Điều còn lại sau một hội thi
- Cập nhật: Thứ năm, 15/11/2007 | 12:00:00 AM
YBĐT - Màn chào hỏi với tiểu phẩm “ Chuyện hôm qua “ của Chi nhánh Điện Văn Yên (Yên Bái) trong Hội thi Văn hoá doanh nghiệp Điện lực Yên Bái bị ngắt quãng nhiều lần bởi những tràng pháo tay, tiếng hò reo tán thưởng của khán giả.
Trao giải cho các đơn vị dự thi.
|
Lấy cốt chuyện từ một việc có thật đã xảy ra ở Chi nhánh điện Văn Yên: một lần, tổ quản lý vận hành đi phát chặt hành lang tuyến 35 KV, gặp một gia đình có cây nhãn quý nhưng vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Gia đình có cây nhãn là người dân tộc Dao ở xã Quang Minh. Họ không cho phát chặt vì tiếc cây nhãn đã có gần một trăm năm tuổi hàng năm cho thu hoạch khá cao và lời qua tiếng lại đã đưa mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm.
Nhưng khi được anh em công nhân giải thích vể việc đảm bảo an toàn cho hành lang lưới điện cao áp, cái lợi của việc đảm bảo an toàn cho việc cung ứng điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, việc chấp hành chủ trương pháp luật của Nhà nước thì đã họ hiểu ra và tạo điều kiện giúp đỡ cho anh em công nhân hoàn thành nhiệm vụ.
Thấy tôi chăm chú theo dõi tiểu phẩm, anh Nguyễn Hải Tình - Trưởng chi nhánh Điện Văn Yên nói: “Cây nhà lá vườn đấy anh ạ , từ cốt chuyện thực tế mà anh em từ nghĩ ra nội dung một tiểu phẩm , mỗi người tham gia , góp ý một tý thế là thành. Anh Đỗ Tiến Trọng, Chủ tịch công đoàn viết kịch bản rồi làm đạo diễn luôn! Đây cũng là thành công công tác dân vận của chúng tôi đấy!".
Tiểu phẩm muốn nhắn gửi tới mọi người thông điệp: "Mọi việc đều có thể thành công nếu chúng ta biết dựa vào dân, nếu biết lấy dân làm gốc thì hiệu quả mang lại vô cùng lớn, không có gì mà không làm được. Bài học dựa vào dân vẫn luôn mới trong mọi hoàn cảnh".
Khác với đoàn Chi nhánh Văn Yên, đội thi của Phân xưởng thí nghiệm và sửa chữa xây lắp điện lại có tiểu phẩm: “Chuyện bây giờ mới kể", khai thác đề tài văn hoá an toàn trong hoạt động điện lực. Câu chuyện xoay quanh một vụ tai nạn điện xảy do vi phạm chế độ phiếu công tác, không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn.
Nhưng trong cái rủi lại có cái may là nhờ được huấn luyện an toàn hàng năm nên nhóm công tác đã biết phương pháp cấp cứu người bị điện giật, đã cứu sống được người bị nạn khỏi lưỡi hái tử thần. Tiểu phẩm gây ấn tượng và để lại bài học sâu sắc cho người xem về công tác đảm bảo an tàn trong sản xuất kinh doanh. Văn hoá an toàn trong văn hoá doanh nghiệp đó là tiền đề để thúc đẩy phát triển sản xuất. Sản xuất phải luôn đi đôi với đảm bảo an toàn.
Chủ đề văn hoá doanh nghiệp được các đội khai thác triệt để ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rất phong phú và đa dạng, gây nhiều ấn tượng cho người xem. Đội thi của Chi nhánh Yên Bình mang đến hội thi tiểu phẩm: “Chuyện sau một cuộc thi".
Câu chuyện xoay quanh một ca trực vận hành có một khách hàng đến báo sửa chữa mất điện nhưng công nhân trực ca đã không đi sửa chữa ngay mà còn có lời lẽ thiếu văn hoá gây phản cảm, không tôn trọng khách hàng. Điều đáng nói là khách hàng hôm ấy là một cán bộ thanh tra của Sở Công nghiệp. Sự việc xảy ra là bài học đối với tất cả mọi người, ca trực hôm ấy đã phải nghiêm khắc kiểm điểm, phê bình về thái độ tiếp xúc với khách hàng.
Sau lần ấy có cuộc thi "Văn hoá doanh nghiệp" được tổ chức thì hình như đã có một sự thay đổi lớn trong lề lối làm việc, tác phong thái độ tiếp xúc với khách hàng biểu hiện ở lần gặp lại lần sau của vẫn ông khách hàng ấy.
Cũng vẫn với những nội dung quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, tưởng như rất nhàm chán, lối mòn cũ là nhắc nhở mọi người hãy sống có văn hoá, cư xử với nhau chân tình, tôn trọng khách hàng chính là tôn trọng chính mình bởi khách hàng luôn là người đúng, cần được tôn trọng nhưng qua diễn xuất bằng ngôn ngữ sân khấu lại được khán giả cổ vũ nhiệt thành.
Đội dự thi của Chi nhánh điện Nghĩa Lộ lại khai thác một đề tài văn hoá mang đậm chất văn hoá vùng cao Tây Bắc của dân tộc Thái ở Mường Lò. Tiểu phẩm mang tên “Cùng đến", đã đưa người xem đến với một ca trực vận hành đi sửa chữa điện cho một gia đình người Thái ở bản Tông Co. Thái độ chân tình cởi mở khi tiếp xúc với bà con dân tộc, tư vấn giúp dân đảm bảo an toàn sử dụng điện đã để lại ấn tượng tốt cho người dân vùng cao Nghĩa Lộ.
Nội dung tiểu phẩm muốn gửi đến người xem những nét văn hoá của người thợ điện vùng cao, những thành tựu phát triển điện lực ở ba huyện phía Tây tỉnh Yên Bái do Chi nhánh quản lý, sự cần thiết phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong ngành điện để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Hầu hết các tiểu phẩm tham gia dự hội thi "Văn hoá doanh nghiệp" lần này, các đội lần này đều lấy từ những câu chuyện có thật đã xảy ra. Thông qua hình thức sân khấu hoá , từ ngôn ngữ đời thường đã được chuyển thể sang sân khấu làm cho người xem thấy rất gần gũi với thực tế.
Điều rất bất ngờ là những người thợ điện chỉ quen vận hành đường dây, thu ngân, kiểm định công tơ… mà lại có thể sáng tạo ra những màn chào hỏi gây ấn tượng mạnh, có tính giáo dục cao đến như thế. Các anh, các chị vào vai diễn rất tự nhiên như công việc của mình hàng ngày, làm người xem như thấy mình cũng có trong câu chuyện đó.
Đạo cụ, trang phục và trang trí sân khấu đều do các đơn vị tự làm lấy nhưng chẳng kém phần chuyên nghiệp chút nào cả. Vượt lên khỏi khuôn khổ của một hoạt động văn hoá, ý nghĩa lớn nhất của cuộc thi lần này là: tạo dựng được một sân chơi văn hoá cho người lao động, từng bước đưa văn hoá vào sản xuất kinh doanh và bước đầu văn hoá kinh doanh đã manh nha trong hoạt động điện lực.
Nguyễn Trung Cao
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã tăng cường thông tin tuyên truyền về 4 biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế để người dân nhận thức và tự giác chấp hành việc cấm sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ cao.
YBĐT - Do địa bàn rộng, đường sá đi lại giữa các thôn bản còn khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng không mấy thuận lợi.
YBĐT - Ngày 13/11, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã tổng kết phong trào thi đua yêu nước của đồng bào công giáo 5 năm (2002- 2007).
YBĐT - Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Lục Yên đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, phát triển mô hình trang trại của đồng bào dân tộc thiểu số, đem lại hiệu quả thiết thực, cải thiện đời sống cho gia đình hội viên.