Tuy Lộc: Nhọc nhằn nghề nông
- Cập nhật: Thứ năm, 12/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trăm dâu đổ đầu... hạt thóc. Thường ngày hạt thóc đã phải cõng biết bao thứ chi phí sinh hoạt của người nông dân, từ con cái học hành, chuyện hiếu chuyện hỷ, tiền thuốc thang đau ốm, tiền phân tiền giống... nay lại cõng thêm gắng nặng của cơn bão giá.
3 sào hoa chuyển đổi từ đất lúa mỗi năm gia đình bà Dậu thôn Tân Thành thu 10 triệu đồng/1 sào.
|
Trong vài thập niên trở lại đây, hiếm thấy có năm nào sản xuất nông nghiệp lại đối mặt với một đợt rét đậm rét hại kéo dài như năm nay. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu lại tăng giá chóng mặt, khiến người làm nông nghiệp ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái phải lao đao, khốn đốn.
Lần dở cuốn sổ thống kê diện tích lúa cấy lại vụ chiêm này chỉ có chưa đầy 8 ha trong tổng diện tích gieo cấy 67,5 ha là còn được cho thu hoạch, ông Phạm Ngọc Dũng – cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp xã không khỏi lo ngại. Tính đến thời điểm này đã có trên 30% số hộ phải ăn đong, đồng nghĩa với việc có chừng ấy số hộ rơi vào tình trạng thiếu lương thực trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 tháng.
Theo ông Dũng, tiếng là có gần 8 ha được thu hoạch nhưng năng suất dự ước vụ này cũng chỉ đạt khoảng 130 kg/sào, giảm 30%. Và mặc dù toàn bộ số diện tích lúa gieo cấy lại ở đợt hai không đạt đã được các hộ chủ động chuyển đổi sang trồng ngô và cây rau màu, nhưng xem ra, cũng không thể bù đắp nổi sản lượng thóc thiếu hụt quá lớn trong dân, trên 370 tấn.
Như vậy, mục tiêu xã đặt ra trong năm 2008, phấn đấu đạt mức bình quân lương thực đầu người 350 kg/năm, thu nhập bình quân 5,4 triệu đồng/người/năm sẽ khó lòng đạt được. Bởi hiện tại, Tuy Lộc đang có tới 60% số hộ thuộc diện cận nghèo và 5,6% hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Nông dân nghèo không thể bám trụ được với đồng đất.
Tình trạng người làm ruộng phải đành lòng cho thuê ruộng để đi làm thuê kiếm sống đã xảy ra ở không ít địa phương trong tỉnh và Tuy Lộc cũng không nằm ngoài thực trạng chung đó.
Bà Lê Thị Dậu, thôn Tân Thành, người có tiếng làm nhiều ruộng ở Tuy Lộc tâm sự: “Một hai năm trước, khi chưa chia ruộng cho các con gia đình gieo cấy gần 3 mẫu ruộng, mỗi vụ thu hơn 2 tấn thóc. Làm ruộng như năm 2007 vẫn là còn được vì nhà nông chủ yếu lấy công làm lãi. Nhưng sang năm 2008, giá phân bón, giống, vật tư nông nghiệp tăng cao tính ra cũng chỉ hoà nếu không muốn nói là lỗ về công sức bỏ ra”.
Vụ chiêm này, nhà bà Dậu gieo cấy gần 2 sào ruộng. Cấy đi cấy lại, chỉ tính riêng đầu tư giống và các loại phân bón đã đội chi phí sản xuất lên tới gần 900 nghìn đồng, đó là chưa kể đến một số khoản chi phí khác như thuốc trừ sâu, thuỷ lợi phí và công lao động... Việc nông dân chuyển đổi sang trồng ngô và cây rau màu trên diện tích gieo cấy lúa chiêm xuân cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự.
Vụ mùa 2008 đang được xã tuy Lộc chỉ đạo bà con triển khai thực hiện. Theo kế hoạch, vụ mùa tới, Tuy Lộc phấn đấu gieo cấy hết toàn bộ diện tích, với cơ cấu 100 % giống lúa chất lượng cao, phấn đấu năng suất đạt 5,4 tấn; trong đó vụ 3 quyết tâm không để đất trống nhằm bù đắp lại sản lượng lương thực bị sụt giảm ở vụ chiêm xuân.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế thấy rằng, nông dân Tuy Lộc vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong lúc giá phân bón các loại chưa có chiều hướng giảm thì nông dân nghèo lại phải gánh thêm những cái giá mới khi phải mua chịu, mua lẻ từng kilôgam. Thêm vào đó, giá lúa giống, chi phí thuỷ lợi cũng đồng loạt tăng.
Đơn cử như giống lúa Kim ưu, vụ trước giá chỉ 22 nghìn đến 25 nghìn đồng/kg thì vụ sản xuất này nông dân đang phải mua với giá 50 nghìn đồng/kg, tăng gấp 2 lần. Rồi giá bơm nước cũng vậy. Nếu trước chỉ bơm 35 nghìn đồng/giờ thì nay cũng đã tăng lên 50 nghìn đồng/giờ. “Đấy là Trạm Thuỷ nông của xã hoạt động mang tính chính trị phục vụ nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương là chủ yếu”, như lời cán bộ địa phương giải thích.
Trăm dâu đổ đầu... hạt thóc. Thường ngày hạt thóc đã phải cõng biết bao thứ chi phí sinh hoạt của người nông dân, từ con cái học hành, chuyện hiếu chuyện hỷ, tiền thuốc thang đau ốm, tiền phân tiền giống... nay lại cõng thêm gắng nặng của cơn bão giá.
Vụ màu 2008 là niềm hy vọng lớn của nông dân Tuy Lộc mong gỡ gạc, bù đắp lại chút thiệt hại ở vụ sản xuất trước. Giúp nhà nông kịp thời tháo gỡ những khó khăn bước vào thời vụ mới cần hơn bao giờ hết sự chung tay vào cuộc của chính quyền các cấp và ngành chức năng để nông dân nghèo có thêm cơ hội bám đất, giữ đồng.
Minh Thuý
Các tin khác
YBĐT - Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) có 269 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tập trung tại chợ thị trấn Yên Thế và 9 chợ trung tâm cụm xã, nhưng cho tới nay mới chỉ có 3 cơ sở ăn uống được cấp giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP.
Ngày đầu tiên các tỉnh công bố điểm thi THPT, hàng chục nghìn thí sinh đã trượt tốt nghiệp. Trong đó, Hà Tây có gần 17.000 em, Hải Phòng gần 4.000 em... TP HCM cũng có chừng 5.600 thí sinh bổ túc phải thi lại lần hai.
Ngày 11-6, dự thảo đề án vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã được tổ biên tập đưa ra lấy ý kiến trong một cuộc họp tại Hà Nội.