Lắng đọng lòng người
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những câu chuyện ấy rất nhiều người vài ba lần đã nghe, đã đọc. Thậm chí có những chuyện hẳn rằng đã trở nên quen thuộc, nhưng rất đông khán giả có mặt tại buổi chung khảo Hội thi báo cáo viên "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở thị xã Nghĩa Lộ vẫn cứ háo hức như chờ đợi những điều gì, những câu chuyện còn mới lạ.
Các báo cáo viên ở thị xã Nghĩa Lộ tham gia chung khảo Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
|
Người ta háo hức và chờ đợi cũng là điều dễ hiểu, vì quen đấy mà lạ đấy bởi sự làm mới những câu chuyện đã quen của những người kể chuyện. Là người dân Yên Bái, không ít người đã biết về lần Bác Hồ lên thăm Yên Bái vào năm 1958, thế mà hôm nay vẫn cứ trào dâng xúc động cùng với niềm xúc động của cụ Nguyễn Thị Dư - nhận vật được gặp Bác Hồ năm đó qua lời kể chuyện của cô giáo Ngữ văn Đinh Thị Lan Anh ở Trường THPT Nghĩa Lộ. Cô gái trẻ nhất Hội thi này đã không tỏ ra non nớt trong giọng kể cũng như sự liên hệ với bản thân. Cách nói giản dị, mộc mạc, dễ hiểu đối với bà con dân tộc thiểu số của Bác trong lần lên thăm Yên Bái ấy đã cho cô giáo Ngữ văn bài học sâu sắc về cách tiếp cận, gần gũi với học sinh con em là người dân tộc thiểu số.
Câu chuyện nướng sắn lại cho người Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Phúc thấu hiểu sâu sắc sự gần gũi, giản dị với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân của vị lãnh tụ kính yêu. Đấy cũng là những đức tính cần có của một người bí thư chi bộ như chị Lường Thị Hồng Chung. Mang đến hội thi câu chuyện "Có ăn bớt phần của con không?", người kế toán Hà Thị Kim Khánh đến từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thị xã đã mang đến một thông điệp chống tham ô lãng phí-một vấn đề vẫn nóng bỏng trong đời sống xã hội hiện nay. Đó cũng là tinh thần mà chị thấm thía với vai trò của một kế toán.
Mỗi câu chuyện kể về Bác thật dung dị, gần gũi mà hàm chứa những bài học thật lớn lao sâu sắc đã được các thí sinh chuyển tải thật sự sinh động và lắng đọng. Những câu chuyện cứ kéo khán giả ở lại với Hội thi, những bài học thấm thía một cách nhẹ nhàng bởi cái giọng uyển chuyển của một giáo viên ngữ văn hay phong cách kể rắn rỏi của một cán bộ kinh tế, sự chân chất, tự nhiên của thí sinh người dân tộc Thái…Không thiếu lúc cả hội trường lắng đọng thực sự bởi xúc cảm của người kể chuyện. Thí sinh Lò Thị Tuyết Dung đến từ Phòng GD&ĐT thị xã đã xúc động thực sự cùng nhân vật chị Chín khi được Bác Hồ đến thăm.
Cô giáo dạy Toán Nguyễn Thu Hằng cũng không ngăn nổi giọt nước mắt khi diễn tả tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi và của các em thiếu nhi dành cho bác qua câu chuyện Bác Hồ đến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng…Khán giả đã dễ dàng nhận ra rằng, những câu chuyện về Bác mà thí sinh mang đến không phải để thi mà thực sự là tình cảm thiêng liêng dành cho vị cha già dân tộc. Không phải những tình cảm bấy lâu cất giữ trong lòng thì làm sao người kể chuyện khiến nhiều khán giả cũng chỉ trực rơi nước mắt. Thí sinh Điêu Thị Siêng - người phụ nữ dân tộc Thái hơn 50 tuổi đã chân thành bộc bạch: "Tôi đến với cuộc thi là muốn được thay mặt dân tộc Thái xã Nghĩa An nói riêng và cả xã Nghĩa An nói chung được nói lời biết ơn với Đảng và Bác Hồ kính yêu". Bản thân mỗi câu chuyện đã là một điều có ý nghĩa, thêm cái tình người kể chuyện sâu đậm đã mang lại cái hồn cho Hội thi, làm toả sáng tấm gương đạo đức cao đẹp của Hồ Chí Mình và thấm thía tới từng người dõi theo.
Để có một buổi chung kết lắng đọng lòng người, bốn tháng qua, 104 báo cáo viên toàn thị xã đã trải qua 12 hội thi cấp cơ sở ở 7 đơn vị xã, phường và 5 khối cơ quan đơn vị dưới sự chỉ đạo tập trung, sâu sát của Ban chỉ đạo cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của thị xã. Với việc tổ chức thi điểm ở khối văn hoá xã hội có sự tham dự rút kinh nghiệm của Ban tổ chức các hội thi cấp cơ sở là cách thức góp phần vào sự thành công của hội thi.
Sự xác định Hội thi là một nội dung quan trọng của cuộc vận động, có tác dụng hiệu quả tuyên truyền,giáo dục, cổ vũ, động viên lớn trong việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của ban tổ chức như Trưởng ban Tổ chức - Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ cũng là điều làm nên thành công. Hội thi đã thu hút sự tham gia của 100% các chi, Đảng bộ của thị xã cho đến cả người không phảI là đảng viên và mọi dân tộc mọi lứa tuổi. Không những thế, tại vòng chung khảo, không chỉ có các báo cáo viên tham dự mà khán giả còn được trực tiếp bình xét cho báo cáo viên mình yêu thích qua phiếu bình xét. Đây chính là minh chứng cho sự quan tâm của khán giả tới Hội thi.
Vinh dự, tự hào, xúc động khi giành giải nhất Hội thi, báo cáo viên Nguyễn Thị Kim Khánh bộc bạch rằng chị đến với hội thi trước hết là bằng tình cảm trong sáng với Bác. Giải thưởng vinh dự này sẽ là động lực cho chị phấn đấu, tu dưỡng theo tấm gương đạo đức của Người. Và chị còn "tiếp tục sưu tầm thêm những câu chuyện về Bác để có dịp kể cho mọi người cùng nghe". Hội thi báo cáo viên kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ đã khép lại, và mở ra con đường rèn luyện tu dưỡng theo tấm gương ngời sáng đạo đức của Bác. Nhưng không ai không nghĩ rằng mình vừa tham gia một cuộc sinh hoạt chính trị tư tưởng bởi giá trị, bài học lớn qua từng câu chuyện nhỏ cứ đi vào lòng người nhẹ nhàng và lắng đọng đến vậy.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Người già trong bản thường bảo: "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay"; thế mới biết, không nhìn thấy gì như mình khổ nhiều lắm. Nay lại được tỉnh cho mổ mắt không mất tiền như thế này thì cảm ơn tỉnh và Chính phủ nhiều lắm.
YBĐT - Xác định tạo việc làm là nhiệm vụ quan trọng nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị tại địa phương, thị xã Nghĩa Lộ đã cụ thể hóa chương trình lao động việc làm bằng các nghị quyết chuyên đề gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, được HĐND thị xã thông qua.
YBĐT - Trong những năm gần đây, cùng với việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, việc xây dựng và ký kết các hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, cụm dân cư đã góp phần không nhỏ trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng dân cư.
YBĐT - Thành lập tháng 11 năm 2005, Công đoàn xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có 25 đoàn viên. Đi vào hoạt động, Công đoàn xã đã xây dựng quy chế làm việc; quy chế phối hợp hoạt động giữa công đoàn với chính quyền, với các đoàn thể chính trị xã hội; xác định rõ công việc để chủ động trong công tác, tránh chồng chéo, lấn sân.