Dân số vùng cao: Nỗi lòng biết tỏ cùng ai
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chị Huỳnh Thị Hoa – Chủ nhiệm Uỷ ban DS,GĐ&TE huyện Trạm Tấu (Yên Bái) tâm sự: “Cứ nghĩ về công tác dân số của huyện vùng cao lại thấy buồn! Không biết phải bắt đầu từ đâu nữa!”. Quả thực, có đi vùng cao thì chúng ta mới có thể thông cảm được những khó khăn vất vả của người làm công tác dân số.
(Ảnh: Thanh Ba)
|
Một số cán bộ chưa gương mẫu
Mặc dù đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện chủ trương, chính sách về các mục tiêu DS,GĐ&TE; sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành; sự cố gắng khắc phục khó khăn của đội ngũ làm công tác dân số... song tình trạng sinh con thứ 3 ở Trạm Tấu vẫn không có chiều hướng giảm. Đó cũng là nỗi lo canh cánh cho những người làm công tác dân số ở huyện vùng cao này! Chị Hoa lý giải tất cả những khó khăn gặp phải trong quá trình vận động nhân dân thực hiện kế hoạch hoá gia đình: “Những người làm công tác dân số như chúng tôi đã thực sự cố gắng hết mình nhưng kết quả đạt được vẫn không được như ý muốn! Các chỉ tiêu có giảm nhưng chỉ ở mức khiêm tốn”.
Các số liệu sau là một minh chứng: tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 23,56%o (năm 2006 là 24,36%o) đạt 102% kế hoạch của tỉnh; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 32,1% (năm 2006 là 32,74%) giảm 0,6 %; các biện pháp tránh thai cũng được người dân chú trọng sử dụng: 4 ca đình sản, 1.200 ca đặt vòng, 219 ca tiêm thuốc tránh thai, 310 ca dùng thuốc tránh thai, 306 trường hợp sử dụng bao cao su đưa tổng số các biện pháp tránh thai là 2.039 trường hợp; chỉ có 7/69 thôn, bản, tổ dân phố không có người sinh con thứ 3.
Bên cạnh đó, việc nhiều hộ gia đình đã phản ứng lại quá trình tuyên truyền của cán bộ, cộng tác viên dân số vẫn còn khá phổ biến và đặc biệt, việc cán bộ, đảng viên, những người đứng đầu các xã, thôn, bản lại vi phạm nghiêm trọng. Chẳng hạn, xã Hát Lừu có một số thôn bản đã ký cam kết không sinh con thứ 3 nhưng các hộ trong bản vẫn cố tình sinh thêm và khi có sự can thiệp của cán bộ dân số của huyện thì họ thẳng thắn nói, nếu phạt, họ sẵn sàng nộp tiền nhưng sẽ tiếp tục sinh thêm, nếu không phạt thì còn chấp hành. Khi đưa các bản cam kết họ đã ký không vi phạm Pháp lệnh Dân số thì họ lại phản kháng dữ dội hơn: “Tại sao cán bộ không phạt những cán bộ đảng viên sinh con thứ 3? Nếu những cán bộ đảng viên chấp hành thì chúng tôi mới thực hiện theo...!”.
Và đó cũng là câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi tại sao công tác vận động sinh đẻ kế hoạch ở vùng cao lại khó khăn đến vậy! Nếu như năm 2006, cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 ở Trạm Tấu gần 10 trường hợp thì đến năm 2007 đã tăng lên 19 trường hợp. Vẫn lời chị Hoa: “Mặc dù Pháp lệnh Dân số đã quy định rõ ràng vi phạm lần đầu sẽ bị khiển trách, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị kỷ luật Đảng hoặc cách chức... Nhưng điều này sẽ là không tưởng ở nơi vùng cao này! Vừa qua, Huyện uỷ Trạm Tấu cũng tổ chức cuộc họp và tiến hành kiểm điểm các cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3”.
Một vấn đề rất khó khăn và khó giải quyết nhất ở đây là việc cách chức các cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu các xã, thôn, bản vùng cao sinh con thứ 3 trở lên. Việc này không thể một sớm một chiều giải quyết được mà phải có những người thật sự tâm huyết với nghề luôn gần gũi, cùng sinh hoạt, cùng sẻ chia, tâm sự mới có thể thay đổi được suy nghĩ của họ và đặc biệt là những phong tục, tập quán đã bao đời ăn sâu vào đời sống đồng bào.
Và hành trình làm cộng tác viên
Tôi đến với bản Tà Sùa khi trời đã xế chiều. Tiết trời lạnh buốt thấu da. Chiếc bếp lò đặt giữa nhà, tỏa hơi ấm trong căn nhà của anh Phàng A Dề - Bí thư chi bộ thôn cũng là lúc tôi được nghe những lời tâm sự chân thành nhất của người Mông nơi đây:
- Đông con là khó khăn mà! Nhưng biết làm thế nào được! Không có con trai thì khổ lắm à! Không được ngồi cùng mâm anh em khác, không được quyền quyết định những việc quan trọng trong dòng họ!
Không nói được tiếng phổ thông nhưng được anh Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã Bản Công phiên dịch, tôi cũng phần nào hiểu được những lo lắng của vợ anh Dề: Thật may mắn đứa thứ 3 lại là con trai không thì chị cũng không biết phải sinh thêm mấy lần nữa! Mặc dù đã hiểu việc sinh đông sẽ sai với Pháp lệnh Dân số nhưng phụ nữ vùng cao khổ lắm, nhất nhất phải theo ý của gia đình, dòng họ. Bản Tà Sùa có 68 hộ nhưng hầu hết cán bộ chủ chốt, đảng viên vẫn sinh con thứ 3.
Quả thực, đến với Tà Sùa cái mà khách xa như tôi lo lắng nhất là ngôn ngữ bất đồng. Những người chúng tôi muốn chia sẻ, động viên là các mẹ, các chị và các em thiếu nữ thì lại không thể. Tôi chỉ có thể nói được vài câu với các cháu nhỏ vì các cháu có điều kiện được xuống huyện học tập nhưng con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cũng tại gia đình đồng chí cán bộ tư pháp của xã, tôi có làm quen với một thanh niên mới 26 tuổi nhưng anh đã có đến 4 đứa con. Tôi hỏi:
-Đông con thế thì nuôi chúng nó thế nào?
- Kệ thôi! nhiều khi cũng thấy rất khổ, nhưng lỡ đẻ rồi không bỏ được! Bỏ là tội lớn lắm à!
Vậy đó, cái lý người Mông phức tạp quá. Tôi động viên và chỉ ra những khó khăn của việc sinh con, sự vất vả của cuộc sống..., chàng thanh niên có vẻ gật đầu đồng ý. Nhưng có lẽ, cái lý của người Mông nằm ở lý do này chăng? Sự nhận thức không đúng đắn về việc sinh con, họ chỉ nghĩ càng có nhiều con thì càng có nhiều lao động trong gia đình, đói khổ thì trông chờ vào sự trợ cấp gạo của Nhà nước.
Rời Tà Sùa mà trong tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ suy. Cả bản tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 80% trong khi đó hầu như gia đình nào cũng sinh con thứ 3. Những lời tâm sự, sẻ chia của tôi với mọi người nghe chừng viển vông quá! Những cái gật đầu, cái bắt tay hứa hẹn sẽ không sinh con thứ 3 và những câu chúc tết “ mùa đàng mùa rúa” (chúc mừng năm mới) vẫn còn đọng trong tâm trí tôi, những lời nhắn nhủ “tết năm sau nhà báo lên chúng tôi sẽ không sinh thêm nữa đâu” ít nhiều cũng cho tôi điều để hy vọng.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT – Những năm gần đây, ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp khai thác đá, chế biến khoáng sản. Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà công nghiệp khai thác mỏ đem lại nhưng trong tình hình hiện nay, lĩnh vực này đang nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
YBĐT - Ngày 24/1/, Tỉnh ủy - HĐND - UBND và UBMTTQ tỉnh Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt thân mật cán bộ chủ chốt của tỉnh đã nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Yên Bái.
YBĐT - Năm 2008, Yên Bái phấn đấu cơ bản hoàn thành việc xóa nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh, thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ XII Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh.
YBĐT - Công đoàn Giáo dục thành phố hiện quản lý 40 công đoàn cơ sở, 1.185 đoàn viên. Từ năm 2004 - 2007, Công đoàn ngành đã phát huy tốt chức năng, vai trò, cùng chuyên môn nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của thành phố.