Ngã ngửa với ''sữa cỏ'': Quảng cáo rất bốc, chất lượng tù mù

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2025 | 2:10:41 PM

Bằng những lời quảng cáo “nổ” về công dụng thần thánh như giúp trẻ tăng cân thần tốc, phát triển chiều cao sau 3-6 tháng… ma trận “sữa cỏ” đang âm thầm bủa vây người tiêu dùng Việt. Các loại sữa này thâm nhập sâu vào hệ thống đại lý và phủ khắp các kênh bán hàng online khiến người tiêu dùng rối bời.

Người tiêu dùng lạc lối giữa các loại sữa quảng cáo có nguyên liệu nhập khẩu, nhưng ít thương hiệu và giá rẻ trên thị trường.
Người tiêu dùng lạc lối giữa các loại sữa quảng cáo có nguyên liệu nhập khẩu, nhưng ít thương hiệu và giá rẻ trên thị trường.

"Nổ" công dụng thần thánh

Người tiêu dùng, đặc biệt là những bà mẹ có con nhỏ từ lâu đã truyền tai nhau cụm từ "sữa cỏ”. Đây không phải là tên gọi mang tính khoa học mà là một loại sữa được giới đại lý đặt cho những sản phẩm ít tên tuổi nhưng được bày bán nhan nhản trên thị trường. Nguyên liệu tạo nên "sữa cỏ” được quảng cáo nhập khẩu từ nước ngoài, sau đó đơn vị nhập về sẽ tự gia công, đóng hộp.

Trong vai người đi mua sữa, PV Tiền Phong ghi nhận một số cửa hàng xung quanh Bệnh viện Nhi Trung ương, tại đây rất nhiều loại sữa với các tên gọi lạ hoắc nhưng quảng cáo đầy thu hút như "sản xuất theo công nghệ, tiêu chuẩn châu Âu”, "nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu”, "số 1 dây chuyền Nhật Bản”... được bán công khai.

Chẳng hạn, sản phẩm Origold với giá hơn 300.000 đồng được quảng cáo giúp tăng chiều cao, có nguyên liệu sữa bột nhập khẩu từ New Zealand; Wellforce Milk giá 365.000 đồng/hộp 800g có nguyên liệu sữa non nhập khẩu từ Mỹ; Grow Plus của Sure Milk hay Procare Colos tăng cân, tăng đề kháng nhập khẩu nguyên liệu Mỹ…

Chị L.D., một nhân viên bán hàng đại lý sữa (ở đường La Thành, Hà Nội) tiết lộ: "Sữa cỏ” thường thu hút người tiêu dùng bởi có giá rẻ hơn đáng kể so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Loại sản phẩm này thường được bày bán trên các kệ hàng tạp hóa, hiệu thuốc chỉ sau 2 tuần xin giấy phép chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Xét về thành phần, nguồn gốc, bột sữa của "sữa cỏ" được nhập khẩu không rõ nguồn gốc, chất lượng chưa qua kiểm định, thông tin về nhãn mác hay thương hiệu gần như không có hoặc rất khó để tìm thấy trên thị trường.

Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường các loại "sữa cỏ” về dinh dưỡng, tăng cân, tăng chiều cao cho trẻ em hiện là nhóm phổ biến nhất. Các sản phẩm này thường được quảng cáo có chứa nhiều DHA, canxi, vitamin... hay "nổ" công dụng thần kỳ như tăng chiều cao vượt trội, tăng cân nhanh chóng, bổ não... mà không dựa trên bằng chứng khoa học.

Thậm chí, hiện không ít loại "sữa cỏ” dành cho người già, người cao tuổi về xương khớp, đái tháo đường, tim mạch… nhưng không hề có đơn vị chức năng kiểm chứng khiến người mua ngập trong hỗn độn sản phẩm. Chẳng hạn, sữa dinh dưỡng Chitose dành cho người cao tuổi từ Nhật Bản, Sure Asia Gold quảng cáo giúp phục hồi suy nhược, hay Neslac, Pixilac, Optimilk canxi Nano Care "nổ” giúp hỗ trợ loãng xương, thoái hóa đốt sống, tê mỏi các chi, đi lại khó khăn…

Mua "sữa cỏ" dễ hơn mua rau

Trên các trang mạng xã hội và các kênh bán hàng online, "sữa cỏ” còn "làm mưa làm gió", phủ khắp các kênh và hầu như lấn át cả các thương hiệu có tiếng.

Chỉ cần gõ cụm từ "sữa công thức cho bé” trên thanh công cụ tìm kiếm hoặc mạng xã hội, hàng loạt loại sữa dành cho trẻ em với giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng lập tức xuất hiện. Đa phần các sản phẩm với nhãn dán được thiết kế bắt mắt đủ sắc màu và được các nhãn hàng quảng cáo rất "bốc” như: Miễn dịch khoẻ - bé tăng cân, ngủ ngon mau lớn, tăng cường trí tuệ, phát triển chiều cao; tăng 3-5 cm sau 3-6 tháng…


Trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, những hình ảnh, clip ghi lại lời các bác sĩ, chuyên gia tư vấn về dinh dưỡng các loại "sữa cỏ” này với những mỹ từ để thu hút khách hàng. Các sản phẩm này đều được đặt nhưng cái tên rất lạ, ghi nguồn gốc không rõ ràng trên bao bì và được người nổi tiếng, giới TikToker đứng ra quảng cáo, vậy nên người mua chỉ cần bấm nút xác nhận là sẽ có đơn hàng giao ngay.

Điển hình, sữa bổ sung canxi Colosmil, sữa xương khớp Galaxy, Pixilac xương khớp, sữa Goldlay Sure Gold, Galaxy xương khớp… có trọng lượng 900g mà chỉ có giá từ 150.000 - 190.000 đồng/hộp.

Chị Phạm Thị Huế (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, lúc mới lên mạng tìm mua sữa cho con rất hoang mang vì quá nhiều loại, giấy kiểm định thì lại na ná nhau.

"Các sản phẩm giá nào cũng có nên mình không phân biệt được thật giả, càng không biết chất lượng có như cam kết không. Lên mạng tìm hỏi thì hóa ra hàng chục nghìn người thường xuyên hỏi, thắc mắc như mình”, chị Huế nói và cho rằng thị trường sữa cho trẻ hiện không khác gì một mớ bòng bong, người tiêu dùng hầu như dựa vào may rủi để mua sản phẩm, chứ không thể biết được chất lượng ra sao.

Trên mạng xã hội Facebook, người tiêu dùng còn lập nhiều hội nhóm, trong đó có "Hội anti sữa cỏ - check sữa cỏ” với hàng chục nghìn thành viên tham gia. Những bài đăng trong nhóm này đa phần đều hỏi về sản phẩm sữa con mình dùng có thuộc nhóm "sữa cỏ”, cho thấy người tiêu dùng thực sự như đứng giữa "ma trận”.

Bác sĩ nói gì?

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam - cho rằng, "sữa cỏ "có thành phần chủ yếu là đường và chất béo, đánh trúng tâm lý muốn trẻ tăng cân nhanh. Đây đa phần là những loại sữa được gia công từ nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, sữa bột nguyên liệu có nhiều phẩm cấp, chất lượng khác nhau. Có những loại chất lượng thấp, giá rất rẻ, đóng trong bao, được mua về rồi đóng hộp, dán nhãn với cái tên na ná, gần giống các loại sữa của các công ty nổi tiếng đã có thương hiệu trên thị trường.


Theo bác sĩ Sơn, các sản phẩm này thường tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng 6 tháng đến 1 năm trên thị trường, bởi sau khi người tiêu dùng nhận ra đây là sữa kém chất lượng thì cơ sở gia công lại thay đổi nhãn mác, tên gọi…

"Về mặt hàm lượng dinh dưỡng "sữa cỏ có thể không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp. Do đó, khi sử dụng loại sữa này, người già, trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng. Tại những cơ sở nhỏ lẻ rất khó để có một dây chuyền sản xuất, đóng gói theo quy trình khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, sữa rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn và nấm mốc khiến người sử dụng gặp các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí ngộ độc”, ông Sơn nói.

Để phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và "sữa cỏ”, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam lưu ý người tiêu dùng loại sữa này thường chỉ quảng cáo và bán trên mạng xã hội, hầu như không quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống và các nền tảng đáng tin cậy. Khi mua sữa, người tiêu dùng nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: Tên sản phẩm, tên và địa chỉ, các số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu và phân phối, hạn sử dụng, bảng thành phần dinh dưỡng. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

"Nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét hoặc có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp bị móp méo… thì tuyệt đối không nên mua”, bác sĩ Trương Hồng Sơn cho hay.


(Theo TPO)

Các tin khác
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn

Sau chuỗi ngày tất bật "chạy nước rút" phát phiếu lấy ý kiến đến từng gia đình về việc sáp nhập tỉnh, xã, tổ trưởng tổ dân phố Nguyễn Khắc Kháng trở lại xử lý công việc tại địa bàn dân cư.

Duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học và các bếp ăn tập thể là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn của người dân cũng ngày một tăng. Tuy nhiên, đi cùng với đó, nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những bữa ăn hàng ngày - nơi đáng lẽ phải mang lại sự an tâm và dinh dưỡng - lại ẩn chứa những nguy cơ khó lường từ thực phẩm bẩn, tồn dư hóa chất, chất cấm trong chế biến, bảo quản. Đặc biệt, tại địa phương miền núi như tỉnh Yên Bái, vấn đề này lại càng trở nên đáng quan tâm.

Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất khuyến khích hành khách sử dụng các giải pháp công nghệ để làm thủ tục trước khi lên máy bay nhằm giảm tải.

Miền Bắc, miền Trung hôm nay đón nắng nóng.

Hôm nay (5/5), miền Bắc bước vào đợt nắng nóng kéo dài nhưng không gay gắt. Khu vực miền Trung đón nắng nóng diện rộng, gay gắt. Tây Nguyên, Nam Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng, chiều tối có mưa dông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục