Những con số "biết nói"
Năm 2024 có thể xem là một năm đầy nỗ lực của Yên Bái trong giải quyết việc làm. Vượt qua kế hoạch đề ra tới 14,9%, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 22.970 lao động, tăng nhẹ 0,43% so với năm 2023. Con số này không chỉ thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà còn phản ánh hiệu quả của các chính sách, giải pháp được triển khai.
Đà tích cực này tiếp tục được duy trì trong quý I/2025, với 5.111 người lao động có việc làm mới, đạt 25,6% kế hoạch năm, một khởi đầu vững chắc cho mục tiêu cả năm. Phân tích sâu hơn cho thấy, kết quả này đến từ sự đa dạng hóa các kênh tạo việc làm. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương vẫn là trụ cột chính, tạo ra gần một nửa số việc làm trong quý I/2025 (2.442 việc làm), minh chứng cho sức sống của khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã và các dự án đầu tư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ 541 người tự tạo việc làm trong quý đầu năm. Kênh cung ứng lao động đi làm việc tại các tỉnh ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu của gần 2.000 lao động trong quý I/2025, chủ yếu tới các khu công nghiệp lớn ở các tỉnh lân cận.
Xuất khẩu lao động - hướng đi đột phá
Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất trong bức tranh việc làm của Yên Bái thời gian qua chính là sự bứt phá mạnh mẽ của công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Xác định đây là hướng đi chiến lược, tỉnh đã có những bước đi bài bản và quyết liệt. Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/2024/NQ-HĐND với các chính sách hỗ trợ tài chính mạnh mẽ, vượt trội và UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Đưa lao động tỉnh Yên Bái đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2024 - 2030" (Quyết định 1557/QĐ-UBND) đã tạo ra một "cú huých" thực sự.
Lần đầu tiên có một đề án tổng thể, dài hạn với mục tiêu tham vọng đưa 10.000 người đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2030 (trung bình hơn 1.400 người/năm), cao gấp 3 lần giai đoạn trước, Yên Bái cho thấy quyết tâm rất lớn. Các chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, ăn ở, đi lại, làm thủ tục và vay vốn ưu đãi lên đến 100 triệu đồng đã thực sự tiếp thêm động lực cho người lao động.
Kết quả là minh chứng rõ nét nhất. Năm 2024, Yên Bái đã đưa được trên 900 lao động xuất ngoại, con số cao nhất trong 5 năm và vượt xa mục tiêu 600 người của Đề án. Quý I/2025, tiếp tục có 180 lao động xuất cảnh, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước. Một trong những địa phương trở thành điểm sáng, tiêu biểu là thị xã Nghĩa Lộ.
Ông Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát nguồn lao động và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp uy tín. Kết quả năm 2024, toàn thị xã đưa được 150 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 27,5% kế hoạch tỉnh giao, là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân".
Tương tự, tại huyện Văn Yên, công tác này cũng được triển khai tích cực. Ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Văn Yên có nguồn lao động dồi dào. Chúng tôi xác định việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là giải pháp hiệu quả để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Huyện đã tích cực thông tin chính sách, tổ chức tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tham gia".
Vượt qua thách thức
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, công tác giải quyết việc làm tại Yên Bái vẫn còn đối mặt không ít khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực tuy được cải thiện nhưng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chính quy (đạt 38,4% năm 2024) còn thấp, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động chất lượng cao và các nhà đầu tư lớn.
Khả năng thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao để tạo nhiều việc làm tại chỗ còn hạn chế do yếu tố địa hình, hạ tầng. Điều này dẫn đến tỷ lệ lao động phải tìm kiếm việc làm bên ngoài tỉnh (bao gồm cả XKLĐ) còn khá cao, chiếm trên 41% tổng số việc làm tạo mới trong quý I/2025, phản ánh sức hấp thụ lao động tại chỗ cần được cải thiện. Áp lực từ lực lượng lao động trẻ gia nhập thị trường hàng năm và lao động nông thôn cần chuyển đổi nghề nghiệp vẫn rất lớn. Việc thiếu dữ liệu cập nhật về tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm cũng là một hạn chế.
Trước thực trạng đó, tỉnh Yên Bái đã có các giải pháp trọng tâm cho thời gian tới. Trong đó, tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh XKLĐ có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường liên kết "3 nhà" (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) trong đào tạo nghề, đầu tư cho Trường Cao đẳng nghề Yên Bái; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút các dự án lớn, công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế tập thể phát triển, khai thác tiềm năng nông nghiệp, du lịch để tạo việc làm tại chỗ; thực hiện tốt các chính sách an sinh, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Hùng Cường