Truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Ngọc

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Được biết, cụ cố Nguyễn Ngọc Xuân thân sinh ra cụ Nguyễn Ngọc Lịch, thời Pháp thuộc cụ đỗ hương cống được bổ làm tổng sư. Cụ văn hay, chữ tốt và giỏi cả về triết học, toán học. Phải sống trong cảnh mất nước nên cụ cố Xuân sớm giác ngộ cách mạng.

Một hôm cụ nghe bà hàng xóm ru con: "À ơi, việc của quan Tây như lửa đốt đầu...". Cụ chau mày nói với học trò: "Nó cướp nước, bóc lột mình làm cho dân mình đói khổ, còn gọi nó là ông quan!".

"Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh", cụ Nguyễn Ngọc Lịch 82 tuổi ở tổ 35, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái tuy là thương binh chuyển ngành, nhưng suốt 26 năm làm công tác "trồng người" thì 21 năm cụ làm hiệu trưởng, hiệu phó các trường cấp 1, 2 Hạ Hòa (Phú Thọ) và Yên Bái. Trai, gái, dâu rể của cụ đều học giỏi, có bằng học vị cao. Con cả đại học quân sự, là trung tá ở sân bay Yên Bái; con thứ hai cử nhân, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dầu khí, anh thứ ba kỹ sư cơ khí, anh thứ tư cao đẳng công binh tại Quân khu 2. Ba người con gái cũng là cử nhân, còn đều là trung cấp và đều làm công tác Nhà nước.

Năm cháu nội của cụ cũng đều là đại học và cao đẳng, đặc biệt cháu Nguyễn Ngọc Hà kỹ sư dầu khí du học ở Nga 6 năm, nay lại tốt nghiệp đại học Địa chất Hà Nội. Bốn cháu ngoại cũng học giỏi, cháu Đức đang học trường THPT Nguyễn Huệ, là học sinh giỏi 11 năm liền; cháu Nhung, cháu Oanh cũng là học sinh giỏi và khá. Đặc biệt là cháu Bùi Việt Thắng 12  năm phổ thông thì cả 12 năm là học sinh giỏi và 4 năm đại học ngoại ngữ (tiếng Nhật) cháu đã được kết nạp Đảng ở năm thứ 3 tại trường. Do học giỏi nên cháu được nhà trường giữ lại để làm giáo viên.

Sung sướng nào bằng, trong 2 ngày 28 và 29 tháng 6 năm 2007 vừa qua cụ Nguyễn Ngọc Lịch đã được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mời đại diện cho dòng họ Nguyễn Ngọc dự lễ trao bằng cử nhân cho cháu nội Quỳnh Nga và ngay hôm sau cụ lại được Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội mời dự lễ trao bằng cử nhân (loại giỏi) cho cháu ngoại Bùi Đình Thắng (nay cháu Thắng được ở lại trường làm giáo viên). Cả 2 ngày này, cụ Lịch được mời phát biểu cảm tưởng cho cả dòng họ Nguyễn Ngọc (trong ảnh).

 5 anh em của cụ Lịch cũng là những người học giỏi, ông Nguyễn Ngọc Tặng đỗ cử nhân Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (khóa đầu tiên); 5 người con của ông Tặng cũng là cử nhân, trong đó có 2 thạc sĩ, đặc biệt, cháu Mỹ Anh tốt nghiệp Đại học Pháp văn Trường Đại học Pari Pháp. Bà Vân em gái cụ Lịch là cử nhân, nay là Hiệu phó Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Du, thành phố Yên Bái. Tiêu biểu là cháu Vân con bà Chang, Đại học Tài chính, công tác ở Hải quan được cử sang học cao học tại nước Anh, nay đỗ thạc sĩ đã về nước và công tác ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ngồi với cụ Lịch, tôi hỏi: "Cụ có phương pháp giáo dục thế nào mà cả con cháu, chắt nội ngoại dòng họ Nguyễn Ngọc đều học giỏi?". Cụ cười: "Tôi cho là "dao sắc vẫn gọt được chuôi" nếu biết kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đời bố tôi là tổng sư, đến đời tôi cũng là thầy giáo, tôi quyết không để "con nhà giáo vừa láo vừa dốt". Phương pháp của tôi là tập trung bồi dưỡng cho cháu đầu, đầu mà xuôi thì đuôi lọt, thế là anh em chúng khắc tự giác trông nhau mà học, xong bố mẹ phải rất gương mẫu, nghiêm khắc, giờ nào việc ấy, giờ các cháu học là không mở đài, ti vi, không sai vặt lúc các cháu đang học, hạn chế bạn bè đến chơi vào giờ học. Phải kiểm soát chặt giờ học và bài học. Học hết bài mới được đi ngủ, mới được đi chơi. Thời gian ở nhà cũng phải có thời khóa biểu. Hàng tuần kể chuyện gương hiếu học của ông cha xưa đã vượt đói nghèo để học như thế nào? Từ đó, chúng tự thấy cái cảnh nghèo của gia đình để không đua đòi".

 Để chén nước xuống bàn, cụ nói tiếp: "Cái thời bao cấp khó khăn lắm, nuôi 1 cháu ăn học 12 năm trời khá lao đao, nên phải bắt chúng viết cam kết không để đúp. Và gia đình cũng thường xuyên liên hệ với nhà trường để nắm kịp thời tình hình học tập của con cháu mình". Vừa trò chuyện, cụ đưa tôi xem những tấm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, cao đẳng. Tôi vui lây bảo: "Những thứ này là báu vật còn quý hơn vàng" và tôi nghĩ còn một cái quý nữa của dòng họ Nguyễn Ngọc là không một ai sa ngã vào tệ nạn xã hội và chỉ riêng mấy chi của dòng họ Nguyễn Ngọc ở Yên Bái đã có 32 đảng viên, 3 cụ có trên 50 năm tuổi Đảng, 24 cử nhân, 3 thạc sĩ và 6 trung cấp, cao đẳng.

Là gia đình tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Ngọc, gia đình cụ Nguyễn Ngọc Lịch, ngoài 66 bằng, giấy khen các loại, gia đình cụ còn được Chính phủ tặng bằng Gia đình bảng vàng danh dự, huy hiệu Tổ quốc ghi ơn, huy hiệu Vì sự nghiệp giáo dục và 50 năm tuổi Đảng. Vừa qua dòng họ Nguyễn Ngọc "ngũ đại đồng đường" đã được tỉnh Yên Bái tặng thưởng bằng "Dòng họ hiếu học".

Thiết nghĩ, truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Ngọc thật đáng để cho xã hội học tập.

Trịnh Xuân Thận

Các tin khác
Trao giải cho các đơn vị dự thi.

YBĐT - Màn chào hỏi với tiểu phẩm “ Chuyện hôm qua “ của Chi nhánh Điện Văn Yên (Yên Bái) trong Hội thi Văn hoá doanh nghiệp Điện lực Yên Bái bị ngắt quãng nhiều lần bởi những tràng pháo tay, tiếng hò reo tán thưởng của khán giả.

YBĐT - Thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã tăng cường thông tin tuyên truyền về 4 biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế để người dân nhận thức và tự giác chấp hành việc cấm sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ cao.

Công an phụ trách xã cùng Ban công an xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải hội ý về công tác tuần tra.

YBĐT - Do địa bàn rộng, đường sá đi lại giữa các thôn bản còn khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng không mấy thuận lợi.

YBĐT - Ngày 13/11, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã tổng kết phong trào thi đua yêu nước của đồng bào công giáo 5 năm (2002- 2007).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục