yên Bái chúng tôi lên đường theo Lệnh Tổng động viên nhập ngũ năm ấy đều có cùng mong ước như vậy. Giản dị lắm, đời thường lắm bởi chúng tôi tin hết giặc rồi chúng ta sẽ xây dựng non nước, cuộc sống gấp 10 lần giai đoạn chiến tranh đúng như Bác Hồ đã nói. Thật tiếc, khi những vết thương trên thịt da còn chưa liền vì tôi bị mảnh pháo găm vào lưng, nhiều anh em còn chưa được đi an dưỡng, hòa bình chưa được bao lâu thì Tổ quốc lại lâm nguy khi biên giới Tây Nam lại "nóng”. Vậy là cả đơn vị lại bước vào cuộc chiến đấu mới với quân Pôn Pốt tại Tây Ninh rồi sang giúp nước bạn Campuchia khỏi nạn diệt chủng”. 

Ông Hồng nói: "Cuối cùng, đoàn quân giải phóng chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Mong ước đã nói trong ngày 30/4/1975 đã thành hiện thực: tôi về quê dạy học, anh Trắc về Y Can đánh chim ngói, anh Hà Lâm Kỳ theo nghiệp văn chương… Chúng tôi chưa từng quên nhiều anh em đã nằm lại trên núi rừng Tây Nguyên, ngay cửa ngõ Sài Gòn, dưới gốc thốt nốt nước bạn…”. Ông Hồng gấp lại cuốn nhật ký rồi ngước lên ngắm lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió. Hương bưởi, hương cam hòa quyện mùi hương các vị thuốc nam phơi nắng bên hiên nhà mà ông lang Hồng mát tay chữa bệnh giúp người khiến tôi càng thấy lâng lâng… 

Lê Phiên

Các tin khác

Học thành thạo thêm một ngoại ngữ mới là lợi thế quan trọng trong cuộc sống hiện đại, do đó nhiều người mong muốn được học và biết thêm ngoại ngữ mới nổi bật như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật bởi lợi thế mang lại đáp ứng việc học tập, giao tiếp, cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong tương lai.

Hơn 2 tháng huấn luyện, các chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2025 đã quen với các thao tác, kỹ thuật bắn súng AK

Hơn hai tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 192, Sư đoàn 355 đã trở thành một dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời những chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2025. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, các chiến sĩ đã trải qua một hành trình rèn luyện đầy gian nan, không chỉ để thay đổi về thể chất và kỷ luật mà còn để hun đúc ý chí, tinh thần đồng đội và trách nhiệm thiêng liêng của người lính bảo vệ non sông gấm vóc.

Đại tá Đỗ Trung Hưng - Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng phát biểu trong lễ khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa

Nhân kỷ niệm 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Công ty TNHH Một thành viên cơ khí 83 đã phối hợp với Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn đã tiến hành tổ chức khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho 2 gia đình thân nhân, người trực tiếp thờ cúng liệt sỹ là gia đình ông Triệu Tài Khoa, xã Minh An và ông Đoàn Văn Tam, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.

Huyện đoàn Yên Bình phát động Chương trình “Màu cờ tôi yêu”.

Cả nước đang sống trong không khí hào hùng, tự hào của dân tộc những ngày tháng Tư lịch sử với mốc son chói lọi kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những hoạt động tưng bừng diễn ra khắp nơi, từ những buổi lễ trang trọng đến những phút giây giao lưu ấm áp giữa các thế hệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục