Chi cục Kiểm lâm Yên Bái: Với công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ
- Cập nhật: Thứ năm, 15/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đội ngũ cán bộ, công chức kiểm lâm Yên Bái có 102 đồng chí có trình độ đại học, 120 trung cấp trong tổng số 258 biên chế. Đó là một nguồn cán bộ khá dồi dào nên công tác đào tạo, quy hoạch và thực hiện quy hoạch có nhiều thuận lợi. Song, khó khăn lớn nhất là chất lượng cán bộ không đồng đều, trình độ chuyên môn một số người không phù hợp với nhiệm vụ và công chức kiểm lâm là người dân tộc lại chưa được đào tạo.
Rừng nguyên sinh ở Mù Cang Chải.
|
Mặt khác, điều kiện công tác có sự khác biệt lớn giữa thành phố, thị xã so với các huyện nên gặp khó khăn trong việc quy hoạch, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là đến vùng sâu, vùng xa.
Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã xây dựng quy hoạch dự nguồn 8 đồng chí lãnh đạo phòng, 15 đồng chí lãnh đạo hạt và 28 đồng chí phụ trách các trạm. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn cho số cán bộ dự nguồn. Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ, Trung tâm Bảo vệ rừng khu vực I, Trường Chính trị tỉnh mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý Nhà nước, công tác kiểm lâm địa bàn, công tác vận động quần chúng v.v...
Trong những năm qua, với phương châm "Bám dân, bám rừng, bảo vệ rừng tại gốc", kiểm lâm Yên Bái đã thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế trong toàn lực lượng. Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và điều động, tăng cường công chức kiểm lâm cho cơ sở, trước mắt nhằm tạo ra sự thông suốt, thống nhất về nhận thức từ cán bộ lãnh đạo đến công chức thừa hành, coi đó là việc làm bình thường và thường xuyên.
Bên cạnh đó sắp xếp lại đội ngũ theo hướng tinh giản bộ máy văn phòng, tăng cường kiểm lâm phụ trách địa bàn; từng bước điều chỉnh, phân bổ biên chế ưu tiên cho vùng cao, nơi địa hình khó khăn, những nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn cần được bảo vệ... Năm 2007-2008, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã điều động, luân chuyển 1 trưởng phòng đến huyện giữ chức vụ hạt trưởng, 2 hạt trưởng và 1 trạm trưởng về Văn phòng Chi cục để giữ chức vụ trưởng, phó phòng; luân chuyển 1 phó hạt trưởng từ huyện này sang huyện khác để giữ chức hạt trưởng. Đồng thời, chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 158 đối với 45 cán bộ, công chức trong nội bộ hạt và giữa các đơn vị trực thuộc Chi cục.
Kết quả bước đầu đã tạo được sự cân đối, hợp lý hơn về biên chế. Các huyện có nhiều rừng như Văn Yên, Văn Chấn đã có đủ 1 kiểm lâm phụ trách 1 xã; các địa bàn khó khăn như huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân 3 kiểm lâm phụ trách 2 xã; các trạm phúc kiểm lâm sản được chuyển giao cho các hạt kiểm lâm quản lý và tổ chức hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của trạm kiểm lâm địa bàn phụ trách một vùng hoặc cụm xã. Các cán bộ lãnh đạo quản lý đã tự giác chấp hành, bắt nhịp, hòa đồng ngay với hoạt động của đơn vị mới.
Đối với số kiểm lâm được điều động trong năm 2007-2008 vừa qua, cái được lớn nhất là ngay từ tháng đầu triển khai nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng vụ đông - xuân năm 2007-2008, các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và những xã trọng điểm của các huyện đã có đủ cán bộ, bảo đảm phục vụ cho công tác, không phải trưng tập cán bộ. Nhờ đó giảm được số lao động hợp đồng, tiết kiệm quỹ tiền lương để chi dùng cho công tác chuyên môn. Đồng thời, khắc phục tình trạng hàng năm cứ vào thời vụ này, Chi cục phải điều động biệt phái công chức từ các huyện vùng thấp lên vùng cao trong thời gian 6 tháng nhưng hiệu quả không cao do số cán bộ được tăng cường không thể bắt kịp ngay với điều kiện công tác, hoạt động của nơi mới đến; lãnh đạo đơn vị nhận cán bộ tăng cường không thể quản lý, điều hành như biên chế chính thức của đơn vị mình.
Những năm tiếp theo, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái tiếp tục thực hiện đề án quy hoạch cán bộ lãnh đạo diện Chi cục quản lý. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch và thực hiện công tác quy hoạch đã đặt ra cần tập trung đào tạo, đào tạo lại về lý luận chính trị và chuyên môn. Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ được điều động, luân chuyển. Cán bộ được điều động, luân chuyển và tăng cường cho cơ sở phải là cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm chắc chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác vận động nhân dân cũng như nhiệt tình, tâm huyết với công việc; xây dựng quy chế luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức kiểm lâm cùng với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm cơ sở cho việc điều đồng, luân chuyển.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần có quy chế và cơ chế chính sách bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển công tác ở vùng cao như chế độ phụ cấp, điều kiện làm việc; cán bộ lãnh đạo đơn vị đã qua 10 năm công tác ở một cơ sở thì xem xét luân chuyển để tạo điều kiện phát triển hoặc hợp lý hóa gia đình; công chức thừa hành có 3 năm công tác ở một địa bàn thì chuyển đổi vị trí công tác. Khi điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý và công chức thừa hành phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ và yêu cầu thực tế của từng đơn vị, có xét đến điều kiện công tác và hoàn cảnh gia đình để bố trí hợp lý.
Quy hoạch, luân chuyển cán bộ, công chức kiểm lâm tăng cường cho vùng cao là một giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng.
Muốn xây dựng quy hoạch công tác cán bộ một cách toàn diện, khách quan, khoa học, cần nắm vững hồ sơ và quá trình công tác của từng cán bộ; theo dõi, đánh giá kết quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao, kết quả phân xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên và nhận xét, đánh giá của tập thể, đối chiếu với tiêu chuẩn cán bộ cả về phẩm chất chính trị và yêu cầu trình độ để đưa vào diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo.
Với kết quả và kinh nghiệm ban đầu thu được, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái sẽ tạo sự đổi mới trong công tác tổ chức, xây dựng lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn hiện nay.
Đào Đình Khoa
Các tin khác
YBĐT - Đã được xem phóng sự "Bao giờ sương tan trên đỉnh La Pán Tẩn?" trên Đài Truyền hình Trung ương, trong tôi như có sự hối thúc, muốn đến tận nơi chứng kiến sự đổi thay của hai xã có 100% là đồng bào dân tộc Mông, từng bị ma túy “bủa vây” đến nghèo xơ, nghèo xác...
YBĐT - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nguồn lực con người nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TƯ ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nhiệm vụ này đã được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp ở tỉnh Yên Bái gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra hướng dẫn về trình tự, thủ tục phong tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự Việt Nam theo Thông tư số 26/2008/TT-BGDĐT ngày 09/05/2008 như sau:
YBĐT - Tại Trường THCS Lê Hồng Phong, Hội đồng Đội thành phố Yên Bái tổ chức mít tinh kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh.