Đảm bảo an ninh lương thực dài hạn: Phải giữ lại 3,9 triệu ha đất trồng lúa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/5/2008 | 12:00:00 AM

Trong một đề án gửi Chính phủ nhằm đánh giá thực trạng, những thách thức và kiến nghị chủ trương, giải pháp lớn nhằm ổn định tình hình an ninh lương thực ở nước ta, Bộ NN&PTNT kiến nghị phải giữ được ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa trong bối cảnh tốc độ lấy đất nông nghiệp làm đất đô thị, khu công nghiệp tại nhiều tỉnh trọng điểm về trồng lúa đang diễn ra mạnh mẽ.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam giảm tới 50 nghìn ha đất trồng lúa
Trung bình mỗi năm, Việt Nam giảm tới 50 nghìn ha đất trồng lúa

Theo thống kê, vào năm 2000 diện tích trồng lúa  của nước ta là gần 4,47 triệu ha, nhưng đến năm 2006, diện tích này đã giảm xuống còn 4,13 triệu ha, tính trung bình mỗi năm giảm tới 50 nghìn ha. Đất trồng lúa chủ yếu được chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp, đặc biệt là làm các khu công nghiệp, sân golf...

Như vậy, dù năng suất lúa của nước ta tăng bình quân 2,06% (giai đoạn 1997-2006) tương đương 770.000 tấn/năm nhưng trong giai đoạn 2003-2007 thì sản lượng lúa của chúng ta “dậm chân tại chỗ” ở mức xấp xỉ 36 triệu tấn. Sản lượng lúa này dùng để tiêu thụ trong nước khoảng 75-80% và tổng lượng tiêu thụ sẽ tăng bình quân 1%/năm cho tới khi chúng ta ổn định quy mô dân số ở mức 120 triệu người vào năm 2035.

 Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, mỗi năm nước ta gieo trồng được 7,2 triệu ha diện tích đất lúa. Cụ thể, tổng sản lượng lúa năm 2010 có thể đạt 37,58 triệu tấn, năm 2015 là 38,75 triệu tấn và đến 2020 sẽ đạt 39,63 triệu tấn. Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước sẽ tăng từ 27,6 triệu tấn (năm 2007) lên 33,2 triệu tấn (năm 2020), đồng thời sản lượng lúa dành cho xuất khẩu ổn định trong giai đoạn này cũng dao động khoảng 6,34 – 8,3 triệu tấn (tương đương 3,8-4,5 triệu tấn gạo. 

 Như vậy, về cơ bản an ninh lương thực của nước ta sẽ được đảm bảo nhưng để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT kiến nghị phải giữ được ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa trong bối cảnh tốc độ lấy đất nông nghiệp làm đất đô thị, khu công nghiệp tại nhiều tỉnh trọng điểm về trồng lúa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cảnh báo, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, diện tích đất lúa sẽ giảm rất nhanh và đây chính là nguy cơ lớn nhất mà chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cần phải giải quyết bởi việc biến đất lúa thành đất ở, đất công nghiệp sẽ kéo theo sự mất đất lúa vĩnh viễn không thể phục hồi. Các nguy cơ khác cũng không thể không kể đến là sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lúa, sức ép chuyển dịch cơ cấu lao động dẫn đến thiếu lao động nông nghiệp nếu không được cơ giới hóa kịp thời trong khi việc tăng thu nhập cho người trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn do giá cả tiêu dùng, vật tư nông nghiệp tăng mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra một số kiến nghị như Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2015 và 2020” do Bộ NN&PTNT chủ trì; thành lập Uỷ ban An ninh lương thực quốc gia do một Phó Thủ tướng đứng đầu để chỉ đạo việc thực hiện chiến lược lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực trong dài hạn. 

Bộ NN&PTNT đã đề xuất một số chính sách để bảo vệ và quản lý diện tích lúa trên cơ sở điều tra, cập nhật hiện trạng, phân loại đất lúa của từng tỉnh trong từng giai đoạn. Theo đó, loại đất sản xuất lúa tốt nhất phải được bảo vệ nghiêm ngặt, lâu dài, không chuyển đổi sang bất cứ mục đích sử dụng nào khác. Các loại đất sản xuất lúa hiệu quả trung bình được ưu tiên đầu tư chuyển đổi sang trồng cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày hoặc cây thức ăn chăn nuôi nhưng không được chuyển sang mục đích sản xuất nông nghiệp khác hoặc phi nông nghiệp. Loại đất lúa kém hiệu quả thì có thể chuyển đổi nếu không nằm trong quy hoạch đầu tư thủy lợi….  

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Chiều tối 15-5, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) ở vào khoảng 13 độ vĩ Bắc; 117,2 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (từ 39 đến 61km/giờ), giật cấp 8. Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển phía Đông khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa) có gió xoáy mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7.

Thiếu nhi bảo vệ đường sắt quê em, một trong những phong trào làm nghìn việc tốt của thiếu nhi THCS Tuy Lộc, TP Yên Bái.

YBĐT - Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động thiết thực của thiếu nhi Yên Bái trong phong trào làm nghìn việc tốt. Từ nhiều năm nay hoạt động này đã được Liên đội trường THCS xã Tuy Lộc thành phố Yên Bái phát động và triển khai thực hiện rộng rãi trong các chi đội.

Rừng nguyên sinh ở Mù Cang Chải.

YBĐT - Đội ngũ cán bộ, công chức kiểm lâm Yên Bái có 102 đồng chí có trình độ đại học, 120 trung cấp trong tổng số 258 biên chế. Đó là một nguồn cán bộ khá dồi dào nên công tác đào tạo, quy hoạch và thực hiện quy hoạch có nhiều thuận lợi. Song, khó khăn lớn nhất là chất lượng cán bộ không đồng đều, trình độ chuyên môn một số người không phù hợp với nhiệm vụ và công chức kiểm lâm là người dân tộc lại chưa được đào tạo.

Ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn.

YBĐT - Đã được xem phóng sự "Bao giờ sương tan trên đỉnh La Pán Tẩn?" trên Đài Truyền hình Trung ương, trong tôi như có sự hối thúc, muốn đến tận nơi chứng kiến sự đổi thay của hai xã có 100% là đồng bào dân tộc Mông, từng bị ma túy “bủa vây” đến nghèo xơ, nghèo xác...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục