Yên Bái chung tay bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/5/2025 | 8:57:32 AM

YênBái - Trước sự phát triển chóng mặt của kinh tế thị trường, kéo theo sự tăng trưởng lớn về số lượng của các nhà máy, công trình thủy điện, sự suy thoái rừng tự nhiên… khiến Yên Bái đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ về môi trường. Sự ô nhiễm nguồn nước và vấn đề rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp… đòi hỏi cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và bền vững của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội...

Người dân thành phố Yên Bái đổi rác thải lấy cây xanh hưởng ứng Phong trào “Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn”.
Người dân thành phố Yên Bái đổi rác thải lấy cây xanh hưởng ứng Phong trào “Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn”.


Không thể phủ nhận, những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của Yên Bái có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, đi kèm với đó là áp lực không nhỏ lên tài nguyên và môi trường. Trước tiên, phải nhắc đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Các con sông lớn như sông Hồng, sông Chảy chảy qua địa bàn tỉnh đang phải gánh chịu lượng lớn chất thải từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. 

Đặc biệt, hoạt động khai thác khoáng sản, chế biến nông; lâm sản ở một số địa phương vẫn còn tình trạng xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về tổng lượng chất thải xả ra sông, nhưng theo đánh giá sơ bộ từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, nhiều đoạn sông đã ghi nhận chỉ số BOD, COD vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh và sức khỏe cộng đồng. 

Bên cạnh đó, suy thoái rừng và mất đa dạng sinh học bắt nguồn từ nạn chặt phá rừng trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện… vẫn còn diễn ra ở một số nơi, dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn. 

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tỷ lệ che phủ rừng của Yên Bái vẫn duy trì ở mức cao (khoảng trên 65% tính đến hết quý I/2025), nhưng chất lượng rừng ở một số khu vực đã bị suy giảm, đặc biệt là rừng tự nhiên. Điều này không chỉ làm giảm khả năng phòng hộ mà còn đe dọa đến đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động thực vật quý hiếm. 

Mặt khác, vấn đề rác thải sinh hoạt và công nghiệp đang ngày càng trở nên cấp bách. Tại các khu đô thị, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu là chôn lấp lộ thiên, gây ô nhiễm đất, nước và không khí. 

Số liệu thống kê cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là khoảng hàng trăm tấn/ngày và việc xử lý hiệu quả toàn bộ số lượng này vẫn là một bài toán khó.

Cùng với đó, hoạt động công nghiệp, giao thông và xây dựng cũng góp phần vào ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các khu vực tập trung dân cư và nhà máy. Mặc dù mức độ ô nhiễm chưa nghiêm trọng như các đô thị lớn, nhưng bụi PM2.5 và các khí thải công nghiệp vẫn là mối lo ngại cần được kiểm soát chặt chẽ… 

Ông Trần Ngọc Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh chia sẻ: "Đứng trước những khó khăn trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp. Trước hết là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường bằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, Sở tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quy hoạch bảo vệ môi trường; việc thẩm định các dự án đầu tư phải đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, kiên quyết từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao”... 

Ngoài giải pháp trên, cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, cần ưu tiên nguồn lực để xây dựng và nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, khu dân cư đô thị. Đối với chất thải rắn, cần khuyến khích đầu tư công nghệ tái chế, tái sử dụng, hạn chế tối đa việc chôn lấp; nghiên cứu và áp dụng các mô hình xử lý rác thải nông thôn hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương. Cần định hướng phát triển các ngành kinh tế thân thiện với môi trường như: du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp bền vững… 

Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải và tận dụng tối đa các sản phẩm phụ; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại và tiếp tục thực hiện các chương trình trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng, người dân để nâng cao trách nhiệm và quyền lợi trong quản lý rừng; kiểm soát chặt chẽ nạn chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép… 

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và vai trò của cộng đồng bằng cách lồng ghép giáo dục môi trường vào chương trình học ở các cấp, các ngành, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân; khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như: phân loại rác tại nguồn; tiết kiệm năng lượng; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… nhằm xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả…

Có thể thấy, việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Với những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Yên Bái có thể trở thành một hình mẫu về phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm và những hành động cụ thể, thiết thực từ các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và mỗi người dân…

Thiên Cầm

Tags Yên Bái bảo vệ môi trường

Các tin khác
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra một bếp ăn trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Giữa trưa tháng Năm, nắng như trút lửa xuống mặt đường. Một cốc nước mía, nước sấu mát lạnh đôi khi là tất cả những gì người qua đường cần để xua tan cơn khát. Nhưng đằng sau cảm giác dịu mát tức thì ấy có thể là đá bào không rõ nguồn gốc, là nước chưa đun sôi, là chiếc cốc nhựa trầy xước rửa vội.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám và tư vấn cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Yên Bái đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể xây dựng mô hình, câu lạc bộ trẻ em nòng cốt để các em được lên tiếng thể hiện mong muốn, suy nghĩ của mình về các vấn đề của trẻ em. Hiện nay, toàn tỉnh có 30% số trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp; 85% số trẻ được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ...

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Yên Bái chuyển dịch được 39.289 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp

Trong 5 năm (từ 2021 – 2025), toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 110.339 lao động. Trong đó: Từ chương trình phát triển kinh tế xã hội 56.393 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 11.907 người, xuất khẩu lao động 2.886 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài 39.153 người.

Mô hình nuôi tằm con của hội viên Lê Thanh Thủy ở thôn Đình Xây cho thu nhập cao.

Những ngày này, tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi, lan tỏa khắp các thôn, xóm. Từ những cánh đồng dâu xanh mướt đến các mô hình chăn nuôi, sản xuất quy mô bài bản, đâu đâu cũng thấy dấu ấn của Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục