Năm 2024, Trung tâm Điều dưỡng tỉnh đã đón và điều dưỡng 427/512 người, trong đó có 312/373 NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, đạt 84%; có 115/139 đại biểu cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý, đạt 83%. Đến Trung tâm những ngày tháng Năm lịch sử này, không khí mát mẻ và trong lành, khuôn viên xanh mát, từng tốp những NCC ngồi chơi cờ, trò chuyện về gia đình, con cái, ôn lại kỷ niệm chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm Điều dưỡng tỉnh đã đón và điều dưỡng 3 đợt với 136 đối tượng, trong đó có 62 NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; 74 cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý ; 100% phiếu đánh giá chất lượng điều dưỡng mức độ đạt.
Ông Nguyễn Minh Tâm ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình bị nhiễm chất độc da cam chia sẻ: "Trung tâm thực sự là ngôi nhà thứ hai với không khí vui vẻ, đầm ấm, chúng tôi được chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ. Ở đây vui lắm, được gặp bạn bè cũ, đồng đội cũ… Đặc biệt, không khí rất trong lành, thoáng đãng nên sức khỏe cũng tốt lên”.
Cùng cảm nhận, ông Nông Ngọc Hoan ở xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình là bệnh binh 1/3 cho hay: "Khi mới đến Trung tâm, tôi đã cảm nhận được sự thân thiện của các cán bộ. Khuôn viên, trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ đã tạo cho tôi cảm giác thoải mái. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn!”.
Trung tâm Điều dưỡng tỉnh hiện có 5 tòa nhà, gồm tòa nhà đa năng có đầy đủ thiết bị thể thao, giải trí; 3 tòa nhà nghỉ điều dưỡng với 66 giường, trang bị đầy đủ tiện nghi như máy điều hòa, bình nóng lạnh, ti vi... và khu nhà bếp được thiết kế theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng chí Lục Thị Vinh - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Các hoạt động chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho NCC luôn được đặt lên hàng đầu và được xây dựng, sắp xếp khoa học, hợp lý như: thăm khám sức khỏe ban đầu, đi tham quan danh lam thắng cảnh và khu di tích lịch sử trong tỉnh, ngoài tỉnh; giao lưu văn nghệ với Câu lạc bộ Nghệ thuật Tâm Đức tỉnh Yên Bái. Trung tâm còn tổ chức các hoạt động thể thao, vật lý trị liệu như xông hơi khô, xông hơi ướt, tắm nước lá thơm, ngâm chân thảo dược, nằm đèn hồng ngoại, massage... Cùng với đó, công tác cấp dưỡng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực đơn hợp lý, có chế độ ăn kiêng phù hợp với từng đại biểu. Đặc biệt, đơn vị chú trọng quán triệt thái độ, tinh thần phục vụ của các cán bộ phải nhiệt tình, chu đáo, tận tình, lễ phép… đã để lại ấn tượng tốt đẹp với các đại biểu”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc NCC ở Trung tâm còn một số hạn chế, ảnh hưởng đến công tác điều dưỡng như: cán bộ, viên chức, người lao động chưa có nhiều kinh nghiệm; nhân lực mỏng nên sắp xếp, bố trí việc làm khó khăn; kinh phí hoạt động hạn chế; tâm lý một số đại biểu NCC không muốn đi điều dưỡng tập trung tại một địa điểm nhiều lần; hạn chế về công tác tuyên truyền nên nhiều đại biểu NCC chưa nhận thức được lợi ích từ việc điều dưỡng tập trung…
Để công tác điều dưỡng NCC phát huy hiệu quả hơn nữa, đồng chí Lục Thị Vinh - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các đại biểu NCC; quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức; tiếp tục đào tạo cho cán bộ nâng cao trình độ, tập huấn về năng lực quản lý, kỹ năng chăm sóc, điều dưỡng. Đơn vị cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện để cán bộ có phụ cấp đặc thù của công việc”. Để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách chăm sóc, điều dưỡng NCC, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để NCC thụ hưởng chính sách một cách tốt nhất.
Trần Minh