Thị trấn Thác Bà: Bao giờ có chợ?
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đã qua 30 năm thành lập, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái) được sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và người dân nên đã thay da, đổi thịt với nhiều công trình kinh tế, văn hoá, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh có hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Cơ sở hạ tầng của thị trấn đảm bảo cho Thác Bà phát triển chỉ trừ một việc là thị trấn vẫn chưa có ... chợ!
Một góc chợ tạm ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. (Ảnh: L.C)
|
Bác Nguyễn Văn Hoà, 72 tuổi đã sống ở Thác Bà đã gần nửa thế kỷ cho biết: “Trước đây, thị trấn đã tự phát một số điểm tập trung kinh doanh bán lẻ, đó là cơ sở để hình thành một cái chợ quy củ nhưng không hiểu sao đến tận bây giờ Thác Bà vẫn không có chợ”. Không có chợ, nhưng hàng nghìn người dân Thác Bà và hàng vạn người dân trong vùng vẫn có nhu cầu trao đổi hàng hoá và giao thương nên việc kinh doanh buôn bán vẫn cứ diễn ra và tất nhiên là diễn ra trên vỉa hè, lòng lề đường, điều này khiến thị trấn Thác Bà trở nên nhếch nhác, vừa mất mỹ quan đô thị vừa mất an toàn giao thông.
Chị Hà Thị Thoa, nông dân xã Vĩnh Kiên, bày bán dưa bở, đỗ đũa ngay dưới lòng đường (trước cửa trụ sở Công ty Lâm nghiệp Thác Bà) nói: “Em hỏi các bác, nhà em làm được tí rau, tí đỗ mang bán kiếm đồng tiền, thị trấn chẳng có chợ, em không bán ở đây thì bán ở đâu?”. Đúng là không ngồi ở hè đường mà bán hàng thì người dân cũng không biết ngồi ở đâu thật! Có đến thị trấn Thác Bà vào các buổi chiều mới thấy các bà, các chị bày la liệt hàng hoá ra lòng lề đường để bán; không ít người ngang nhiên dựng xe máy, xe đạp giữa đường để mua hàng. Chợ họp giữa đường nên chuyện đánh cãi chửi nhau tranh chỗ ngồi, tranh mua, tranh bán thường xuyên diễn ra, những vụ va quệt giao thông không phải là hiếm. Tối đến, chợ tan để lại rác thải và mùi ôi thiu ẩm ướt rất mất vệ sinh.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ của Phòng Công thương huyện Yên Bình cho biết: “Thác Bà là địa phương rất thiếu mặt bằng (một bên là núi, một bên là sông) nên rất khó quy hoạch. Năm 2000, huyện đã có quy hoạch xây dựng chợ và bản quy hoạch được được phê duyệt, địa điểm xây dựng ngay trước cửa Lâm trường Thác Bà và tỉnh đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ xây dựng là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, dự án không được triển khai vì địa phương kiến nghị chuyển vị trí xây dựng chợ xuống phía dưới cầu Thác Ông.
Kiến nghị của thị trấn được chấp thuận nhưng khổ nỗi vị trí mới tuy rộng (hơn 4000 m2) nhưng lại phải giải toả một số hộ dân lân cận nên khoản tiền 500 triệu đồng của tỉnh hỗ trợ chưa đủ việc san tạo mặt bằng và đền bù giải phóng mặt bằng, trong khi nguồn ngân sách của địa phương thì rất hạn hẹp. Và ngay cả khi có kinh phí để xây dựng chợ rồi thì chợ mới ở xa khu trung tâm như thế vẫn khó thu hút được tiểu thương vào chợ”.
Chắc hẳn vẫn còn lý do khác nữa khiến dự án xây dựng chợ Thác Bà không được triển khai và như vậy thị trấn vẫn không có chợ và còn không biết bao giờ mới có, trong khi nhu cầu giao thương ngày càng phát triển thì lòng lề đường vẫn là chợ ở Thác Bà!
Tấn Đạt
Các tin khác
YBĐT - Để thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", từ đầu năm đến nay, Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Trạm Tấu đã trình xét quyết định 35 đơn vị đạt chuẩn văn hóa và 6 bản, tổ dân phố văn hóa; tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện ban hành kế hoạch chỉ đạo phong trào trong năm 2008.
Trẻ em thành phố có nào là công viên, khu vui chơi, trung tâm văn hoá… Đến kỳ nghỉ hè, các em thoải mái chọn chỗ để học tiếng Anh, học võ, học vẽ, học đánh cờ, học múa hát vv… Hay nói cách khác là chỉ sợ không có sức mà học, mà chơi. Còn ở nông thôn, trẻ em thiệt thòi hơn nhiều.
YBĐT - Sau ngày thi thứ nhất, ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT và và bổ túc THPT, các thí sinh tỉnh Yên Bái tiến hành thi môn vật lý, Lịch sử đối với khối giáo dục THPT và Địa lý, Lịch sử đối với khối giáo dục thường xuyên.
YBĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "trẻ em như búp trên cành" - cái búp ấy non và mỏng manh, cần lắm sự chở che của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Chính vì vậy, để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giảm tối đa tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bóc lột và bạo lực, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ đối với trẻ em. Năm nay, với chủ đề “An toàn để trẻ em sống và phát triển”, Tháng hành động vì trẻ em 2008 hướng tới xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em, phòng chống xâm hại, ngược đãi và bạo hành trẻ em.