Hơn 3,5 triệu học sinh bỏ học
- Cập nhật: Thứ năm, 13/3/2008 | 12:00:00 AM
Trước việc các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về tình trạng học sinh bỏ học ở các địa phương, ngày 12.3, lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo đã có cuộc gặp gỡ với báo chí xung quanh nội dung này.
Cơ sở trường lớp khó khăn cũng là một lý do để học sinh bỏ học
|
Hàng trăm nghìn HS bỏ học mỗi năm là "bình thường" (?!)
Sau khi báo chí dồn dập đưa tin HS bỏ học trong học kỳ đầu của năm học 2007 - 2008 và đặt câu hỏi "có phải vì "hai không" khiến cho HS bỏ học nhiều?", Bộ GDĐT đã đưa ra những con số thống kê chi tiết để chứng minh điều... ngược lại.
Cụ thể: Ở cấp tiểu học năm học 2003 - 2004, số lượng HS bỏ học là 261.405 em, chiếm tỉ lệ 3,13% so với tổng số HS; năm học 2004 - 2005 các con số tương đương là 174.700 - 2,25%; năm học 2005 - 2006 là 244.065 - 3,33%; năm học 2006 - 2007 là 214.171 - 3,04%; và tính đến hết học kỳ I của năm học 2007 - 2008 là 12.966 - 0,19%.
Ở cấp trung học, các con số tương đương là: Năm học 2002 - 2003 là 558.699 - 6,20%; năm học 2003 - 2004 là 580.511 - 6,29%; năm học 2004 - 2005 là 679.485 - 7,59%; năm học 2005 - 2006 là 625.157 - 6,59%; năm học 2006 - 2007 là 186.660 - 2,07%; và tính đến hết học kỳ I của năm học 2007 - 2008 là 106.228 - 1,2%.
Trước những con số này, lãnh đạo các vụ chức năng của bộ nhận xét: "Tỉ lệ HS bỏ học của cả nước trong học kỳ I năm học 2007 - 2008 không bất bình thường so với các năm trước đó" - Vụ GD trung học, và: "Như vậy, tình trạng HS bỏ học tại thời điểm cuối học kỳ I năm học 2007 - 2008 không có gì bất thường so với các năm trước" - Vụ GD tiểu học.
Tuy nhiên, điều bất bình thường chính là việc tình trạng HS bỏ học đã kéo dài cả 5 - 6 năm nay và tổng số lên đến 3,5 triệu học sinh bỏ học. Như vậy, phải chăng trong một thời gian dài bộ đã không quan tâm đúng mức tới vấn đề này?
Tuy nhiên, khi câu hỏi "Tại sao để tình trạng này kéo dài, có phải bộ đã buông lỏng?" được nêu ra, thì đại diện cho lãnh đạo bộ - ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ GD trung học - lại có câu trả lời khá kỳ lạ khi cho rằng phóng viên nói như thế là "hồ đồ", việc HS đến trường đã được phân cấp về địa phương, các địa phương phải chịu trách nhiệm!
Không có giải pháp cấp bách
Lý giải tình trạng HS bỏ học, ông Lê Tiến Thành - Phó Vụ trưởng Vụ GD tiểu học - đưa ra 5 nguyên nhân: Học lực yếu kém; nhà trường chưa thực sự hấp dẫn đối với HS; hoàn cảnh gia đình có khó khăn về kinh tế; trình độ dân trí một số vùng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng nông thôn, miền núi còn lạc hậu, nhận thức và trách nhiệm của cha mẹ HS về việc học tập của con em còn hạn chế; và dân cư vùng dân tộc sống rải rác, thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến việc đi học và duy trì sĩ số.
Vụ GD trung học cũng đưa ra 5 nguyên nhân khiến HS bỏ học: Điều kiện kinh tế khó khăn của địa phương và gia đình; HS trung học có nhiều em trong độ tuổi lao động, phải tham gia lao động trợ giúp gia đình nên không thể tiếp tục đi học, hoặc chuyển sang hình thức học phổ cập, học nghề; một số địa phương có hiện tượng di chuyển nơi cư trú hoặc đi làm ăn xa nhà khá nhiều; cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể một số địa phương chưa thực sự quan tâm; và trường học một số vùng còn quá nhiều khó khăn, chưa đủ điều kiện để nâng cao chất lượng dạy học.
Với những nguyên nhân chung chung "mọi thời kỳ đều đúng" này, ngành giáo dục cũng đưa ra một loạt giải pháp để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển "sẽ không có biện pháp cấp bách, mà là biện pháp trước mắt và lâu dài".
Ông Hiển cho biết, trước mắt, Bộ GDĐT sẽ rà soát lại về nội dung chương trình, SGK; sớm phân loại HS để phân công giáo viên dạy cho phù hợp. Ngành cũng tập trung phát triển mạng lưới trường lớp cho gần HS ở xa, tăng cường điều kiện về chất cho HS để đảm bảo điều kiện học tập. Bộ sẽ đi sâu hơn về đánh giá giáo viên qua bộ chuẩn nghề nghiệp. Căn cứ vào các bộ chuẩn theo từng cấp học, các trường sẽ chủ động đánh giá đội ngũ giáo viên...
(Theo Lao Động)
Các tin khác
YBĐT - Tuy mới được thành lập, nhưng năm 2007 Hội cựu TNXP tỉnh Yên Bái đã thành lập được 83 chi hội, kết nạp được 870 hội viên, trao thẻ và cấp huy hiệu cho 500 hội viên ở các cơ sở.
YBĐT - Ngày 12/3, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đã tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị số 21 và Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
YBĐT - Những năm qua, sự phát triển của doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã góp phần làm cho kinh tế thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có nhiều khởi sắc. Ở đó, tổ chức công đoàn (CĐ) đã song hành và khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong bước phát triển của doanh nghiệp.
YBĐT - Bám sát nhiệm vụ kinh tế- xã hội, đặc biệt là chương trình xoá đói giảm nghèo của địa phương, ngay từ đầu năm 2007, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phát động tới hội viên nông dân (HVND) tham gia đăng ký danh hiệu sản xuất giỏi các cấp.