Quyết tâm nâng tầm nguồn nhân lực
Nhận thức sâu sắc vai trò "đi trước mở đường" của nguồn nhân lực, Yên Bái đã xây dựng một khung chính sách ĐTN đồng bộ và quyết liệt. Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 đã xác định đây là một trong những đột phá chiến lược. Cụ thể hóa bằng các nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND tỉnh như Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) quốc gia, cùng hàng loạt quyết định về chính sách hỗ trợ, danh mục nghề đào tạo, Yên Bái thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao độ trong đầu tư cho "tài sản" con người.
Quyết tâm đó đã nhanh chóng được chuyển hóa thành những kết quả ấn tượng trên thực tế. Công tác tuyển sinh ĐTN liên tục vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2023, toàn tỉnh tuyển sinh 20.532 người, đạt 114,1% kế hoạch. Con số này tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2024 lên 20.716 người, đạt 115,1% kế hoạch. Chỉ trong quý I/2025, đã có 3.503 người tham gia học nghề.
Quan trọng hơn, chất lượng nguồn nhân lực có sự chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đều, đạt 67,7% năm 2023 và 69,1% năm 2024, vượt mục tiêu đề ra cho năm. Tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ cũng tăng từ 36,7% năm 2023 lên 38,4% năm 2024. Hiệu quả đầu tư cho ĐTN được minh chứng rõ nét qua tỷ lệ giải quyết việc làm (GQVL).
Năm 2023, Yên Bái GQVL cho 22.872 lao động (117,3% kế hoạch) và năm 2024 là 22.970 lao động. Đặc biệt, khảo sát năm 2024 cho thấy, trên 85% học viên tốt nghiệp có việc làm ổn định trong vòng 12 tháng, một bước nhảy vọt so với 67% năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo đạt tới 70%.
Đây là bằng chứng thép cho thấy chất lượng đào tạo đang đi đúng hướng, bám sát nhu cầu thị trường. ĐTN cũng đóng góp trực tiếp vào mục tiêu chiến lược chuyển dịch cơ cấu lao động. Năm 2024, có 8.206 lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp, đạt 117,2% kế hoạch năm. Tính từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến giữa năm 2024, con số này là 19.520 người, đạt 96% kế hoạch cả giai đoạn. Các ngành công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ đang trở thành "miền đất hứa" thu hút lao động.
Định hướng sát sườn, chăm lo đối tượng đặc thù
Chiến lược ĐTN của Yên Bái không chỉ tập trung vào số lượng mà còn chú trọng cơ cấu ngành nghề, bám sát định hướng phát triển của tỉnh. Ưu tiên hàng đầu là các nghề phi nông nghiệp (mục tiêu trên 50% lao động đào tạo), phục vụ công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp FDI, nhất là ngành may. Song song đó, ĐTN nông nghiệp được hiện đại hóa, hướng tới công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, thậm chí đào tạo cả kỹ năng bán hàng online và "Giám đốc Hợp tác xã".
Điểm nhấn quan trọng là sự quan tâm đặc biệt đến các nhóm yếu thế. Lao động nông thôn (LĐNT) được ưu tiên đào tạo, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Giai đoạn 2019-2024, ghi nhận những con số ấn tượng: hơn 81.500 người DTTS được ĐTN (chiếm 42,3% tổng số), gần 68.000 người được GQVL (62%) và hơn 26.100 lao động DTTS chuyển dịch sang phi nông nghiệp (74,7%).
Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn, tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ĐTN cho LĐNT; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí và vận động các đoàn viên, hội viên của mình tham gia học nghề. Huyện đã tích cực triển khai nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, LĐNT không có điều kiện kinh tế được hỗ trợ kinh phí học tập, ăn ở, đi lại để tham gia các lớp học nghề theo nhu cầu và được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, du lịch”.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng tăng cường liên kết nhà trường - doanh nghiệp. Các ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên. Mô hình đào tạo theo đặt hàng, doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, tiếp nhận thực tập sinh, thậm chí trực tiếp đào tạo như các công ty may: FDI Unico Global, Vina KNF, Daeseung… đang phát huy hiệu quả. Cùng với đó, hợp tác liên tỉnh như với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng được mở rộng.
Những thách thức cần vượt qua
Dù đạt nhiều kết quả, công tác ĐTN Yên Bái vẫn đối mặt không ít thách thức. Tâm lý xã hội coi trọng bằng cấp đại học hơn học nghề vẫn là rào cản. Mô hình "9+” còn vướng mắc về thời gian đào tạo; thị trường lao động địa phương còn hạn chế về số lượng và quy mô doanh nghiệp, mức lương chưa đủ hấp dẫn; chất lượng đào tạo, đặc biệt ở các ngành kỹ thuật cao và tiến độ chuyển đổi số trong GDNN cần tiếp tục được đẩy mạnh…
Để tiếp tục hành trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Yên Bái xác định các định hướng trọng tâm: kiên trì thực hiện mục tiêu đã đề ra; đột phá trong truyền thông, hướng nghiệp để thay đổi nhận thức xã hội; quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đạt chuẩn chất lượng cao; thực chất hóa liên kết doanh nghiệp; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật chương trình, chú trọng kỹ năng mềm và ngoại ngữ; đảm bảo thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người học…
Yên Bái phấn đấu hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
70,2%, trong đó có 40,1% sở hữu văn bằng, chứng chỉ; tuyển sinh bình quân
18.000 người/năm; trên 80% người học tốt nghiệp có việc làm phù hợp (trên 90% với
ngành nghề trọng điểm); chuyển dịch 7.000 lao động nông nghiệp sang phi nông
nghiệp mỗi năm và đưa 1.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh đặt
mục tiêu xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thành trường chất lượng cao. |
Hùng Cường