Sân chơi cho trẻ em nông thôn: Thiếu trầm trọng
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2008 | 12:00:00 AM
Trẻ em thành phố có nào là công viên, khu vui chơi, trung tâm văn hoá… Đến kỳ nghỉ hè, các em thoải mái chọn chỗ để học tiếng Anh, học võ, học vẽ, học đánh cờ, học múa hát vv… Hay nói cách khác là chỉ sợ không có sức mà học, mà chơi. Còn ở nông thôn, trẻ em thiệt thòi hơn nhiều.
|
Thiếu chỗ chơi
Không gian nông thôn Việt Nam rất rộng (trong tổng diện tích quốc gia) nhưng trẻ em nông thôn vẫn thiếu chỗ chơi. Thiếu bởi vì diện tích thì nhiều nhưng không có được quy hoạch cụ thể. Thế nên, các em thường tụ tập nhau chơi các trò chơi của mình ngay tại ngã ba đầu làng, hay ở một bụi cây bóng mát, rồi chơi ở ven đường quốc lộ chạy qua thôn, chơi ở ruộng mùa khô, chơi trên đê...
Nếu kể ra như thế thì số lượng chỗ chơi cho các em cũng nhiều. Nhưng về chất lượng thì lại là điều đáng bàn. Ở những chỗ như thế, các em chỉ có thể tự phát hình thành trò chơi, chọn thời điểm chơi rất “thời vụ”. Hơn nữa, thực tế hiện nay, ở các vùng nông thôn người ta bắt gặp không ít cảnh trẻ em túm năm tụm ba lại, trêu chọc người qua đường, nói tục chửi bậy, chơi bài sát phạt, đánh cãi chửi nhau,...
Ở hầu hết các làng quê Việt Nam đang rầm rộ phong trào xây dựng nhà văn hoá. Không ít nhà văn hoá được xây lên khang trang, tốn kém nhưng khánh thành xong lại trở thành cái hộp rỗng. Rỗng vì không có đồ đạc, không sách báo, không đài, không ti vi. Thi thoảng người ta mới khai thác nó vào việc tổ chức họp dân, hoặc thậm chí để tập kết... phân bón, giống cây trồng cho thôn. Đó là chưa kể không ít nhà văn hóa xây to nhưng lại không có sân, thành ra hiệu quả hoạt động không cao.
Chỗ chơi của trẻ em nông thôn đang thiếu dần, còn bởi làng làng xã xã đang bê tông hóa, người ta chia đất, khoanh thửa, rào kín tường cao để giữ đất. Sân kho HTX đã được hoá giá đấu thầu, sân đình chùa được giao khoán trông coi. Và như thế, của ai người ấy giữ. Bọn trẻ chỉ còn cách tìm những chỗ đầu thừa đuôi thẹo, vô thưởng vô phạt... hay nói chung là chỗ nào tiện thì tranh thủ chơi.
Hậu quả cái sự thiếu chỗ chơi đã rõ. Không có chỗ chơi tập trung ổn định, không người quản lý, định hướng chơi nên các em dễ sinh ra chơi bời linh tinh lãng phí thời gian. Đặc biệt, kiểu “tiện thì chơi” này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống, sinh hoạt của các em trong tương lai.
Thiếu đồ chơi
Cái gọi là “đồ chơi” trong một sân chơi tích cực dành cho các em để phát triển toàn diện phải là những thứ vừa giúp các em chơi, vừa giúp các em học. Đồ chơi các em cần phải là sách báo, văn hoá phẩm, các dụng cụ, đồ chơi. Những thứ này đang rất thiếu đối với trẻ em nông thôn, bởi:
Cả nước ta có khoảng 20 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình dành riêng cho đối tượng thiếu nhi. Nhưng báo chí, văn hoá phẩm đến tay trẻ em nông thôn vẫn hiếm hoi vì giá thành còn cao so với thu nhập của nông thôn, vì cách phân phối ưu đãi chưa hợp lý.
Các nhà văn hóa, thư viện ở nông thôn hầu như không có sách báo hoặc nếu có thì cũng chỉ là những đầu báo cũ, sách cũ nát. Một vài nơi hiếm hơi có đầy đủ hơn thì cũng chỉ được mở cửa vào những thời điểm hiếm hoi.
Hàng loạt các nhà hát, rạp chiếu phim, múa rối, xiếc… mặc dù đều có trợ giá vé cho trẻ em nhưng chúng đều tập trung tại các đô thị.
Điều kiện kinh tế gia đình không cho phép các em bé nông thôn có thể mua các đồ chơi như trẻ em thành thị. Vì thế, so với nhu cầu thực tế thì trẻ em nông thôn vẫn thiếu và đói văn hoá, nghệ thuật.
Rõ ràng, thiếu “đồ chơi” là các dụng cụ chơi và sản phẩm văn hoá tinh thần, trẻ em nông thôn không chỉ thiệt thòi về sự phát triển thế giới tâm hồn mà còn có nguy cơ bị sa vào các hoạt động giải trí sai lệch. Nhất là hiện nay, nhiều trẻ em nông thôn vẫn đang bị tước quyền vui chơi giải trí do phải tham gia “phụ giúp” bố mẹ bằng các công việc lao động quá sức.
Ở nước ta từ lâu, khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” đã trở thành tuyên bố đầy sức mạnh, thể hiện trách nhiệm của cả dân tộc đối với thế hệ tương lai. Mong rằng, vấn đề sân chơi cho trẻ em nông thôn sẽ sớm được giải quyết, cũng như chúng ta muốn mai sau cả cây tươi tốt, trái ngon thì phải chăm cây đều đặn, đủ chất từ ngày hôm nay.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Sau ngày thi thứ nhất, ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT và và bổ túc THPT, các thí sinh tỉnh Yên Bái tiến hành thi môn vật lý, Lịch sử đối với khối giáo dục THPT và Địa lý, Lịch sử đối với khối giáo dục thường xuyên.
YBĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "trẻ em như búp trên cành" - cái búp ấy non và mỏng manh, cần lắm sự chở che của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Chính vì vậy, để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giảm tối đa tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bóc lột và bạo lực, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ đối với trẻ em. Năm nay, với chủ đề “An toàn để trẻ em sống và phát triển”, Tháng hành động vì trẻ em 2008 hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em, phòng chống xâm hại, ngược đãi và bạo hành trẻ em.
YBĐT - Văn Chấn là huyện miền núi phía tây của tỉnh Yên Bái, với trên 143.000 nhân khẩu; tổng số lao động trong độ tuổi trên 80.000 người, tỷ lệ hộ nghèo còn 30%. Vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương xuất khẩu lao động của tỉnh, Văn Chấn đã coi đây là một trong những giải pháp tạo công ăn việc làm, xoá đói, giảm nghèo cho người lao động.
YBĐT - Những năm trở lại đây, Hội Phụ nữ xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) được đánh giá là điểm sáng trong công tác xây dựng Hội và triển khai có hiệu quả nhiều phong trào lớn. Đến nay, Hội đã thu hút được 835 chị em tham gia sinh hoạt, chiếm 78% phụ nữ trong độ tuổi toàn xã. Nhiều phong trào lớn được triển khai sâu rộng ở 16/16 phân, chi hội, nổi bật hơn cả là phong trào phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, làm giầu chính đáng.