Để vùng mỏ Mông Sơn được an toàn
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tỉnh Yên Bái xác định rõ, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản là mũi nhọn.
Công nhân Công ty cổ phần Mông Sơn nghiền bột đá.
(Ảnh: Quang Thiều)
|
Thực tế, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản đang phát huy hiệu quả, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp với các nhà máy, công ty lớn như: Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bái, Liên doanh YBB, Liên doanh Yên Hà, Công ty cổ phần Mông Sơn... để phục vụ cho các công ty, nhà máy này hoạt động, mỗi năm có hàng triệu tấn đá được khai thác từ vùng mỏ Mông Sơn (Yên Bình).
Tiềm năng khoáng sản được khai thác, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế là rất đáng mừng, nhưng khai thác đúng quy trình, đảm bảo an toàn là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, vần đề này vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, tình trạng mất an toàn luôn ở mức cao. Vấn đề an toàn lao động trong các khu mỏ cần được các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, nhất là trong thời gian gần đây, vấn đề an toàn lao động trong việc khai thác mỏ đã trở thành chuyện thời sự, liên tiếp những vụ tai nạn gây chết người xảy ra tại nhiều tỉnh, thành được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải.
Là vùng mỏ đá vôi trắng quý hiếm, phục vụ sản xuất xi măng, nghiền bột siêu mịn phục vụ cho nhiều ngành sản xuất, chế biến trong nước và xuất khẩu với trữ lượng hàng trăm triệu tấn, vùng mỏ đá Mông Sơn có đặc thù là núi cao, độ dốc lớn, diện tích hẹp. Vùng mỏ này đã cấp phép khai thác cho 4 doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, quá trình cấp mỏ khá tùy tiện như không có vùng đệm, biên giới giữa hai khu mỏ đôi khi chỉ là một vạch sơn... Đây chính là những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do đá lăn, đá lở. Ngoài ra, mỗi công ty có kế hoạch khai thác riêng biệt, nhất là kế hoạch nổ mìn phá đá nên chuyện công ty này làm văng đá sang công trường của công ty kia là không tránh khỏi...
Trong số 4 doanh nghiệp được Chính phủ cấp phép khai thác thì đã có 3 công ty gồm: Công ty cổ phần Mông Sơn, Liên doanh YBB, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bái tổ chức khai thác từ nhiều năm nay (riêng Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình đang trong giai đoạn đầu tư). Qua đánh giá của ngành lao động, thương binh và xã hội, những năm qua do điều kiện đầu tư hạn chế nên việc khai thác chỉ là bán thủ công, khai thác theo kiểu bóc vỉa là chủ yếu, ngoài ra việc áp dụng nội quy an toàn lao động của các doanh nghiệp và chấp hành quy trình lao động của công nhân còn nhiều hạn chế... dẫn đến vùng mỏ Mông Sơn là một vùng mỏ không an toàn. Qua thống kê hàng năm cho thấy năm nào ở vùng mỏ này cũng xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động, ít nhất trong đó có một vụ chết người.
Làm gì để vùng mỏ Mông Sơn trở thành vùng mỏ an toàn, giảm thiểu tối đa số vụ tai nạn và không để xảy ra chết người? Ngày 15/1/2008, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và Liên đoàn Lao động tỉnh đã có buổi làm việc với 4 doanh nghiệp khai thác đá ngay tại khu mỏ Mông Sơn. Thay mặt đoàn công tác, ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã trình bày mục đích ý nghĩa của vấn đề an toàn lao động nói chung và những nét cơ bản của quy trình khai thác mỏ đá nói riêng như: phải làm đường lên núi nhằm khai thác cắt ngọn; khai thác phải đúng quy trình quy định với nội quy khai thác đầy đủ; quy trình quản lý vật liệu nổ, phương pháp, kỹ thuật nổ bắn mìn; áp dụng công nghệ máy móc hiện đại giảm số lao động trực tiếp trong mỏ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ như giầy, mũ, quần áo, găng tay, khẩu trang... cho người lao động; tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm và tuyên truyền, trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho công nhân...
Tại buổi làm việc, đại biểu các doanh nghiệp thừa nhận, cả một thời gian dài vấn đề an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức, do chưa nhận thức đầy đủ, do điều kiện kinh phí hạn chế... nhưng khoảng 1 năm trở lại đây việc đầu tư chiều sâu trong khai thác nói chung và quan tâm đến vấn đề an toàn lao động nói riêng đã được quan tâm hơn, nhiều máy móc hiện đại giá trị hàng tỷ đồng đã được các công ty đầu tư như máy khoan công suất lớn, máy xúc, thuê những công ty chuyên nghiệp về khoan nổ mìn... Đại biểu Nguyễn Quốc Cường ở Công ty cổ phần Mông Sơn cho biết: "Công ty luôn tuân thủ quy trình an toàn lao động, đặc biệt là trang thiết bị bảo hộ; đội nổ mìn của Công ty đều là những người qua đào tạo và có kinh nghiệm".
Ông Nguyễn Văn Đài - Phó tổng giám đốc Liên doanh YBB phát biểu: "YBB vừa đầu tư 5 tỷ đồng cho việc làm đường rích rắc lên đỉnh núi, việc khai thác từ trên xuống cộng với các thiết bị hiện đại sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn". Lãnh đạo Công ty cổ phần Xi măng Yên Bái thì cho hay, năm 2008, Công ty sẽ triển khai dự án trị giá gần 50 tỷ đồng cho việc khai thác mỏ và an toàn lao động. Riêng Công ty Xi măng Yên Bình luôn tự tin là có công nghệ và quy trình khai thác mỏ hiện đại, tiên tiến, giảm thiểu tối đa số công nhân trong mỏ.
Những dự án, những việc làm của các doanh nghiệp trong việc khai thác mỏ và tuân thủ quy trình an toàn lao động là rất đáng mừng. Đây thực sự là dấu hiệu ban đầu để xây dựng vùng mỏ Mông Sơn thành một vùng mỏ an toàn. Tuy nhiên, chính đại biểu các doanh nghiệp đều phải thừa nhận, khai thác mỏ là một công việc độc hại, nặng nhọc và rất nguy hiểm. Sự cố gắng của các doanh nghiệp và người lao động là rất cần thiết nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ mà tỉnh cần quy hoạch vùng đệm cho các mỏ, không để tình trạng gây mất an toàn lẫn nhau và nhất là các doanh nghiệp làm nghề khai thác thuê cho các công ty với hàng trăm lao động làm việc thủ công mà họ đã được đào tạo huấn luyện hay chưa, huấn luyện rồi có chấp hành quy trình hay không, họ có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thân thể không, có trang thiết bị bảo hộ không, thì không ai quan tâm, không ai quản lý. Mong rằng cùng với sự cố gắng của các doanh nghiệp, ý thức chấp hành của công nhân được nâng lên và có sự quan tâm chỉ đạo từ các ngành chức năng để vùng mỏ Mông Sơn sẽ trở thành vùng mỏ an toàn.
Tấn Đạt
Các tin khác
YBĐT - Nhân dịp tết cổ truyền của đồng bào Mông, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đã tổ chức gặp mặt động viên, tặng quà 33 đồng chí là cán bộ, chiến sỹ dân tộc Mông đang công tác, học tập tại khối cơ quan và đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh, đồng thời cử 2 đoàn công tác đến chúc tết, tặng quà 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải với tổng số quà trị giá gần 14 triệu đồng.
YBĐT - Tích cực tham gia vào việc giữ gìn trật tự ATGT, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, thời gian qua, Thị Đoàn Nghĩa Lộ đã thành lập 7 đội thanh niên tình nguyện ứng trực ATGT tại các xã, phường với 70 đội viên; phối hợp với các trường trên địa bàn tổ chức 16 buổi tuyên truyền tập trung về ATGT, một hội thi sân khấu hoá “Tuổi trẻ học đường với Luật Giao thông đường bộ”.
YBĐT - Ngay từ đầu năm 2007, Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân xã Yên Hưng, Văn Yên (Yên Bái) đã họp và củng cố tổ chức, phân công cụ thể cho các thành viên thực hiện duy trì chuẩn quốc gia về y tế xã. Trạm Y tế xã cũng đã tham mưu, lập đề án và có kế hoạch thực hiện về công tác y tế theo chỉ tiêu, từng tháng, từng quý và có sơ kết, tổng kết.
YBĐT - Là cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2007 nhưng Phòng khám Y cao Hồng Đức đã là địa chỉ để đến khám, chữa bệnh của nhiều người dân thành phố Yên Bái và các địa bàn lân cận.