Khắc phục những hạn chế để đạt chỉ tiêu xuất khẩu lao động
- Cập nhật: Thứ hai, 3/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động (XKLĐ) và không hạn chế phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn tỉnh là những điểm mới được thông qua tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ XKLĐ năm 2008 do Ban chỉ đạo XKLĐ Yên Bái tổ chức vừa qua.
Dạy nghề ở Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thành Trung.
|
XKLĐ trong giai đoạn hiện nay được tỉnh Yên Bái xác định là giải pháp quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm và cũng là một giải pháp tích cực xoá đói giảm nghèo. Công tác XKLĐ đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm, lãnh chỉ đạo cụ thể và sát sao, Ban chỉ đạo XKLĐ các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm.Tuy vậy, năm 2007, toàn tỉnh chỉ có 900 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, đạt 60% kế hoạch đề ra.
Cùng đó, đã tổ chức học và đăng ký dự kỳ thi sát hạch tiếng Hàn cho 132 lao động, 121 lao động đạt yêu cầu trong đó 42 người được chủ sử dụng gọi sang làm việc tại Hàn Quốc. Đến cuối năm 2007, số lao động của Yên Bái đang làm việc có thời hạn tại nước ngoài khoảng 3.100 người (Malaysia chiếm 2.700 người). Theo khảo sát có khoảng 93% số lao động của tỉnh đi xuất khẩu có việc làm ổn định, có thu nhập tích luỹ gửi về gia đình. Tổng số tiền lao động gửi về nước bình quân đạt 7 tỷ đồng/tháng, 80 tỷ đồng/năm. Đây là sự đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy vậy, 900 người đi XKLĐ năm 2007 chưa xứng với tiềm năng về nguồn lao động của tỉnh. Một hạn chế dễ nhận thấy là lao động của tỉnh chủ yếu đi làm việc ở thị trường có thu nhập thấp. Những tồn tại, hạn chế trong XKLĐ có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về phía địa phương, công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ chưa sát thực và đầy đủ. Trong công tác tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa một số ban chỉ đạo XKLĐ cấp xã, phường, thị trấn với doanh nghiệp cũng như với ban chỉ đạo XKLĐ cấp trên chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Đồng thời, tỉnh cũng chưa chủ động bám sát nhu cầu để đào tạo và đưa lao động có tay nghề đi xuất khẩu.
Về phía các doanh nghiệp XKLĐ, một số doanh nghiệp không thẩm định kỹ đơn hàng đưa lao động sang làm việc nên không bảo đảm được đầy đủ quyền lợi cho người lao động; một số doanh nghiệp chưa tập trung nguồn lực cho hoạt động XKLĐ tại tỉnh: chỉ 14/24 doanh nghiệp XKLĐ hoạt động tại tỉnh thường xuyên triển khai các hoạt động tư vấn, tạo nguồn; một số doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động, thậm chí thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết triệt để các rủi ro phát sinh với người lao động, làm mất niềm tin với lao động; công tác tuyển chọn lao động của một số doanh nghiệp còn nặng về số lượng.
Về phía người lao động và gia đình có con em đi XKLĐ: nhiều lao động thiếu vốn ban đầu, thiếu năng lực, trình độ để tham gia vào các công việc và các thị trường có thu nhập cao. Nhiều lao động và gia đình không có ý thức sử dụng có hiệu quả thu nhập từ XKLĐ. Mặt khác, những rủi ro trong làm ăn của doanh nghiệp nước bạn, mức lương tối thiểu nước ta ký với nước bạn thấp và thị trường lao động trong nước phát triển mạnh cũng là những nguyên nhân khách quan hạn chế việc XKLĐ.
Trước những hạn chế này, để công tác XKLĐ tại tỉnh có hiệu quả, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng trong thời gian tới, XKLĐ ở Yên Bái vẫn nên tập trung vào thị trường Malaysia để phù hợp với khả năng của người lao động trong tỉnh. Đồng thời, để tạo niềm tin cho người lao động, nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện ký cam kết đảm bảo quyền lợi cho lao động xuất khẩu và sẽ hỗ trợ vốn ban đầu cho lao động có nhu cầu vay vốn. Các doanh nghiệp cũng ủng hộ cao chủ trương gắn đào tạo nghề với xuất khẩu lao động của tỉnh…
Năm 2008, Yên Bái đặt mục tiêu xuất khẩu 1.500 lao động trở lên và thị trường được xác định tập trung vẫn là Malaysia. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ, theo như kết luận của đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo XKLĐ tỉnh Hoàng Thị Hạnh, trước hết, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và ở cơ sở; tiếp tục kiện toàn hệ thống ban chỉ đạo XKLĐ các cấp, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác XKLĐ; nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu, gắn đào tạo nghề với XKLĐ; thiết lập cơ chế liên kết ổn định trong hoạt động tạo nguồn, dạy nghề và giáo dục định hướng cho người lao động giữa các doanh nghiệp XKLĐ với các tổ chức, địa phương trong tỉnh; lựa chọn các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín, năng lực tài chính tuyển lao động tại địa phương và không hạn chế phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên cơ sở cạnh tranh có lành mạnh và tăng cường quản lý nhà nước về XKLĐ; hỗ trợ về tài chính đối với người đi XKLĐ. Trước mắt, các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương cần phối hợp giải quyết dứt điểm những tồn tại về XKLĐ trước đó.
P.V
Các tin khác
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận chính thức về việc sản xuất, quản lý và sử dụng vắc-xin Fuenzalida phòng bệnh dại ở người của Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ sẽ đề xuất với Quốc hội tăng mức phạt vi phạm giao thông ở các thành phố trực thuộc Trung ương lên gấp 2 lần so với các địa phương khác.
YBĐT - Số người nhiễm HIV/AIDS đang tăng theo cấp số nhân. Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Yên Bái được phát hiện năm 1997, sau 10 năm con số này đã lên tới 3.000 người, HIV đã có mặt ở 9/9 huyện, thị, thành phố và 126/180 xã, phường. Người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá và nữ giới đã chiếm 8%…
YBĐT - Dự án “Phát triển tổng hợp cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số- Cải thiện chất lượng cuộc sống hộ gia đình” (Dự án B- VNM-0611- 007) do tổ chức Bánh Mỳ thế giới tài trợ được triển khai thực hiện từ tháng 2/2007 tại 3 xã Púng Luông, Cao Phạ, Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Đây là 3 xã vùng cao khó khăn với trên 90% đồng bào Mông, tỷ lệ hộ nghèo còn 69% cao nhất trong toàn tỉnh.