Yên Bái: “Kết quả rà soát đối tượng bảo trợ xã hội có thể chưa sát với thực tế”
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Triển khai thực hiện Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 1683/QĐ-UBND ngày 15/10/2007 quy định chế độ trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiến hành rà soát đối tượng bảo trợ xã hội toàn tỉnh năm 2008.
Trẻ em khuyết tật ở Trung tâm SOS Yên Bái. (Ảnh: Minh Thúy)
|
Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Cuộc rà soát đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn toàn tỉnh thời điểm 01/3/2008 nhằm rà soát, thống kê toàn bộ số hộ, người thuộc diện hưởng chính sách trợ giúp xã hội (tức đối tượng bảo trợ xã hội), từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội và kế hoạch ngân sách, hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian tới.
Theo kết quả rà soát, Yên Bái hiện có 10.542 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội theo 9 nhóm đối tượng: trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi; người cao tuổi cô đơn; người từ 85 tuổi trở lên; người tàn tật nặng; người tâm thần; người nhiễm HIV/AIDS; gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em; hộ gia đình có 2 người tàn tật nặng trở lên và người đơn thân nuôi con nghèo, trong đó đối tượng bảo trợ xã hội trong cộng đồng là 10.467 chiếm 1,4% dân số.
- Ông nhận định như thế nào về tỉ lệ 1,4% so với tổng dân số của đối tượng bảo trợ xã hội theo kết quả rà soát?
So sánh với một số tỉnh như Phú Thọ tỉ lệ so với tổng dân số của đối tượng bảo trợ xã hội là 2,7%, Thanh Hoá là 3,4%, bình quân chung của cả nước là 1,6-2% thì tỉ lệ 1,4% của Yên Bái là thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Con số 1,4% tổng dân số của đối tượng bảo trợ xã hội theo kết quả rà soát có thể chưa sát với thực tế.
- Vậy lý do tỷ lệ đối tượng bảo trợ xã hội thấp trong đợt rà soát này là gì, thưa ông?
Trước hết, có thể nhận thấy: quy mô dân số và địa giới hành chính Yên Bái không lớn nhưng lại phân bố rải rác ở đa địa hình khiến cho rà soát viên gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển và rà soát đối tượng. Mặt khác, lực lượng rà soát viên là các cán bộ văn hóa-xã hội của các xã, phường, thị trấn phải kiêm nhiệm nhiều việc: văn hóa thông tin, thể thao, du lịch, giáo dục... Hơn nữa, trong thời gian rà soát thì toàn tỉnh lại có đến 51/180 cán bộ văn hoá - xã hội đang theo học lớp trung cấp lao động xã hội ở tỉnh, do vậy đã phải huy động công an xã và cán bộ đoàn thể tham gia vào lực lượng rà soát viên, vì thế nhiều rà soát viên không có nghiệp vụ chuyên môn, lúng túng trong quá trình rà soát.
Trong nhiều trường hợp, việc rà soát, bình xét đối tượng còn nhiều ý chí chủ quan, cảm tính nhất là đối với nhóm đối tượng người đơn thân nuôi con. Cũng phải kể đến việc bản thân nhiều đối tượng và cả cán bộ chính sách chưa nắm được đầy đủ thông tin về những chính sách liên quan cũng làm ảnh hưởng đến tính sát thực của kết quả rà soát.
Xin ông cho biết thêm về tình hình thực hiện trợ giúp xã hội hiện nay tại Yên Bái?
Toàn tỉnh mới thực hiện trợ giúp tại cộng đồng cho 3.980 đối tượng, đạt 38% so với tổng số 10.467 đối tượng thuộc diện bảo trợ tại cộng đồng theo kết quả rà soát. Như vậy, mức độ che phủ của chính sách bảo trợ xã hội ở Yên Bái còn rất thấp, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống của đối tượng cũng như làm hạn chế chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân theo Nghị định 67, Yên Bái sẽ làm gì sau đợt rà soát này?
Theo kết quả rà soát, dự toán kinh phí khi thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội sau rà soát là 17.710.560.000đồng/năm. Ngoài việc báo cáo, đề nghị được cấp bổ sung kinh phí cho nguồn đảm bảo xã hội của tỉnh thì Yên Bái sẽ tiếp tục rà soát đảm bảo không sót đối tượng, bổ sung hiệu chỉnh số liệu cho sát với tình hình thực tế.
Căn cứ vào số đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn chưa được hưởng trợ cấp, ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố phải khẩn trương chỉ đạo các phòng chuyên môn, ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các đối tượng hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các trình tự xét duyệt, ra quyết định chi trả trợ cấp theo quy định.
Mặt khác, cũng cần phải có chiến lược, đề án hỗ trợ người tàn tật, người yếu thế cũng như sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng đối với người tàn tật, người yếu thế và sự vươn lên của chính bản thân họ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Nghị định 67, kiện toàn đội ngũ và tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cơ sở để đảm bảo cho người dân được tiếp cận thông tin và hưởng quyền lợi đầy đủ theo quy định của chính sách.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) nằm ở trung tâm Mường Lò, có vị trí địa lý hết sức quan trọng, tuy nhiên hệ thống giao thông chưa được nâng cấp, lại có hai con suối Thia và suối Nung chảy qua, khi có mưa lũ dễ bị chia cắt, rất khó khăn trong việc cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân.
YBĐT - Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái vận động ủng hộ Quỹ phòng chống bão lũ gần 3 tỉ đồng / Hội Chữ thập đỏ Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái đã tổ chức lễ trao tặng 3.010.000đồng cho em Trịnh Nguyên Hồng
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT. Báo chí đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT.
Trong một đề án gửi Chính phủ nhằm đánh giá thực trạng, những thách thức và kiến nghị chủ trương, giải pháp lớn nhằm ổn định tình hình an ninh lương thực ở nước ta, Bộ NN&PTNT kiến nghị phải giữ được ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa trong bối cảnh tốc độ lấy đất nông nghiệp làm đất đô thị, khu công nghiệp tại nhiều tỉnh trọng điểm về trồng lúa đang diễn ra mạnh mẽ.