Yên Bái sau hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 17/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Qua hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, Yên Bái đã đạt những kết quả nhất định. Tổng số hộ nghèo giảm từ 54.140 hộ xuống còn 40.043 hộ, bình quân mỗi năm giảm trên 7.000 hộ.
Đồng bào các dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển chăn nuôi.
|
Mức huy động vốn trong hai năm đạt 781,7 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,71% năm 2005 xuống còn 24,16%; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tiếp tục được nâng lên một bước; cơ sở hạ tầng ở vùng cao, vùng sâu tiếp tục được cải thiện, tạo sự chuyển biến tích cực ở nông thôn miền núi.
Nhiều chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực đối với người nghèo. Trong đó, dự án dạy nghề cho người nghèo đựơc triển khai từ năm 2007, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã bố trí 430 triệu đồng cho hoạt động đào tạo nghề cho người nghèo, mở các lớp tập huấn tại các địa phương tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, cơ điện nông thôn, may công nghiệp, dạy nghề giáo dục định hướng để xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh cũng bố trí khoảng trên 4 tỷ đồng đào tạo nghề ngắn hạn cho từ 4.200 - 4.500 lao động ở nông thôn, trong đó chủ yếu là lao động hộ nghèo.
Chỉ tính trong năm 2007, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phòng kinh tế các huyện, thị xã và các tổ chức mở 700 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 21.000 lượt hộ tham gia, với tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng; tổ chức xây dựng 20 mô hình trình diễn về trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, cá ruộng, trồng đậu tương xuân tăng vụ...; thực hiện hỗ trợ sản xuất về giống cây trồng, phân bón, vật tư phục vụ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm với tổng kinh phí là 30 tỷ đồng. |
Xác định công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo, vì vậy trong 2 năm tỉnh đã dành nguồn kinh phí đáng kể cho công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo đặc biệt là ở cấp xã, phường, thị trấn.
Với mục đích hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm trong 2 năm 2006 - 2007 đã có trên 158 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng.
Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, huy động nguồn vốn đạt 437.739 triệu đồng đạt 56,95% kế hoạch cả giai đoạn. Mỗi năm, có từ 14.000 đến 15.000 lượt hộ nghèo được vay vốn. Doanh số cho vay năm 2007 đạt 119 tỷ đồng, nâng tổng số hộ nghèo dư nợ đến thời điểm hiện nay là 57 nghìn hộ.
Bên cạnh đó, là các chính sách hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, hỗ trợ về y tế, giáo dục cho người nghèo… Tất cả đã và đang góp phần cải thiện cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo và tạo điều kiện tốt nhất để họ làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Cùng với các chính sách thiết thực đó, chương trình giảm nghèo của tỉnh còn có sự vào cuộc của các ngành, hội, đoàn thể quần chúng. Đó là phong trào ủng hộ quỹ "Vì người nghèo" do Ủy ban MTTQ phát động: trong hai năm, huy động quỹ các cấp đã đạt trên 10 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này nhiều ngôi nhà mới, nhiều trường học mới được xây dựng, nhiều người nghèo được hỗ trợ khám chữa bệnh, mổ đục thủy tinh thể...
Các tổ chức hội như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đều đã đưa mục tiêu giảm nghèo vào chương trình hành động của các cấp hội với nhiều giải pháp thiết thực cũng như hình thức, biện pháp giúp đỡ hộ nghèo. Các phong trào hội đã nở rộ như phong trào "Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ" hay "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế làm giàu chính đáng"; Tỉnh đoàn thanh niên với phong trào trang trại trẻ hiện đang duy trì hoạt động cho 815 mô hình trang trại và tạo việc làm cho trên 3.000 lao động có thu nhập ổn định từ 600 - 750 nghìn đồng/tháng...
Các phong trào đó đã và đang góp phần quan trọng làm nên những thành công trong công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm của tỉnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo mặc dù nhanh nhưng chưa bền vững, số hộ cận nghèo và hộ nghèo phát sinh hàng năm còn cao; việc sử dụng nguồn lực đầu tư ở một số xã thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa còn chưa đạt hiệu quả, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm và có giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn...
Đó sẽ là những vấn đề mà tỉnh xác định cần phải tập trung khắc phục và hạn chế thấp nhất để đạt mục tiêu năm 2008 giảm được 4,1% hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,16% xuống còn 20,06% vào cuối năm 2008.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Năm 2007, thư viện tỉnh Yên Bái đã tổ chức trưng bày 12 đợt triển lãm sách theo chuyên đề, biên soạn 12 thư mục định kỳ, 12 thư mục cho cơ sở và 5 thư mục chuyên đề, phối hợp với hội nhà báo, báo Yên Bái và đài PTTH tổ chức trưng bày 300 loại tạp chí, báo xuân và các ấn phẩm của các cơ quan xuất bản báo chí Trung ương và địa phương.
YBĐT - Cùng với việc nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thời gian qua, trong quá trình xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang huyện Văn Chấn đã kết hợp giữa huấn luyện với tăng cường công tác dân vận ở địa phương.
YBĐT - Những câu chuyện ấy rất nhiều người vài ba lần đã nghe, đã đọc. Thậm chí có những chuyện hẳn rằng đã trở nên quen thuộc, nhưng rất đông khán giả có mặt tại buổi chung khảo Hội thi báo cáo viên "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở thị xã Nghĩa Lộ vẫn cứ háo hức như chờ đợi những điều gì, những câu chuyện còn mới lạ.
YBĐT - Người già trong bản thường bảo: "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay"; thế mới biết, không nhìn thấy gì như mình khổ nhiều lắm. Nay lại được tỉnh cho mổ mắt không mất tiền như thế này thì cảm ơn tỉnh và Chính phủ nhiều lắm.